Ngăn sổ mũi bằng tỏi, mật ong

DS Lê Kim Phụng và BS Nguyễn Trương Khương bàn và giải thích thêm về kinh nghiệm cắt triệu chứng sổ mũi bằng cách xông nước tỏi, đeo khẩu trang...

15.6191
Bà Trần Thị Nhung (quận 10) dùng nước tỏi xông hơi để trị bệnh viêm xoang - Ảnh: Duyên Phan

Sau khi đọc bài viết "Sổ mũi quanh năm" trên báo Tuổi Trẻ, một số bạn đọc nêu kinh nghiệm cắt triệu chứng sổ mũi bằng cách xông nước tỏi, đeo khẩu trang..., một dược sĩ và một bác sĩ bàn và giải thích thêm về cách làm của bạn đọc.

Điều trị chứng viêm xoang từ giấm táo, mật ong và tỏi

Viêm mũi dị ứng kéo dài có thể dẫn tới viêm xoang. Tôi từng nói chuyện với nhiều người bạn bị chứng viêm xoang, sổ mũi quanh năm. Những triệu chứng như chảy nước mũi, đau mặt, khó thở, đau đầu và mệt mỏi đã làm cho họ rất khó chịu, nhất là khi đang làm việc ở công sở.

Lý do tình trạng này kéo dài có thể do sự ô nhiễm từ không khí, thay đổi thời tiết, hoặc hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm và không chừa nguyên nhân do stress.

Đôi khi sự điều trị thật đơn giản là chỉ cần thay đổi lối sống, cố gắng loại bỏ các yếu tố gây nhiễm trùng, hạn chế sử dụng các sản phẩm từ hóa chất.

Về mặt y học cổ truyền, tôi đã giới thiệu với họ một số tài liệu của y học vệ đà (Ajurvedic) nói về một số phương thuốc cổ truyền đơn giản nhưng hiệu quả, có thể điều trị chứng viêm xoang từ giấm táo, mật ong và tỏi.

1. Xông hơi với giấm táo (apple cider vinegar), loại này có bán ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, giấm táo pha trong nước sôi tỉ lệ 1/1 sẽ tạo thành một dung dịch xông mũi mạnh, giấm táo pha loãng giúp làm sạch các chất nhầy ứ đọng trong đường mũi.

Có thể pha thêm vài giọt tinh dầu bạch đàn giúp mũi thông hơn, làm giảm cảm giác tắc nghẽn ngực do cảm lạnh và nhiễm trùng xoang.

2. Dùng mật ong nguyên chất có tính kháng virút, kháng khuẩn và kháng nấm, đồng thời tăng cường hệ thống miễn dịch. Các thầy thuốc y học vệ đà đề nghị để ngừa viêm xoang, chúng ta nên bắt đầu một ngày mới với nước mật ong.

Bạn chỉ cần trộn một thìa mật ong vào một cốc nước ấm (không nóng quá) rồi uống vào buổi sáng. Để điều trị nhiễm trùng xoang dai dẳng, có thể thử dùng kết hợp gồm một ly nước ấm, một muỗng cà phê mật ong, một muỗng canh giấm táo, ba tép tỏi băm nhỏ.

Trộn đều và uống sẽ tốt cho sức khỏe các xoang mũi của bạn. Còn nếu sợ tỏi hôi khó uống thì chỉ cần trộn hai muỗng giấm táo và một muỗng mật ong nguyên chất chia ra uống ba lần trong ngày.

3. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý (1/2 - 1 muỗng muối trong 500ml nước ấm) và kết hợp ăn uống. Người hay bị viêm xoang có thể ăn thêm một số thực phẩm giúp tăng tính chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng virút thiên nhiên ở dạng thô hoặc dạng viên, trà, bột chiết xuất từ hạt bưởi, hoặc các loại quả mọng (nho, dâu tây...) có màu tím đậm và vị chua ngọt.

Một tách trà nóng quả mọng đã được chứng minh giúp ngăn chặn tình trạng viêm và nhiễm trùng trong hệ thống hô hấp, tăng cường hệ miễn dịch và hiệu quả chống lại bệnh mùa đông bao gồm cả viêm xoang.

4. Xông hơi với tỏi, trong trường hợp chưa nhiễm trùng xoang nặng thì phương pháp xông hơi bằng tỏi có thể giúp bạn giảm bớt sự khó chịu. Đun sôi một lít nước trong nồi, sau đó thêm 3-4 tép tỏi tươi bằm nhỏ vào.

Dùng một cái khăn che ngang đầu và ngồi với tư thế thoải mái và hít từ từ. Lúc đầu mới hít có hơi khó chịu, nhưng hơi nước và tinh dầu trong tỏi sẽ có tác dụng làm thông mũi vì tỏi là một kháng sinh tự nhiên rất mạnh.

Tinh dầu tỏi có tính kháng viêm và kháng khuẩn có thể giúp tăng cường sức khỏe xoang. Tỏi cũng chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa giúp bảo vệ, sửa chữa các tế bào bị hư hỏng và ngăn ngừa bệnh tật (theo Drug.com).

Nếu muốn xông hơi không bị hao hụt thì có thể sử dụng máy xông hơi (nên tìm mua ở các cửa hàng thiết bị y tế có thương hiệu đảm bảo, nếu máy xông siêu âm thì giá mắc hơn và cần sử dụng theo hướng dẫn).

Tuy nhiên sử dụng tỏi để xông mũi phải tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng vì có những tác dụng phụ như sau: hơi thở hôi; tiêu chảy, đổ mồ hôi nhiều; buồn nôn, nôn; cảm giác nóng rát dạ dày, rát cổ họng, nóng rát trong miệng; phát ban và cảm giác người lâng lâng.

Mặc dù không phổ biến nhưng nhiều người có cơ địa dị ứng với tỏi thì không nên dùng. Trường hợp thấy xuất hiện một trong các phản ứng như trên hoặc thấy hơi bị khó thở, phát ban hay nghẹt mũi, ngưng sử dụng ngay và cần đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Đeo khẩu trang có ngừa được bệnh viêm mũi dị ứng?

Bạn đọc tên Nam viết trên TTO: "Trước đây tôi bị bệnh viêm mũi dị ứng, nhưng từ khi mang cùng lúc ba khẩu trang mỗi khi ra đường thì bệnh hoàn toàn không tái phát, đó là kinh nghiệm của tôi". BS Nguyễn Trương Khương giải thích:

Ngoài việc phải dùng thuốc kháng dị ứng, kháng viêm để làm giảm các triệu chứng dị ứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, người bị viêm mũi dị ứng nên để ý xem mình dị ứng với các tác nhân nào hoặc trong những điều kiện nào các triệu chứng dị ứng xuất hiện để có thể phòng bệnh một cách hiệu quả.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang như khẩu trang y tế, khẩu trang vải, khẩu trang than hoạt tính, khẩu trang N95, khẩu trang công nghệ nano. Đeo khẩu trang khi làm việc trong môi trường ô nhiễm hoặc khi tham gia giao thông tỏ ra rất hữu ích cho những bệnh nhân dị ứng với khói bụi.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân dị ứng với các tác nhân khác không phải khói, bụi thì cách phòng bệnh hoàn toàn khác.

Chẳng hạn như dị ứng với phân của con mạt bụi nhà có trong mùng, mền, chiếu gối, tấm trải giường, thảm thì cách phòng bệnh là nên thường xuyên giặt bằng nước sôi trên 600C, phơi nắng, thường xuyên làm vệ sinh, hút bụi trong nhà và nên có máy lọc không khí trong nhà.

Đối với những bệnh nhân dị ứng với thú nuôi thì tránh nuôi thú trong nhà. Còn bệnh nhân dị ứng nước hoa và một số hóa chất thì không nên sử dụng nước hoa, tránh tiếp xúc với các hóa chất đã biết.

Nên thường xuyên tập thể thao, ăn uống điều độ và làm việc giờ giấc là một yếu tố quan trọng tác động lên hệ miễn dịch làm giảm xuất hiện các triệu chứng của bệnh dị ứng.


Theo DS Lê Kim Phụng - Tuổi trẻ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]