Sau khi Tổng cục Du lịch công bố kết quả khảo sát, dư luận lập tức cho rằng đó là những số liệu khó tin. Dù vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn, khẳng định kết quả khảo sát sẽ là căn cứ để ngành du lịch tham khảo, phân tích và nhìn nhận một cách chính xác hoạt động kinh doanh của ngành, từ đó đề ra chính sách phù hợp.

Thiếu thực chất

“Tôi vẫn hình dung là phản hồi của du khách là tích cực, số không hài lòng chỉ là số nhỏ nhưng đến trên 90% cho biết hài lòng với du lịch Việt Nam thì thật bất ngờ. Toàn bộ phiếu điều tra đều được làm theo định dạng (format) quốc tế và các chuyên gia của dự án EU hỗ trợ. Đó là một chỉ số đáng tự hào nhưng không thể hài lòng mà phải cố gắng nhiều hơn nữa” - ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 20-5.

Bình luận về con số 32,98% lượng khách quốc tế quay trở lại Việt Nam trong năm 2014 (theo kết quả khảo sát), ông Phan Xuân Anh, cố vấn Công ty Du lịch Tân Hồng (chuyên về khách tàu biển), cho rằng không nên quá lạc quan mà phải xem cụ thể lượng khách quay trở lại ở những thị trường nào, có phải thị trường trọng điểm hay không. Mới đây, một hệ thống khách sạn ở Đà Nẵng nhờ ông huấn luyện cho nhân viên một khóa riêng phục vụ du khách Philippines quay trở lại. “Hỏi kỹ, tôi mới biết phần lớn du khách Philippines quay trở lại đặt phòng ở từ 10-18 ngày không phải đi du lịch mà là đi làm. Nếu tính đối tượng khách này vào lượng du khách quốc tế trở lại lần 2, lần 3 là không thực chất” - ông Anh phân tích.

 Du khách nước ngoài bị chèo kéo mua bản đồ ở chân đèo Hải Vân (địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ảnh: THIÊN KIM

Theo Tổng cục Du lịch, trong 4 tháng đầu năm 2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 2,69 triệu lượt người, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 11 liên tiếp, khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm. Vì sao như vậy?

Nhiều năm dẫn khách tham quan vùng núi Đông Bắc, Tây Bắc, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho biết gần đây, lượng khách quốc tế đến Sa Pa (Lào Cai), nhất là Đồng Văn (Hà Giang) ngày một thưa vắng. “Du khách có xu hướng muốn tận hưởng những dịch vụ ngày càng hoàn chỉnh nhưng tôi cảm nhận chất lượng dịch vụ của chúng ta thì giẫm chân tại chỗ, thậm chí yếu tố con người ngày một kém nên họ chuyển sang các thị trường khác là đương nhiên” - ông Dũng nói.

Thua trên sân nhà

Nhiều năm nay, khâu quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế vẫn được xem là “điểm nghẽn” của ngành du lịch. Mới đây, sự kiện hang Sơn Đoòng lên truyền hình Mỹ làm cả thế giới say đắm, ngành du lịch Việt Nam cũng được hưởng lợi. Nhưng theo ông Phan Xuân Anh, du khách biết đến Việt Nam nhiều hơn nhưng làm sao chúng ta tận dụng được khi cách làm du lịch vẫn kiểu chụp giật, “chặt chém”? “Cách đây vài ngày, tôi được Tổng cục Du lịch Singapore mời tham dự buổi ăn tối, có chuyên gia sức khỏe nói về bệnh… viêm xoang. Lạ thật, quảng bá du lịch mà lại nói chuyện về bệnh viêm xoang?” - ông nói, rồi giải thích: “Vì họ biết bệnh này rất phổ biến ở nước ta và gợi ý nếu chữa trong nước không khỏi có thể đến Singapore điều trị tốt và hiệu quả hơn. Một cách quảng bá rất khéo léo nhưng cụ thể, thực chất, đánh vào tâm lý “đi Singapore không chỉ có du lịch mà còn chữa bệnh”. Trong khi đó, chúng ta bao nhiêu năm vẫn loay hoay”.

Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc truyền thông và tiếp thị Công ty Lữ hành Saigontourist, Việt Nam không phải là thị trường khách trọng điểm nhưng Tổng cục Du lịch Thái Lan lúc nào cũng “sốt sắng” tìm đủ cách mời gọi, lôi kéo người Việt với hàng loạt chương trình khuyến mãi, ưu đãi “khủng”.

Giá “chát”, phiền toái

Vì những lẽ trên, theo nhiều công ty du lịch, kết quả khảo sát, điều tra khách quốc tế đến Việt Nam ở góc độ hài lòng của du khách chỉ là câu chuyện “đầu ra”, quan trọng là phải tạo đột phá ở khâu “đầu vào” để lôi kéo du khách đến nhiều hơn. Muốn vậy, giá vé máy bay phải thật rẻ và thủ tục làm visa phải cải tiến hơn nữa. Ví như hồi trước khi đồng rúp mất giá và kinh tế Nga suy thoái, du khách Nga từng ùn ùn đến Mũi Né bởi giá vé các chuyến bay charter (thuê nguyên chiếc) từ Nga bay thẳng tới Bình Thuận rất rẻ, cho dù chi phí của cả tour không hề rẻ.

Hồi đầu năm 2015, cả ngàn du khách tàu biển vừa đặt chân xuống Việt Nam đã “mướt mồ hôi” với quy định mới về thủ tục xin visa không chỉ phiền toái mà còn tăng từ 5 USD lên 45 USD/khách. Sau khi bị phản ánh, quy định mới bị tạm dừng. Tuy nhiên, đại diện một công ty du lịch cho rằng mấu chốt vấn đề không nằm ở mức phí. Thái Lan, Campuchia, Lào… cũng đều áp mức phí visa từ 25-35 USD/du khách nhưng họ không cảm thấy phiền toái bởi thủ tục. Còn Việt Nam, mức phí visa không hẳn cao mà trước đó, muốn sang du lịch, du khách phải tốn cả trăm USD cho công đoạn xin xét duyệt. Đây mới là điều tốn kém.
Thái Phương - Lan Anh/ Theo Người Lao Động
Chỉ hỏi gần 14.000 du khách
Kết quả khảo sát trên được tiến hành đối với du khách nước ngoài vào Việt Nam theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên tại 7 cửa khẩu quốc tế sau khi khách kết thúc chuyến đi. Thời gian điều tra từ tháng 10 đến tháng 11-2014. Có 13.980 phiếu hỏi phỏng vấn trực tiếp...
Cũng theo kết quả khảo sát, tỉ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam trong năm 2014 là 32,98%, trong đó khách đến lần thứ hai chiếm 18,10%, khách đến lần thứ ba chiếm 5,77%...