Ngành du lịch mong hàng không hợp tác chặt hơn

Dù có chung một mục tiêu là hỗ trợ nhau thu hút được nhiều khách, nhưng ngành hàng không vẫn còn khoảng cách với ngành du lịch.

15.5794

Do vậy, đại diện cơ quan du lịch và công ty lữ hành mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn từ ngành hàng không để cả hai cùng phục vụ được nhiều khách nội địa cũng như khách quốc tế đến Việt Nam.

Du khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nói tại hội thảo quảng bá cho các cảng hàng không Phú Quốc, Cần Thơ và Liên Khương (Lâm Đồng) tại TPHCM ngày 27-7 rằng việc phối hợp giữa ngành hàng không và du lịch là rất quan trọng vì cả hai ngành có cùng một mục tiêu và đối tượng khách.

Hợp tác chưa hiệu quả

Tại hội thảo, ông Tuấn đề nghị ngành hàng không cần đảm bảo đủ các loại máy bay để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch vì lượng khách du lịch sẽ tăng rất nhanh trong các năm tới. Ý kiến này đã được đại diện của các công ty du lịch Vietravel và Vòng Tròn Việt (Viet Circle) chia sẻ thêm tại hội thảo.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc của Vòng Tròn Việt, nói rằng trong thời gian qua việc hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch chưa chặt chẽ vì các công ty du lịch luôn khó khăn trong việc tìm đủ vé cho khách của họ đi trên các chuyến bay đến các điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam, trong đó có Phú Quốc.

Ông Huê nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng gần đây Vòng Tròn Việt buộc phải chuyển đoàn khách sang Hãng hàng không Jetstar Pacific vì không thể có đủ vé cho chuyến bay của Vietnam Airlines mặc dù trước đó công ty đã đăng ký trước một số lượng vé với hãng này theo chương trình hợp tác giữa Vietnam Airlines và các công ty du lịch.

Hậu quả là Vòng Tròn Việt phải bồi thường cho mỗi khách 300.000 đồng vì đã chuyển họ sang chuyến bay của Jetstar Pacific do không thực hiện được như đã cam kết khi khách mua tour.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc của Vietravel, cũng chia sẻ khó khăn trong việc có đủ vé cho đoàn khách của công ty trên chuyến bay nội địa. “Thật khó đặt đủ chỗ trên cùng một chuyến bay của một số tuyến bay vào một số ngày trong tuần”, ông nói.

Ông Kỳ nói nhiều đoàn khách MICE của công ty đến Việt Nam du lịch kết hợp với hội nghị có tổng số người từ 200 đến 400 người, và với các tuyến bay chỉ có máy bay 70 chỗ hoạt động thì công ty phải phân khách ra đi nhiều chuyến khác nhau trong ngày, mất rất nhiều thời gian.

Nói về các chuyến bay đến Phú Quốc, ông Kỳ cho biết để có được đủ chỗ cho khách đoàn thì rất khó khăn, nhưng để khách di chuyển bằng đường bộ thì quá mệt mỏi cho khách.

Hiện các chuyến bay đến một số điểm du lịch đông khách như Phú Quốc, Đà Lạt chỉ có một mình Vietnam Airlines và Công ty bay dịch vụ hàng không (Vasco) khai thác. Trước đây, Jetstar Pacific có tham gia khai thác đường bay giữa Hà Nội và Cần Thơ, nhưng phải bỏ sau một vài tháng khai thác vì không thể cạnh tranh với Vietnam Airlines.

Không chỉ là điểm đến

Bà Clodelsa Ty, Tổng giám đốc của United Airlines tại Việt Nam, cho biết để thu hút các hãng hàng không, nhất là các hàng hàng không quốc tế đến các sân bay của Việt Nam thì trước hết các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương… cần phải tạo ra nhu cầu và sự hấp dẫn thật sự cho du khách.

Bà Ty nói: “Khi có nhu cầu thì ắt các hãng hàng không sẽ đến để đáp ứng nhu cầu này. Cần phải đưa cho khách và nhà đầu tư lý do hợp lý để họ đến Việt Nam”.

Ông Kỳ của Vietravel nói phát triển sân bay quốc tế là điều kiện cần còn điều kiện đủ là các địa phương thụ hưởng cần phát triển những sản phẩm để thu hút khách. Các công ty du lịch mong muốn có sản phẩm để bán và phát triển du lịch cần gắn với phát triển bền vững.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn đề nghị ngành hàng không tiếp tục có những chính sách ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp lữ hành, đối tác chiến lược, giúp họ có những điều kiện thuận lợi hơn để cùng nhau khai thác thị trường. Ngành hàng không cũng cần lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành nhiều hơn nữa để việc hợp tác mang lại hiệu quả hơn.

Năm 2010, cả ngành hàng không và du lịch đạt được tăng trưởng mạnh. Theo ông Tuấn, trong 7 tháng đầu năm 2010, ngành du lịch đã thu hút 2,91 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 19 triệu lượt khách nội địa, tăng tương ứng 35% và khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2009.

Ngành du lịch đặt mục tiêu thu hút 4,2 triệu lượt khách quốc tế và 27-28 triệu khách nội địa trong năm 2010. Ông Tuấn cho biết với mức tăng trưởng cao như các tháng đầu năm thì ngành sẽ vượt mục tiêu cho cả khách nội địa và quốc tế.

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, ngành du lịch hy vọng đón 7-8 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 34-35 triệu lượt khách nội địa vào năm 2015. Đến năm 2020, số khách dự kiến tương ứng là 11-12 triệu lượt khách quốc tế và 41-42 triệu lượt khách nội địa.

Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Lại Xuân Thanh cho biết trong vòng một thập kỷ qua thị trường hàng không Việt Nam đạt tăng trưởng với tốc độ bình quân 14-15%/năm. Theo số liệu cập nhật, tổng lượng khách qua các cảng hàng không trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt 15,2 triệu lượt và tổng lượng hàng hóa là hơn 273.000 tấn hàng hóa, tăng tương ứng là 20,3% và 31,8% so với cùng kỳ năm 2009.

Trong 6 tháng đầu năm nay, mức tăng tại các cảng hàng không Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương lần lượt là 30,3% về lượng khách so với cùng kỳ năm 2009 và đạt 99.000 lượt khách; 28,5% và gần 200.000 lượt khách; 60% và 134.000 lượt khách.

Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không miền Nam, nói theo kế hoạch, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc mới sẽ được đưa vào khai thác trong quí 3-2012 sau gần 4 năm khởi công xây dựng, và sẽ thay thế hoàn toàn sân bay hiện tại.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]