Nhưng ba thì không khéo giấu. Ra khỏi phòng khám ba nói ngay với mẹ là, chắc không giữ được con, vì ra máu kéo dài như vậy, thì nếu giữ cũng không tốt.

Mẹ khóc và bảo là trước khi quyết định, cho mẹ đi siêu âm kỹ lại một lần nữa.

Trong mưa bay và bóng tối, ba chở mẹ ngược 7 cây số về phòng siêu âm của bác sỹ quen.

Con là đứa con đầu tiên của một ông bố đã 36 tuổi. Con là đứa cháu đầu tiên của 2 gia đình lớn chưa có ai xây dựng gia đình. Con là kết quả của 5 năm yêu thương và bất chấp nhiều cản ngại. Không có lý do gì mà ba mẹ không cố gắng để giữ con!

Ngồi chờ siêu âm, mẹ cứ thút thít.

Gần 9 giờ tối, bác sỹ siêu âm mới cho mẹ vào. Mẹ chẳng có hy vọng, chỉ là không muốn có một quyết định sai lầm khi chưa một lần nữa cầm chắc sự thật.

Nhưng nét mặt bác sỹ siêu âm giãn ra, một ánh cười ngạc nhiên. Ông nói, giọng miền Trung “Có tim thai rồi nè!”

Ấy là khi con tròn tám tuần tuổi!

Mẹ như được sống lại.

Lại rơi nước mắt.

Lại hy vọng.

Bác sỹ bảo chả chắc chắn, nhưng cứ theo dõi thử coi, nếu nó khỏe, nó sẽ vượt qua.

Vậy là cứ mỗi tuần siêu âm một lần, mặc cho những lời cảnh báo siêu âm nhiều có thể này kia…

Và con ra đời, 3.5kg. Và y một thằng con trai, giống ba không thể tả nổi.

Là con đấy.

Đêm trước khi sinh, mẹ không ngủ được. Mẹ không nghe con đạp. Mẹ lo lắng. Nhưng những ngày ấy ba con mới nhận nhiệm vụ Trưởng phòng Chuyên mục, Đài lại đang trong đợt đổi mới toàn diện chương trình phát thanh truyền hình và chuẩn bị cho tết âm lịch, mẹ không muốn ba phân tâm.

Sáng 29/12 của tròn 13 năm trước, ba đi làm sớm vì có một cuộc họp quan trọng. Mẹ thì vẫn không thấy con đạp khỏe như mọi ngày. Thế là mẹ gọi bà ngoại. Bà ngoại gọi cho bác Đức của con. Chính là bác và bà đưa mẹ đi viện, không phải ba con.

Ông ngoại nhờ chú lái xe của ông đến đón mẹ, định chở mẹ thẳng lên Sài Gòn.

Nhưng, chắc là số phận, trên đường đi, ngang qua bệnh viện Đồng Nai, bà ngoại lại bảo, hay vào kiểm tra cho chắc ăn rồi hãy quyết định đi Sài Gòn hay không, vì đường lên SG cũng mất cả tiếng.

Vậy là vào bệnh viện Đồng Nai. Bác Anh (người y tá vẫn thường cân đo đong đếm cho mẹ suốt thai kỳ) khám cho mẹ rất kỹ và bảo, “em phải ở lại đây, không được đi đâu hết, đi mà có chuyện gì chị không chịu trách nhiệm!”.

Mẹ và bà ngoại lưu lại bệnh viện suốt ngày hôm ấy. Bác Anh theo dõi tim thai liên tục và thấy lúc được lúc mất. 4h chiều, bác Anh gọi cho bác sỹ Trọng và nói là không nên chờ thêm nữa. Bác Anh bảo mẹ gọi ba con xuống ký giấy.

Trong vòng vài chục phút, mọi thủ tục xong xuôi. Bác Anh đẩy mẹ vào phòng mổ. Mẹ nhìn lên đồng hồ vào trước lúc mê đi, lúc ấy là 5h chiều!

Khi bắt đầu tỉnh trong phòng hồi sức, mẹ lạnh run, mẹ không nhìn thấy cái gì rõ ràng, những âm thanh mẹ nghe thấy đều như vọng lại từ một nơi nào xa lắm. Mẹ thấy bác Thao lờ mờ di chuyển phía dưới chân mẹ, đắp thêm chăn cho mẹ. Xoa chân cho mẹ.

Mẹ thấy ba ở đầu giường. Rồi ba nắm tay mẹ. Mẹ bám chặt lấy vì… nó làm mẹ ấm. Rất khó khăn, câu đầu tiên mẹ hỏi ba là “con có bình thường không?” Ba nói với mẹ là, “con xinh lắm, con giống anh!” 

Trong cơn đau mẹ vẫn thấy buồn cười.

Câu trả lời này làm mẹ luôn mỉm cười mỗi khi nhớ đến, từ đó tới giờ.

Và chắc là mẹ sẽ cười vì nó suốt cả cuộc đời này!

Con đã được sinh ra như vậy đấy!

Cù Thị Thanh Huyền