Nhưng không ít nhà thơ, người mê thơ xốn xang vì chất thơ phai nhạt… Sau bảy năm tổ chức, Ngày thơ Việt Nam vẫn chưa xác định là dành cho nhà thơ hay dành cho công chúng.


Trình diễn thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 7. Ảnh: TL

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn: Thơ viết để đọc chớ không để nói

 
Giới văn học hiện nay quá tự tin, quá cuồng nhiệt, họ hăng hái quá, thơ không còn là thơ nữa. Và chính lễ hội hóa các hoạt động văn hóa làm hỏng tất cả.

Tôi chủ trương thơ là sự tiếp nhận đơn độc. Dù thế giới có hướng thơ diễn đàn, thơ quảng trường để đọc cho công chúng nhưng theo tôi đây không phải là hướng lớn, không thể phát triển lâu bền, còn Việt Nam xu hướng này hiện quá phát triển. Có lẽ nên chấp nhận xu hướng thơ quảng trường nhưng cũng nên chấp nhận có người từ chối xu hướng thơ này.

Theo tâm lý học đám đông thì trong đám đông cá nhân bị đánh mất mình, cuốn theo xu hướng chung. Tôi quan niệm thơ là chỗ trở về với chính tâm tình người ta, những điều người ta chưa biết, là chỗ đến với cảm xúc cá nhân con người. Tôi không tán thành thơ lễ hội. Đó cũng là lý do tôi rất ngán thơ đương thời hay như các bác lớn đi nói chuyện thơ…, tôi quan niệm viết thì để cho người ta đọc chứ không cần phải nói. Tôi chỉ đọc thơ trên mặt giấy, khi nghe người khác đọc không khí thơ bị cuốn đi, hay hay dở khó phân biệt. Nhiều người đến ngày thơ để đến xem người ngâm đọc chứ không phải đến vì thơ. Chính không khí đám đông làm lập lờ đánh lận con đen, nếu người ngâm thơ hay thì bài dở cũng thành bài hay.

Các bạn trẻ quan niệm thơ như uống rượu. Có bạn vừa khoe “Tôi làm bài thơ này trong lúc tưng tửng”. Khi nói như vậy, nhà thơ ấy nghĩ bài thơ chắc đặc biệt lắm nhưng đó có thể là bài thơ chẳng hay ho gì. Hoàn cảnh không làm bài thơ có giá trị, người tư duy sâu sắc thì bài thơ mới có giá trị. Thơ ca hiện nay quá đề cao bột phát, ngẫu hứng, thiếu tìm tòi về kỹ thuật. Các nhà thơ để tâm, để thời gian làm thơ thì ít mà để tâm đến quảng bá, bán thơ nhiều hơn. Thơ hay tự thân nó sẽ đến với người đọc thôi! Nhiều khi cái mọi người thấy hay thật ra không hay đâu!

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Thơ không nằm trong lễ hội, phải kính thưa!

Từ lâu nay tôi không quan tâm đến ngày thơ. Tôi không có nhu cầu xuất hiện đọc thơ ở đám đông.

Hình thức thơ hiện nay rất cũ, hoạt động thơ ca thiếu cái mới. Thơ phải chấp nhận thể nghiệm, có thể táo bạo, có người chưa cảm ngay nhưng không nên kết tội thơ. Mình luôn làm an toàn để không ai oánh, làm an toàn thì ngày nào chẳng đọc thơ cho nhau nghe nên mắc gì đem thơ lên sân khấu đọc. Thơ không nằm ở lễ hội, phải kính thưa… Tôi muốn thơ tôi trên bàn, trên giấy, không muốn lên sân khấu đọc thơ.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Ngày thơ chưa dành cho công chúng

Ở Hà Nội, hình thức thả thơ lên trời và cách chọn thơ để thả cũng gây nhiều tranh cãi đâu là thơ hay, thơ dở khi chọn. Trình diễn làm mới thơ cũng gây tranh cãi… Ở TP.HCM, ngày thơ khi tổ chức ở Thảo Cầm Viên, khi thì Công viên Bách Tùng Diệp, năm nay thì đưa vào Nhà hát TP. Việc thay đổi địa điểm không tạo thói quen cho công chúng. Có thể nói, tất cả hình thức tổ chức lâu nay đều không đạt hiệu quả bởi không lôi kéo công chúng đến với thơ.

Ngoài ra, tất cả hình thức trình diễn, hát thơ, ngâm thơ, đọc thơ… đều không quan trọng. Thơ cần nội dung chứ không phải múa may, trang sức và trình diễn trên sân khấu.

Ngày thơ Việt Nam không phải là sân chơi của người làm thơ mà nên là không gian thơ của mọi người. Là nơi nhà thơ mang thông điệp thơ đến mọi người chứ không phải sân chơi riêng biệt của nhà thơ. Vì vậy, việc tổ chức ngày thơ trong nhà hát thì chỉ dành cho một nhúm người chơi thơ với nhau. Để thơ đến công chúng những năm qua đều chưa có, có thể do cách tổ chức nhiều hơn là công chúng xa lánh thơ.

Nhà thơ Trương Nam Hương: Hy vọng sẽ có một ngày thơ đúng nghĩa nhất

Là một trong những người tham gia tổ chức bảy lần Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM, tôi hiểu được những khó khăn khách quan và cả những hạn chế của những người thực hiện. Trước hết, TP.HCM là TP năng động, đông dân, có nhiều tụ điểm văn hóa với nhiều loại hình vui chơi giải trí khá hấp dẫn, do đó để đánh động được ngày thơ thành một sự kiện quả không dễ chút nào. Ngay đến chọn một địa điểm dành cho thơ, thật thơ cũng là rất khó. Về mặt tổ chức, dù có sự chuẩn bị nhưng không tránh khỏi những lúng túng, thiếu đồng bộ, gắn kết. Sự quan tâm, hưởng ứng của các nhà thơ đối với ngày này không nhiều, nội dung chương trình đôi khi còn khô cứng, thiếu sự tươi mới, hấp dẫn để có thể lôi kéo đông đảo công chúng yêu thơ đến với  thơ, hòa cùng thơ. Tôi nhớ, Ngày thơ lần 5 (năm 2006), HNV TP đã tổ chức khá thành công, đáp ứng được phần nào những mong mỏi của công chúng đối với ngày thơ. Năm nay, Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM với chủ đề Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long được ban tổ chức chuẩn bị chu đáo hơn và địa điểm tổ chức là Nhà hát TP. Hy vọng chúng ta sẽ có một ngày thơ đúng nghĩa nhất.

TP.HCM: Ngày thơ đến sớm

Theo thông lệ, Ngày thơ Việt Nam sẽ rơi vào đúng rằm tháng Giêng - tết Nguyên tiêu, thế nhưng năm nay Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM lần 8 sẽ diễn ra tại Nhà hát TP.HCM vào ngày 24-2 (tức ngày 11 tháng Giêng âm lịch). Ngày thơ sẽ bắt đầu đến 11 giờ trưa với chủ đề “Thơ trẻ”. Chương trình đêm thơ Nguyên tiêu chính thức bắt đầu vào 19 giờ 30 với chủ đề “Trời nam thương nhớ đất Thăng Long” và các hoạt động: Lễ đánh trống - Thượng cờ, diễn “Chiếu dời đô”, trình diễn thơ nhạc, múa minh họa của nhiều nhà thơ trên địa bàn TP.HCM.

Hà Nội: Ba ngày thơ

Ngày thơ sẽ được tổ chức trong suốt ba ngày, từ 26 đến 28-2 ( tức ngày 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch). Ngày đầu tiên là ngày tôn vinh thơ dịch, tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Nga (Hà Nội). Ngày thứ hai, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho các nhà thơ đã hy sinh và các nhà thơ, nhà văn mới mất. Lễ khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 8 sẽ được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trong ngày này sẽ có màn rước lửa thiêng từ Đền Thượng ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng về Hà Nội. Cùng với màn rước lửa thiêng sẽ là màn rước Chiếu dời đô như truyền thống.

Huế: Thơ trên sông Hương

Đêm thơ trên sông Hương tại Huế sẽ diễn ra ngay tối rằm tháng Giêng với chủ đề “Từ cố đô nhớ về cố đô”. Nhiều hoạt động trình diễn thơ, ngâm thơ, hát nhạc phổ thơ, thư pháp... sẽ diễn ra.

- Nhiều tỉnh, thành trong cả nước tổ chức sự kiện hưởng ứng ngày thơ như: “Thơ với trời biển quê hương” tại Quảng Ngãi, đêm thơ của sáu tỉnh khu vực Việt Bắc tổ chức tại Thái Nguyên…

QUỲNH TRANG tổng hợp

QUỲNH TRANG ghi


Video đang được xem nhiều