Ngáy và tác hại của ngủ ngáy

Theo cuộc nghiên cứu trên 2.000 người tại Canada có khoảng hơn 70% đàn ông có tật ngáy khi ngủ, và hơn 50% đàn bà cùng có tật này.

15.5944
Tại sao lại ngáy khi ngủ

Bình thường khi chúng ta thở không khí đi vào từ mũi hoặc miệng xuống phổi rồi trở ra một cách tự nhiên, đều đặn.

Nhưng có một số người trong lúc ngủ, vùng họng sau bị hẹp lại, cùng một lượng khí vào nhưng do đi qua một vùng hẹp hơn làm các niêm mạc mô xung quanh rung lên tạo nên một loại âm thanh mà người ta gọi đó là ngáy. Vùng hẹp đó có thể ở vùng mũi, miệng hoặc là họng.

Có nhiều nguyên nhân gây ngáy

-       Bệnh dị ứng

-       Amiđan quá to

-       Viêm xoang

-       Uống rượu say ngủ mê mệt

-       Cơ thể quá béo khiến các lớp mỡ dày cộm lên cuống họng làm thay đổi cấu trúc, thu hẹp và cản trở không khí.

-       Hút thuốc lá nhiều khiến khói ám làm cổ họng sưng lên, gây nghẹt và hẹp đường thông khí.

-       Hoặc do những dị dạng bẩm sinh như cổ họng hẹp, cuống lưỡi to, cuống họng dài

-       Cũng có thể là do di truyền

Triệu chứng ngáy ngủ có thể chia làm 3 cấp độ:

-       Cấp độ 1- ngáy ít, tiếng ngáy không to và khi nằm nghiêng sẽ ngừng ngáy.

-       Cấp độ 2 - ngáy vừa phải, ngáy to hơn và nằm ngủtư thế nào cũng vẫn ngáy.

-       Cấp độ 3 - ngáy rất to ở mọi tư thế nằm ngủ và kèm theo triệu chứng nghẹt thở nhất thời, khiến người ngáy tỉnh giấc với trạng thái mệt mỏi. Mức độ này có thể nguy hiểm tới bệnh nhân.

Những nguy hại của bệnh ngáy ngủ

Bệnh ngáy ngủ thường gây khó chịu cho người xung quanh. Nhưng nguy hại thực sự và lại thuộc về chính người bệnh.

Người ngáy thường có nguy cơ ngưng thở khi ngủ do các phần mềm và niêm mạc của cuống họng làm nghẹt khí quản, hai lá phổi và não bị thiếu dưỡng khí. Khi đó, não sẽ phát ra tín hiệu làm giãn nở cuống họng và khí quản, làm cho quá trình hô hấp trở lại bình thường.

Nếu những rối loạn diễn ra liên tục sẽ gây ra chứng ngưng thở khi ngủ, khiến giấc ngủ không ngon và thời kỳ ngủ say bị ngắt quãng. Hậu quả là bộ não không nghỉ ngơi hoàn toàn sau một ngày hoạt động, khiến người bệnh trở nên mệt mỏi, giảm năng suất làm việc, không tập trung, lâu dần sẽ suy giảm trí nhớ.

Ngoài ra, bệnh ngáy ngủ còn dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các chứng bệnh khác như huyết áp cao, suy giảm khả năng tình dục, bệnh nhồi máu cơ tim, tim loạn nhịp hoặc bệnh đột tử trong khi ngủ...

Cách chữa trị

+  Phương pháp điều trị không xâm lấn

- Giảm cân nếu là người béo phì.

- Tập thể dục thường xuyên, vừa để giảm cân vừa tăng oxy cho não.

- Tránh uống rượu 4 tiếng trước khi ngủ

- Không nên dùng thuốc an thần hoặc bất cứ loại thuốc nào làm cho các cơ bắp trong cuống họng chùng xuống.

- Tránh ăn nhiều vào bữa tối.

- Cần chữa dứt điểm chứng viêm mũi dị ứng.

- Khi ngủ, nằm ngủ nghiêng và giữ cho đầu cao để dễ thở hơn.

- Nếu xuất hiện các biến chứng ở tim và phổi, người bệnh cần được đeo máy bơm không khí cao áp, đưa không khí vào mũi và phổi, giúp thở được bình thường.

- Dùng dụng cụ nha khoa làm cho hàm ếch không chùng xuống và lưỡi nhỏ không bít khí quản.

- Tuy nhiên, đối với những người ngáy ngủ ở mọi tư thế (cấp độ nặng), cho bệnh nhân thở oxy trong khi ngủ. Cách này có tác dụng gần 100% nhưng bất tiện khi bệnh nhân đang di chuyển trên đường hoặc ở nơi tạm trú.

+  Phương pháp phẫu thuật

Mục đích là làm rộng những vị trí hẹp giải phẫu gây ngáy

Hiện nay phẫu thuật bằng laser, đốt các phần mềm cuống họng là giải pháp hiệu quả. Thủ thuật này rất nhanh mà không cần gây mê, chỉ điều trị khoảng 3-5 lần là có tác dụng

Bệnh nhân có thể được tiến hành giải phẫu mở rộng đường họng, chích cuống họng, cuống lưỡi, cắt amiđan để tăng cường lưu thông đường hô hấp. Đây là phương pháp phức tạp hơn đốt và vết mổ lâu lành hơn.

Phương pháp nâng màng hầu bằng chất Polythylene terephthalate (PET) là thủ thuật đơn giản, ít xâm lấn, an toàn hiệu quả cao trong điều trị ngáy

Theo Benh.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]