- Cô nói chưa chuẩn, cần phải chỉnh, đấy phải gọi là méo mó nghề nghiệp. Còn bệnh nghề nghiệp ở nước ta mới chỉ có 28 bệnh trong danh mục bệnh được bảo hiểm theo các thông tư liên bộ và quyết định của Bộ Y tế.
- Sao ít thế, xã hội phát triển bao nhiêu nghề nghiệp, tính phải đến hàng nghìn, mà có mỗi 28 bệnh nghề nghiệp?
- Quả là có ít so với xã hội đang phát triển nóng. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) ban hành danh mục 54 nhóm bệnh nghề nghiệp, nghĩa là tính theo nhóm bệnh còn nhiều gấp rưỡi của ta chỉ tính theo bệnh.
Danh mục này chỉ tính đến những bệnh theo nghề nghiệp công nghiệp hóa với số lượng nhân công nhiều và liên quan trực tiếp đến môi trường làm việc, thời gian làm việc. Để được công nhận mắc bệnh nghề nghiệp cần thủ tục biên bản đo đạc các chỉ số độc hại của môi trường làm việc, hồ sơ giám định bệnh của hội đồng giám định y khoa.
- Em làm thợ may với cái tiệm bé tẹo, bây giờ mắc bệnh thoái hóa cột sống, lấy đâu ra các thủ tục như bác nói để giám định bệnh nghề nghiệp. Thôi bác cứ bày cách nào để em biết phòng và chữa bệnh nghề nghiệp cho thiết thực.
- Cô nói quá đúng cho riêng mình và cho cả cộng đồng. Có bao nhiêu nghề nghiệp là có bấy nhiêu bệnh nghề nghiệp theo nghĩa rộng nhưng rất đúng với định nghĩa sức khỏe của Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO). Tinh thần của định nghĩa đó nói sức khỏe phải là trạng thái lành mạnh, sung sức của cả thể lực, tinh thần và giao tiếp xã hội. Như cô phải ngồi máy may nhiều năm, cột sống bị bệnh thoái hóa là bệnh về thể lực, còn bác sĩ chúng tôi tùy theo chuyên khoa sẽ dễ mắc những bệnh khác nhau như lây bệnh truyền nhiễm, bệnh do tiếp xúc với tia xạ, bệnh do tiếp túc với hóa chất phòng xét nghiệm, bệnh chịu nhiều stress do áp lực căng thẳng về trách nhiệm với cái hiểm nghèo sống chết của bệnh nhân. Các nhà chức trách, quản lý, lãnh đạo lại hay gặp bệnh tim mạch, huyết áp cao, suy nhược thần kinh do lao động trí óc quá tải. Các nghề nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin lại cho thấy những bệnh về mắt. Nhà nông, ngoài những bệnh của chân lấm tay bùn lại thêm những bệnh do tiếp xúc hóa chất của phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Những làng nghề thủ công, tiểu công nghiệp phải trả giá khó lường về ô nhiễm môi trường, về độc hại do tiếp xúc khi trực tiếp sản xuất.
Khi đã làm nghề lâu dài và chuyên nghiệp, mọi người đều muốn tăng cao nhất năng suất, đồng thời để hạ giá thành, có xu hướng cắt giảm đến tối thiểu những chi phí cho bảo hộ lao động, bảo hiểm sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ, chi trả cho ốm đau,... Đấy là cái giá về sức khỏe phải trả cho kinh tế thị trường mà mỗi người lao động chăm chỉ phải chịu.
- Em cứ phòng xa, phòng thân là hơn cả, làm cố đến quá sức chỉ khổ mình, vừa sức mình mà làm, đồng tiền dành dụm được là của mình. Nhưng phải làm sao mà biết để phòng ngừa trước khi thành ra bệnh.
- Mỗi người, ngay từ khi học nghề đã phải lượng sức mình, căn cứ vào việc tìm hiểu tính chất đặc điểm, cường độ, độ khó của nghề mà đặt ra tiêu chí hàng đầu là sức khỏe của mình có phù hợp không. Tính năng động, cần cù, vượt khó rất cần nhưng phải có ngưỡng, vượt đèn đỏ về sức khỏe là nguy hại về sức khỏe và cả cuộc sống của chính người lao động.
Trong hành nghề, rèn kỹ năng thuần thục để tránh mất sức hay tai nạn, biết nghỉ giải lao giữa giờ kèm bài tập thể dục đơn giản để khắc phục những tư thế, động tác gò bó lúc làm. Sau giờ làm, rất cần bù lại sức lao động, sức khỏe chung toàn thân - cách tốt nhất đẩy lùi bệnh nghề nghiệp.