Nghệ nhân “khùng” thành “Vua cá sấu”

GiadinhNet - Hàng trăm hòn đá với hình dáng kỳ dị đã tạo nên phong thái lạ lùng cho khu vườn đá độc nhất nơi đất Cảng.

15.6191
Những tảng đá ấy được chở về từ khắp mọi miền đất nước…
 
Khu vườn đá kỳ lạ đất Cảng
 

Câu nói bất hủ của M.Gorky: "Trên thế gian này chẳng có vị thần nào đẹp hơn vị thần mặt trời. Chẳng có ngọn lửa nào kỳ diệu hơn ngọn lửa tình yêu" được nghệ nhân khắc trang trọng trên một phiến đá lớn…

Trên diện tích gần 7.000 m² nằm ngay bên quốc lộ 5 thuộc địa phận quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng, khu vườn đá kỳ lạ đã gây sửng sốt, ngạc nhiên cho du khách. Không chỉ bởi hình thù kỳ dị mà chỉ riêng nguồn gốc xuất xứ của từng tảng đá đã đủ gây thán phục bởi sự kỳ công, mày mò khắp từ Nam ra Bắc của khổ chủ. Người mê đá, mê những "chứng tích thời gian" ấy chính là nghệ nhân Cao Văn Tuấn, người con đất Cảng.

Từng cái tên mà anh đặt cho mỗi tảng đá không chỉ gắn với nơi xuất thân của chúng, mà còn gợi cho người xem những xúc cảm có thực về miền đất xa xôi ấy.
 
Đó không chỉ là những khối đá vô tri mà còn là dấu ấn lịch sử một thời như tảng đá có tên "Dấu tích của việc Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" được đưa về từ Ngã ba Đồng Lộc. Hay như tảng đá mà nghệ nhân cất công mang về từ  Lào Cai xa xôi, gắn với miền đất "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt", được đặt bằng cái tên đầy gợi nhớ: "Thạch hồng hoang".
 
Tảng đá mang về từ Tuyên Quang - nơi có hội lồng tồng đặc sắc thì được gọi là "Sơn dương thạch". Cái tên cổ trang đầy hoài niệm "Thạch động thôn Vân" được gắn lên hòn đá mang về từ Hà Tiên. Hay đơn giản hơn là tảng đá kỳ dị được chở về từ huyện Lạc Thủy, Hòa Bình được đặt luôn bằng tên "Thạch Lạc Thủy". Những “Thạch Đồng Văn” (từ Hà Giang), “Gió ngàn thạch” (từ ATK Định Hóa, Thái Nguyên)... gây không ít tò mò, thú vị cho  người xem. Khổ chủ còn trưng bày cả phiến đá có tên "Thạch Đồ hải", vốn được đưa về từ điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh trên biển, nơi xuất phát của những con tàu không số.
 

Cao Văn Tuấn bên phiến đá khắc bài thơ “Nam quốc sơn hà”.


Nghệ nhân Cao Văn Tuấn từng rất nhiều lần một mình trên chiếc xe tải nhỏ, tìm vào tận những miền đất xa xôi chỉ để chở về hàng chục tảng đá đen sì, cổ quái.
 
Tảng đá được cất công chở về từ thành phố ngàn hoa Đà Lạt được khổ chủ đặt tên là "Thạch Đà hoa". “Thạch Ngự bình” là tảng đá được mang về từ dòng Hương Giang thơ mộng xứ Huế. Một loạt những cái tên, mà chỉ cần nhìn vào đó, người ta dường như đã thấy được mọi miền đất xa xôi như “Thạch Hãn giang” được đưa về từ dòng sông Hãn anh hùng nơi Thành Quảng Trị; “Thạch Ngọc Lĩnh” đưa về từ núi Ngọc Lĩnh trên vùng đông Trường Sơn; “Tây Nguyên thạch” từ Đắc Lăk hay “Thạch Tố Như” từ quê hương đại thi hào Nguyễn Du. Hoặc chỉ với cái tên “Thạch Chư Sê” khiến ta liên tưởng ngay đến miền đất Gia Lai hùng vĩ...
 
Có tảng đá mang dáng dấp như người đang quỳ gối; phiến lại mang trên mình những dòng vân mịn màng, êm đềm như dòng nước; có phiến lại như cây nấm khổng lồ... Những dáng dấp tự nhiên của tạo hóa đã làm nên sự độc đáo cho khu vườn đá kỳ lạ này.
 

Một tảng đá có hình thù độc đáo.


Áng thơ văn bất hủ và đền thờ Thần Lửa

Khu vườn đá kỳ lạ này nổi tiếng không chỉ bởi những phiến đá hình thù kỳ dị, những cái tên đầy màu sắc huyền bí - mà còn bởi nơi đây là khu “Vườn thơ” tao nhã độc đáo.

Những phiến đá vô tri được thổi hồn bằng cái tên huyền ảo, bằng những áng thơ văn bất hủ đã tạo nên không gian trầm mặc nơi đây. Những vần thơ trong trẻo của thi sĩ Xuân Quỳnh khắc trên phiến đá khiến không ít bạn trẻ phải dừng chân: "Giữa ngàn hoa cỏ núi sông. Giữa lòng thương mẹ... Mênh mông không bờ. Chắt chiu từ những ngàn xưa. Mẹ sinh anh để bây giờ cho em". Hay những vần thơ oai hùng mà không kém phần lãng mạn một thời của nhà thơ Nguyễn Đình Thi được đề ngay dưới phiến “Sơn Dương thạch”: "Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh. Soi đường chiến sĩ giữa đèo mây. Ngọn lửa nhớ ai mà lửa hồng đêm lạnh. Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa rừng cây".

Nơi đây còn có phiến đá “Thiên đường” với áng Bình Ngô đại cáo lẫy lừng: "Như nước Việt ta từ trước. Vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Nước non bờ cõi đã chia. Phong tục bắc nam cũng khác". Những vần thơ, những câu nói bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du, của các danh nhân, thi sĩ lừng lẫy như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử... đều được nghệ nhân chép cẩn thận lên khu vườn đá.

Bên cạnh đó còn có nhiều phiến đá để trống với dòng tựa đặc biệt: Phiến đá chờ thơ; Phiến đá chờ thi nhân; Phiến đá chờ thơ bạn hiền. Anh  Tuấn cho hay: "Tôi vốn mê thơ, mê cổ vật, mê những chứng tích thời gian qua từng đường vân đá, từng vết xói mòn trên đá. Nhưng tôi cũng không muốn khu vườn thơ, vườn đá này là "vườn chết" với những áng thơ văn bất hủ một thời của những thi hào đã mất; mà tôi muốn nó sống cả với những vần thơ thực tại, những thi sĩ thực tại. Đó mới chính là sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai".

Điều gây ngạc nhiên cho hầu hết những ai từng ghé chân qua đây còn bởi hai khu đền thờ lạ: Đền thờ Thần Lửa và Đền thờ Thần Nước. Đền thờ thần Nước được tạo bởi hàng trăm mảnh thủy tinh từ mài giũa tròn trịa xếp ngay ngắn, phía dưới là một chiếc lư hương cổ. Nơi đền thờ thần Lửa là những hàng cột cao với hai quả cầu khá lớn màu trắng- màu đỏ đặt hai bên rất uy nghiêm, dữ dội. Câu nói bất hủ của M.Gorky: "Trên thế gian này chẳng có vị thần nào đẹp hơn vị thần mặt trời. Chẳng có ngọn lửa nào kỳ diệu hơn ngọn lửa tình yêu" được nghệ nhân khắc trang trọng trên một phiến đá lớn...
 

Cô gái chăm chú khám phá khu vườn.

Ngồi đọc những vần thơ của Xuân Quỳnh.

Đền thờ thần lửa.


“Làm bạn” với  cá sấu

Mê những tảng đá hình thù kỳ dị, mê những bức tranh, những cổ vật một thời, khiến người ta nghĩ nghệ nhân Cao Văn Tuấn dường như là một người có tâm hồn đa cảm, cả đời mê mẩn trong những vần thơ. Tuy nhiên, nghệ nhân này có con mắt khá thực tế.

Trong một chuyến đi Đồng bằng sông Cửu Long, tận mắt nhìn những trang trại la liệt cá sấu rồi lần đầu được thưởng thức những món ăn làm từ thịt cá sấu, anh bỗng nảy ý đưa cá sấu từ miền sông nước này ra Hải Phòng. Những năm tháng Tuấn đắm đuối, say mê đá khiến nhiều người trong gia đình, bạn bè gọi anh là Tuấn "khùng", thì giờ đây ý tưởng đưa cá sấu, vốn chỉ hay sống ở phương Nam, ra xứ Bắc nóng nực càng khiến mọi người nhìn anh với ánh mắt nghi ngại.

Nhưng cuối cùng, được sự động viên của vợ và chút "máu liều" đã khiến anh thành công. Trên diện tích gần 7.000 m2 bên bờ sông Dế bây giờ, anh không chỉ có khu vườn đá kỳ lạ rộng lớn khiến biết bao người phải dừng chân, mà anh còn có cả một trang trại  lúc nào cũng có gần 3.000 con cá sấu giống nuôi thuần chủng. Nhiều người ở khắp các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Giang, Lai Châu... cũng lặn lội tìm đến anh để học kinh nghiệm. Biệt danh "Vua cá sấu đất Bắc" cũng được đặt cho anh từ đó.
 
Lã Xưa

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]