Nghề nuôi bệnh thuê

Không phải là thân nhân nhưng họ chăm sóc người bệnh rất tận tình. Với họ, phải có tấm lòng với người bệnh và chịu khó mới trụ lại được...

0
Lần đầu tôi gặp anh ở Khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM. Đó là một người đàn ông trung niên có nước da rám nắng, gương mặt hốc hác, mắt thâm quầng. Anh luôn tay xoa bóp, đút ăn, lau rửa cho một bệnh nhân lớn tuổi. Gần như anh túc trực bên giường bệnh 24/24 giờ. Nhìn anh chịu khó từng li từng tí, ăn nói nhỏ nhẹ, hết mực ân cần với người bệnh, tôi nhủ thầm: “Trên đời này sao có những người con, người cháu hiếu thảo như vậy”. Thế nhưng qua trò chuyện, tôi thật bất ngờ khi biết anh không phải là thân nhân của người bệnh. Một nghề vất vả, nặng nhọc Anh tên Trần Văn Tèo, 42 tuổi, quê ở Đồng Tháp. Anh bảo tôi: “Người nhà của bà cụ bận bịu nên thuê tôi chăm sóc”. Tôi hỏi: “Anh làm công việc này có dễ không?”. Anh tâm sự: “Hồi đó, tôi đi nuôi người nhà nằm bệnh viện, thấy tôi có mặt ở bệnh viện 24/24 giờ nên nhiều người nhờ trông chừng người nhà của họ mỗi khi có việc bận. Sau đó, họ bồi dưỡng năm ba chục ngàn. Tôi thấy công việc này cũng kiếm sống được nên làm luôn. Lúc đầu lọng cọng lắm, nhưng riết rồi cũng quen. Gặp những bệnh nhân khó tính hay quát mắng, cũng phải ráng nhẫn nhịn. Nếu gặp người khó ngủ, cũng phải thức theo để trò chuyện với họ”. Anh Tèo cho hay gần 8 năm qua, cả gia đình gồm cha mẹ, vợ và ba đứa con anh trông chờ vào đồng lương làm thuê chăm sóc người bệnh của anh.

Khéo léo, nhanh nhẹn, có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân và đặc biệt biết nấu ăn ngon là những gì mà tôi cảm nhận được ở những người nuôi bệnh thuê. Mối quan hệ giữa họ với người bệnh không chỉ là trách nhiệm mà còn có cả tình yêu thương giữa con người với nhau.

Trong những ngày chăm sóc người nhà tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi mới biết có khá nhiều “anh nuôi”, “chị nuôi”; những “hộ lý tay ngang” như anh Tèo. Chị Nguyễn Thị Hồng, 46 tuổi, ở Chợ Mới, An Giang, cũng có hơn 20 năm làm nghề chăm sóc bệnh nhân. Chị cho biết, nhiều khi chăm người bệnh còn hơn người nhà của mình. “Có lúc, tôi nuôi một bệnh nhân bị bệnh gan, sốt kéo dài, phải thức suốt đêm. Nhiều lúc buồn ngủ lắm nhưng không dám chợp mắt vì lỡ ngủ quên, xảy ra chuyện gì thì biết làm sao?”. Lần khác, chị phải đưa người bệnh vào phòng mổ rồi cũng hồi hộp chờ đợi xem ca mổ có tốt không. “Chăm người bệnh nặng vừa thương vừa sợ vì không biết người ta mất lúc nào! Làm cái nghề này phải có lòng với người bệnh và chịu khó mới trụ lại được. Đối với tôi, thời gian ở các Bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi, Ung Bướu... còn nhiều hơn ở nhà mình”- chị Hồng tâm sự. Chị Trà Thị Thanh Bình, nhà ở phường Nguyễn Thái Bình, quận 1- TPHCM, có cha đang điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu, nói với tôi: “Nhịp sống đô thị tất bật với bao lo toan khiến đôi khi mình không có đủ thời gian chăm sóc người thân nên rất cần có người phụ giúp mình để làm việc đó. Tôi thấy rất nhiều người có nhu cầu này, nhất là những gia đình có thân nhân bệnh nặng phải điều trị dài ngày”. Vào các bệnh viện tại TPHCM như Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, Ung Bướu, 115... nếu để ý một chút, sẽ không khó nhận ra có rất nhiều người làm nghề chăm sóc người bệnh. Thức đêm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi mới hiểu những vất vả của người chăm bệnh thuê. Chị Kiều, quê ở Đồng Tháp, chăm một người bị liệt chân vừa trở bệnh tại phòng cấp cứu. Chị trải chiếu xuống sàn gạch để ngả lưng. Cùng ở với chị còn có đứa con nhỏ. “Ngả lưng cho đỡ mệt thôi chớ không dám ngủ vì sợ người ta gọi”. 32 tuổi nhưng chị trông già hơn nhiều so với tuổi của mình. Chị kể: “Ba tôi bị tai nạn giao thông, tốn kém rất nhiều tiền để chạy chữa. Chồng tôi cũng đi làm thuê, lương không bao nhiêu nên tôi phải ráng”... Chị Nguyễn Thị Khiêm, quê ở Chợ Lách, Bến Tre, đi làm thuê ở Long Thành, Đồng Nai suốt một năm trời cũng không đủ trả số nợ chồng chị thua đề. Được người quen chỉ dẫn, chị đến chăm sóc bệnh nhân ở các bệnh viện đã được gần 5 năm. Hiện chị chỉ có một “hợp đồng” chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi nào người bệnh xuất viện, chị sẽ tìm một “hợp đồng” mới. Chuyện này cũng tương đối dễ dàng vì nhu cầu rất lớn. Không phải ai cũng làm được Tại tầng trệt của Bệnh viện 115, tôi gặp chị Trần Thị Linh. Chị cho biết công việc chị đang làm có thu nhập cũng tạm ổn, mỗi ngày khoảng 120.000 đồng; nếu làm cả đêm thì được thêm 30.000 đồng. Trong trường hợp nhận chăm sóc tại nhà thì được từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng mỗi tháng. “Nhờ làm công việc này, tôi mới nuôi nổi 3 đứa con”- chị Linh tâm sự.

Nuôi bệnh thuê, một công việc vốn vất vả và không phải là lựa chọn của nhiều người. Nhưng với những “hộ lý bất đắc dĩ” ấy, công việc này vừa là kế mưu sinh vừa mang lại sức khỏe, niềm vui cho người bệnh và thân nhân của họ. Bạn tôi, anh Nguyễn Tuấn Khương, đang học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, khi vào thăm người nhà ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhận xét: “Yêu thương, tận tụy chăm sóc những người không phải ruột thịt với mình là điều không phải ai cũng làm được”.

Bài và ảnh: Mai Linh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]