Nghệ thuật body painting, đẹp hay dung tục?

Nhà Triết học lỗi lạc người Ðức Immanuel Kant đã từng nói: “Cái đẹp không phải ở trên đôi má hồng thiếu nữ mà ở trong con mắt kẻ si tình”.

15.5846

(SKDS) - Nhà Triết học lỗi lạc người Ðức Immanuel Kant đã từng nói: “Cái đẹp không phải ở trên đôi má hồng thiếu nữ mà ở trong con mắt kẻ si tình”. Như vậy chúng ta hoàn toàn có thể hiểu bản thân body (cơ thể con người) thoạt kỳ thủy không hề có tính khuynh hướng: đẹp - xấu, hay - dở, đúng - sai... mà đơn giản nó chỉ là một kiệt tác mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Tuy nhiên, với nghệ thuật body painting, mọi chuyện dường như không chỉ có vậy.

Vì sao body painting hút hồn giới trẻ?

Body painting là môn nghệ thuật vẽ hình trực tiếp lên cơ thể con người, thời gian gần đây đã không còn xa lạ với nhiều người Việt Nam, nhất là giới trẻ, những người thích phiêu lưu và say mê khám phá, sáng tạo. Thậm chí ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội, body painting đang dần trở thành trào lưu. Những họa sĩ như Ngô Lực (Long Xuyên), Phương Vũ Mạnh (Hà Nội), Phan Quang, Nguyễn Quyền, Nguyễn Thế Nhân, nữ họa sĩ Hà Hồng Nhung, Lê Thị Hồng Hoa (TP.HCM) cùng các người mẫu như Hạnh Quyên, Kim Ngân, Vĩnh Nghi, Quyết Quân... là những cái tên đang hot trong lĩnh vực này.

Body painting được giới trẻ hâm mộ, trước và trên hết vì nó là môn nghệ thuật mới lạ. Tiếp đến, họ muốn thử sức để vượt qua những trở lực ngăn cản nó xâm nhập vào đời sống tinh thần của mình nên giới trẻ càng quyết tâm hơn chứ không phải vì sự tò mò về những điều dung tục như một số người có suy nghĩ cũ kỹ vẫn thường quan niệm. Thông qua việc tìm đến với môn nghệ thuật này, giới trẻ nước ta còn muốn khẳng định thế hệ mình hoàn toàn có thể vươn tới những đỉnh cao nghệ thuật mới như các bạn cùng trang lứa ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Đấy là lý do rất chính đáng mà toàn xã hội cần phải thông cảm và chia sẻ với họ.

Body painting là sự kết hợp giữa nghệ thuật trang điểm và hóa trang theo góc nhìn văn hóa của mỗi dân tộc. Nhưng đích hướng tới của môn nghệ thuật này không chỉ dừng lại ở đấy, mà cần đạt đến là một tác phẩm nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó, tức là phải đạt đến cái đẹp trong sáng, thuần khiết trong mắt người hâm mộ.

Ở Việt Nam, rào cản lớn nhất trong việc du nhập body painting là văn hóa Á Đông, cùng với sự chậm trễ trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế do điều kiện chiến tranh, kinh tế chậm phát triển. Dù vậy, với sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, môn nghệ thuật này ngày càng được khẳng định, được giới trẻ đón nhận thoáng hơn và dần có chỗ đứng trong đời sống tinh thần của họ.

“Toan” vẽ của body painting là phần da của người mẫu (cả nam và nữ), có thể lúc đầu người họa sĩ “vẽ nhờ” lên cơ thể người thân, nhưng để có được những tác phẩm nghệ thuật như mong muốn, dù sớm hay muộn anh ta cũng phải thuê người mẫu. Người họa sĩ không thể bỏ tiền ra thuê người mẫu để “vẽ vời” nhằm mục đích chơi bời mãi được. Và người mẫu cũng không thể đứng im hàng tiếng đồng hồ khỏa thân bán phần, cũng có thể là toàn phần tùy theo yêu cầu của họa sĩ để cho anh ta “vẽ chơi” dù đã nhận tiền thuê mẫu.

Theo họa sĩ Ngô Lực, cái khó lớn nhất đối với bộ môn nghệ thuật này là sự kiểm duyệt và người mẫu, vì không phải ai cũng đủ “thoáng” để chấp nhận cái mới rất nhạy cảm này, kể cả những nhà quản lý văn hóa lẫn người mẫu. Nếu không vượt qua hai trở lực này thì rất khó để nghệ thuật body painting có thể tiếp cận được với công chúng. Đây là môn nghệ thuật không chấp nhận việc phổ biến ra công chúng bằng các phiên bản khác như chụp hình, quay video clip, thậm chí dựng thành phim, mà nhất thiết người xem phải được tiếp cận trực tiếp với tác phẩm là người mẫu thực và những nét vẽ trực tiếp trên cơ thể họ. 

Nghệ thuật của cái đẹp hay là sự dung tục

Hà Hồng Nhung hiện là “tín đồ” trung thành của môn nghệ thuật body painting chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ thực hiện hình mẫu đơn giản nhìn thấy trên mạng, nhưng bây giờ tay nghề cao, tôi có thể tự trang trí ở mặt, ở tay cho phù hợp với trang phục và địa điểm đến. Mỗi lần đi dự tiệc, tôi tự tin vì trông mình lạ nhưng không hề “lạc loài” trong mắt mọi người”. Còn Lê Thị Hồng Hoa cho biết: “Thực tế, môn nghệ thuật này đang còn mới ở nước ta, tuy nhiên, em quyết định theo học không chỉ vì lạ mà nó đòi hỏi sức sáng tạo, trí tưởng tượng rất cao của mỗi người”. Giáo viên dạy make-up tại Trung tâm BxArt - cô Sano Miki chia sẻ: “Người vẽ như thầy phù thủy biến hoá nhân vật thành bất kỳ những hình dạng khác nhau mà mình muốn. Thật thú vị cho cả người nhìn và người làm ra tác phẩm...”. 

 Biến hóa body painting trên cơ thể mẫu.

Họa sĩ Ngô Lực không giấu giếm khi lần đầu tiếp xúc với người mẫu, không ai có thể phủ nhận sự cảm nhận bản năng. Nhưng khi bắt tay vào công việc, mọi chuyện vớ vẩn sẽ qua mau. Màu sắc, đường nét và những ý tưởng sáng tạo thể hiện lên người mẫu sẽ làm bạn bị cuốn theo. Nếu người họa sĩ không vượt qua được cảm xúc bản năng thì anh ta sẽ không thể cầm nổi cây cọ chứ đừng nói là vẽ lên đó bất kỳ hình gì.

Có thể nói, vượt qua chính mình là đòn “cân não” nhất đối với người họa sĩ body painting, nhất là khi họa vẽ lên cơ thể của người khác giới. Vì khác với các loại chất liệu khác như vải, giấy, gỗ..., “toan” da người không cho phép họa sĩ thực hiện công đoạn phác thảo để rồi chép lại. “Toan” da người không giống nhau và người mẫu không thể đứng quá lâu chờ họa sĩ phác thảo rồi vẽ lại như các loại toan trên các chất liệu khác. Hơn nữa, khi vẽ, họa sĩ phải tập trung cao độ vì tác phẩm cần được hoàn thành nhanh nhất có thể. Việc kéo dài thời gian sẽ làm người mẫu mệt, họ sẽ cựa quậy khiến tay cọ của họa sĩ sẽ run, làm đường nét, màu sắc mất chính xác, thậm chí mất hứng, ý tưởng sáng tạo sẽ tan biến, không thể vẽ được nữa.

Còn đối với các người mẫu thì sao? Hạnh Quyên chia sẻ: “Làm người mẫu body painting là công việc rất mới mẻ, rất nhạy cảm nên dễ bị hiểu nhầm vì thói quen nhìn nhận về thuần phong mỹ tục của người Việt. Khi làm người mẫu body painting, chắc sẽ có những người không đồng tình”. Trước đây, khi cô làm mẫu cho những hãng quảng cáo đồ lót cũng vậy. Nhưng cũng có những người hiểu và đồng cảm. Theo cô, cùng với thời gian, mọi người sẽ dần dần thay đổi và có cái nhìn sẻ chia hơn.

Người mẫu Kim Ngân cho hay, làm người mẫu body painting rất mệt mỏi và phải nhẫn nại lắm mới có thể hoàn thành được một tác phẩm. Khác với quan điểm của Kim Ngân, người mẫu Vĩnh Nghi cho rằng, làm người mẫu cho bộ môn nghệ thuật này không có gì là khó khăn, vì để có một tác phẩm lạ mắt và đẹp thì phải biết chấp nhận. Lần đầu tiên nhìn thấy tác phẩm body painting, cô rất thích và mong muốn được vẽ trên cơ thể mình như là sự góp phần làm cho thế giới này đẹp hơn. Biết mình đang làm một công việc rất nghiêm túc nên cô chẳng có thì giờ bận tâm tới những chuyện khác mà chỉ quan tâm đến bức vẽ có thật sự đẹp trong mắt người hâm mộ hay không mà thôi.   

  Viên An

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]