Nghệ thuật chèo có từ bao giờ?

Hàng trăm năm nay, nghệ thuật hát chèo, tuồng, múa rối nước… đã là những loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam. Trong đó, Chèo là một loại hình sân khấu dân gian sinh ra từ đồng bằng Bắc Bộ – một vùng vốn giàu có dân ca, ca dao tục ngữ, truyện cười, ví von, ẩn dụ…

15.6756
  • 1

    Chèo trong cuộc sống người xưa

    Con người, cảnh vật của cả một vùng quê rộng lớn in đậm nét trong các câu chuyện được kể lại qua chiếu Chèo sân đình. Trải qua thời gian, luôn được bồi đắp sàng lọc, nghệ thuật Chèo đã hình thành một phong cách độc đáo. Nó đặc biệt phổ biến ở đồng bằng sông Hồng. Chỉ riêng hai tỉnh Thái Bình, Hải Dương đã có tới hàng trăm đoàn chèo chuyên nghiệp và nghiệp dư.

    Ngay cả hiện tại, với sự thu hút của không ít lĩnh vực như: điện ảnh, radio, video, truyền hình… nhưng nếu không có nghệ thuật chèo thì người ta cũng khó mà có một hình dung đầy đủ về đời sống văn hóa của nông thôn Việt Nam xưa.

    Các vở chèo cổ thường vạch mặt bọn quan lại phong kiến và thực dân áp bức. Ở các vở diễn, người nông dân thấy được đời sống của mình với những mặt tích cực và phản diện, những ước mơ và ý niệm của mình về cái thiện và cái ác. Mọi người đã yêu nghệ thuật chèo chính bởi tính nhân đạo và sự tươi mát vốn có của nó.

    Nghệ thuật chèo đối với người nông dân Việt Nam vừa là sân khấu, vừa là thơ ca vừa là âm nhạc. Những vở chèo là các mẩu chuyện sân khấu có những truyền thống lâu đời của thi ca phương Đông. Ngoài việc chèo là một nghệ thuật được nảy sinh từ quần chúng nông dân, nó còn được sử dụng rất nhiều tục ngữ và ca dao dân gian do nhân dân sáng tạo ra qua hàng ngàn năm.

  • 2

    Nghệ thuật chèo trong quá trình phát triển

    Trên đường phát triển của mình, Chèo đã tiếp nhận nhiều nhân tố mới lạ cả về cấu trúc lẫn âm nhạc, múa, mỹ thuật… Những thủ pháp cấu trúc của kịch nói (gốc phương Tây) đã được du nhập vào Chèo để phục vụ cho việc kể chuyện của Chèo thêm hấp dẫn, nhưng đã được “Chèo hóa”, hài hòa trong mạch kể. Những làn điệu dân ca các vùng, miền Trung, miền Nam, các dân tộc miền núi, thậm chí của cả nước khác trên thế giới cũng được “Chèo hóa” đi cho phù hợp với phong cách của nó, phù hợp với “khẩu vị” của người dân quê đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Có thể nói, người Việt Nam đã hình thành nên một kiểu “Văn hóa Chèo” bền vững và đầy sức sống (bao gồm Văn Chèo, Nhạc Chèo, Múa Chèo, Mỹ thuật Chèo và Cách diễn Chèo). Nó không bị đồng hóa, mà còn có khả năng tự làm phong phú bằng cách đồng hóa các yếu tố ngoại nhập trên con đường phát triển của mình và luôn luôn đào thải những gì không phù hợp với nó.

  • Chèo ngày nay vẫn là một loại hình nghệ thuật được nhiều người ưa thích. Trong chèo, mỗi người Việt Nam đều thấy được sự phản ảnh của những giá trị đạo đức cao quý như: lòng dũng cảm, đức hy sinh, sự trung thành, nhân từ… Do vậy, ở các vở chèo nhiều khi nội dung của nó ta tưởng như khác xa thực tế hôm nay nhưng nó vẫn làm xúc động khán giả của nhiều thế hệ.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]