Nghệ thuật hát bội trên quê hương đào Tấn

Đào Tấn là nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng đã để lại cho đời hàng chục kiệt tác tuồng, được suy tôn là hậu tổ của nghệ thuật tuồng, danh nhân văn hóa dân tộc.

15.5874

(SKDS) - Đào Tấn là nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng đã để lại cho đời hàng chục kiệt tác tuồng, được suy tôn là hậu tổ của nghệ thuật tuồng, danh nhân văn hóa dân tộc. Ngày nay, ngoài nhà hát tuồng cấp quốc gia mang tên Đào Tấn ở TP. Quy Nhơn, các đội tuồng ở huyện Tuy Phước vẫn diễn tuồng Đào Tấn và tiếp nối tuồng của cụ Đào, tiêu biểu là Đội tuồng Phước An.

Tuồng Phước An là một đơn vị nghệ thuật dân tộc chuyên hát bội đã có tuổi đời trên một thế kỷ, mang phong cách nghệ thuật của Đào Tấn khá rõ nét.
 Nghệ thuật hát bội luôn được yêu thích ở Phước An.

Sinh thời, tại gánh hát này, Đào Tấn đào tạo được nhiều diễn viên đạt đến mức chánh ca (danh hiệu số một trong làng tuồng thời bấy giờ) như chánh ca Ghình chuyên về các vai đào, chánh ca Dương chuyên về các vai kép. Những thế hệ diễn viên lớp sau như Bầu Xuân, Bầu Sa, Bầu Tám, Ngọc Cầm... cũng là những diễn viên hát bội nổi tiếng được nhân dân trong vùng mến mộ. Đặc biệt, Bầu Thơm là diễn viên xuất sắc của dòng tuồng Đào Tấn, đã lập ra gánh hát bội Nhưng Sung. Sau đó, ông Bầu Sa nối tiếp và đặt tên gánh là Tân Sung. Từ năm 1975, Bầu Tám là người chủ trì và kế tục gánh này.

Trong những năm Tuy Phước, Phước An bị Mỹ ngụy chiếm đóng, nghệ thuật hát bội vẫn được duy trì nhưng không phát triển được, các bộ môn nghệ thuật khác như cải lương, ca nhạc mới, phim ảnh đã lấn lướt nghệ thuật hát bội (tuồng). Nhưng sau khi nước nhà thống nhất, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và lòng yêu thích, hâm mộ nghệ thuật của nhân dân vốn có từ xưa:

Má ơi đừng đánh con đau
Để con hát bội làm đào má coi
 
nên nghệ thuật hát bội ở đây đã được phục hồi và khởi sắc. Các nghệ nhân chủ yếu tiếp tục truyền nghề cho lớp trẻ là con cháu họ. Do đó, ở Phước An luôn luôn có lớp diễn viên trẻ kế cận. Họ yêu nghề, nắm vững nghề và mạnh dạn trong việc biểu diễn các vở tuồng truyền thống. Dường như tiếng trống tuồng ở đây không bao giờ dứt từ thời cụ Đào Tấn còn sống cho đến hôm nay. Diễn viên tuồng xã Phước An hầu hết là học sinh hoặc là thanh niên lao động ngoài ruộng đồng nhưng đam mê nghệ thuật dân tộc.
 
 Vở tuồng Đào Tam Xuân loạn tràocủa Nhà hát tuồng Đào Tấn tham gia Liên hoan Tuồng toàn quốc. Ảnh: V.L
Vinh dự lớn của Đội tuồng Phước An là đã cùng các diễn viên không chuyên ở huyện Phù Cát đến biểu diễn tại Hội trường Ba Đình, phục vụ Quốc hội năm 1983 và năm 2006 lại xuất hiện ở Nhà hát Hồng Hà (Hà Nội) trong chương trình sân khấu học đường. Và mới đây (tháng 5/2012), tại Hội thảo danh nhân Nguyễn Diêu, các nghệ sĩ tuồng không chuyên theo dòng tuồng Đào Tấn đã làm cho văn nghệ sĩ cả nước có mặt ở đây thán phục về tài nghệ của họ.

Ở Bình Định, lãnh đạo cấp nào cũng coi tuồng (hát bội) là di sản quý của dân tộc nên không ngần ngại đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống.

Trong lúc đa số thanh niên còn quay lưng với sân khấu truyền thống thì ở Tuy Phước, Bình Định lại có những thanh thiếu niên rất yêu tuồng, yêu nghề và đang tích cực tiếp nối truyền thống của vị hậu tổ tuồng Đào Tấn, là một dấu hiệu đáng mừng cho sự nghiệp kế thừa và phát triển nghệ thuật dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập như hôm nay.       

Trương Hoàng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]