Nghệ thuật... quản chồng

Trong quan hệ vợ chồng, niềm tin và sự tôn trọng là những yếu tố cực kỳ quan trọng. Không ít bà vợ do thiếu tin tưởng nên đã có những suy nghĩ và hành động thể hiện sự kiểm soát, quản lý chồng thiếu tế nhị. Quan hệ vợ chồng vì thế giống như... cán bộ quản giáo và tù nhân!

15.5953

Quản từ A tới Z

Chung sống đã hơn 10 năm nhưng bà Phượng luôn lo sợ ông Minh – chồng bà, sẽ bị mê hoặc bởi một cô gái nào đó nên kiểm tra, theo dõi ông "toàn diện". Cứ cách hai tiếng bà lại gọi vào điện thoại bàn để kiểm tra xem chồng mình có đang làm việc tại cơ quan không. Ông không trả lời là bà  gọi ngay vào điện thoại di động để chất vấn: "Anh đi đâu, sao không có mặt ở phòng làm việc? Anh đang làm gì, với ai?...". Và dù ông có trả lời thế nào, bà cũng chẳng yên tâm, cứ hỏi tới hỏi lui đầy nghi hoặc... Không chỉ trong giờ làm việc, khoảng thời gian còn lại trong ngày, ông muốn đi đâu, làm gì, bà cũng đòi theo. Bà rất vui khi được tháp tùng chồng đến chỗ này chỗ nọ, thậm chí, ông đi cắt tóc bà cũng theo, chỉ để... ngồi đợi! Nếu bà không đi cùng, điện thoại di động của ông liên tục đổ chuông, ông lại bị hành hạ bởi những câu hỏi đã nghe đến... thuộc lòng.

Bà Trúc lại chủ trương chỉ quản lý  tiền bạc của chồng. Bà có cô bạn thân làm việc cùng phòng với ông Thành – chồng bà, nên biết rất rõ các khoản thu nhập của ông từ cơ quan, cả tiền mặt ông lãnh từ thủ quỹ lẫn tiền được chuyển vào thẻ ATM. Hàng tháng, ông phải nộp đủ các khoản tiền trên, bà sẽ phát lại cho ông một ít để tiêu vặt... Ông muốn chi tiêu khoản nào lớn, phải thông qua sự "phê duyệt" của bà. Bà rất yên tâm với biện pháp  này  và thường nói với mấy bà bạn: "Muốn chồng không có bồ, không chơi bời trăng hoa, tốt hơn hết là phải làm cho cái túi của ông ấy rỗng. Không tiền, các ông  lấy gì  đi bia ôm, chơi bời, bao bồ nhí, vợ bé? Có con nào lại muốn bập vào một anh rỗng túi?...".

Có chồng là giám đốc, bà Nguyệt lại chú trọng đến việc quản lý các mối quan hệ của chồng. Ông Tâm – chồng bà, làm việc với ai, bạn bè của ông là người nào, ông thường xuyên gặp gỡ, đi nhậu với ai, chơi tennis với ai... bà luôn tìm mọi cách để biết, nhất là khi đối tượng là phụ nữ. Đôi khi công ty có việc gấp, nữ phó giám đốc gọi điện cho ông ngoài giờ làm việc để bàn bạc, xin ý kiến là lập tức bà chất vấn chồng: "Sao không giải quyết trong giờ làm việc mà  phải điện thoại ngoài giờ? Cô ta và anh có tình ý với nhau nên mượn cớ công việc để gọi điện bất kể giờ giấc phải không?...". Có lần, cô bạn học cũ của ông đã mười mấy năm không gặp, từ Hà Nội vào TP.HCM công tác, tìm đến nhà thăm ông. Ông vắng nhà, bà tiếp chuyện bằng thái độ lạnh nhạt, nghi ngờ, không hề kể lại với chồng việc cô bạn đến thăm... Sinh nhật ông, mở quà, bà bắt gặp một tuyển tập thơ tình của các tác giả nổi tiếng, đọc mấy lời đề tặng, thấy người tặng sách cho chồng là Hương - một cô bạn của ông - bà truy vấn mãi: "Tặng cái gì không tặng, sao lại tặng thơ tình? Cô ta thầm yêu anh à? Hay là giữa hai người đã có chuyện gì?...".

Đáo để hơn, bà Linh còn áp dụng kết hợp cả ba kiểu quản lý trên. Chưa hết, bà còn tranh thủ những lúc ông Dũng - chồng bà ngủ hoặc đi tắm để lục soát túi xách, ví; mở máy điện thoại của ông kiểm tra danh bạ, tin nhắn...; mở laptop của ông kiểm tra email... 
 
Kiểu nào cũng... thua!

Ông Minh thường than thở với bạn bè: "Tôi quá mệt mỏi khi bị bà ấy giám sát 24/24. Hết điện thoại bàn đến điện thoại di động, các điệp khúc tra vấn lặp đi lặp lại như vầy chắc tôi điên mất. Ngoài giờ làm việc, bà ấy cũng kè kè một bên. Ai đời, đi cắt tóc mà cũng phải dắt vợ theo, ngồi với đám bạn nhậu mà vợ lù lù bên cạnh. Cứ như trò hề! Bà ấy tưởng làm vậy là quản được tôi, nhưng bà ấy đã lầm...". Đúng là bà lầm thật. Từ lâu, ông đã có bồ mà bà không hay biết. Toàn bộ thời gian  của ông đều bị bà kiểm soát, có hở ra phút nào mà ông cặp bồ? Xin thưa: mỗi tuần một lần, ông vẫn rời khỏi cơ quan một vài giờ để gặp gỡ người tình và đương nhiên là tắt điện thoại di động trong suốt khoảng thời gian đó. Ngoài giờ làm việc, cũng có những lúc bà bận bịu việc riêng, không thể dứt ra được để kè kè theo ông. Ông luôn biết tranh thủ những "giờ vàng".

Bà Trúc cũng  đã bất ngờ đến choáng váng khi phát hiện chồng có nhân tình. Bà không hiểu nổi tại sao ông lại có bồ được khi trong túi chỉ có ít tiền tiêu vặt. Cuối cùng, bà mới vỡ lẽ: ngoài thu nhập từ cơ quan đã nộp hết cho bà, ông còn một nguồn thu nhập khá lớn do nhận làm thêm cho một công ty. Lâu nay bà hoàn toàn không biết gì về khoản thu nhập đó vì ông khéo cất giấu. Ngoài cái thẻ ATM mà ông vui vẻ giao hẳn cho bà quản, ông còn một thẻ ATM khác, cũng cất riêng  nên không hề là người rỗng túi như  bà nghĩ. Tuy nhiên, bà vẫn không cay đắng bằng bà Trinh – một người bạn của bà. Bà Trinh kể: "Tôi cũng quản lý chặt chẽ tiền bạc của chồng và chồng tôi thật sự rỗng túi chứ không như chồng chị mà anh ấy vẫn có bồ! Khi tôi gặp nhân tình của anh ấy, cô ta đã nói thẳng vào mặt tôi: "Tôi yêu chồng chị. Tôi không cần tiền của anh ấy. Nếu anh ấy cần tiền, tôi còn có thể giúp. Các bà vợ như chị thật sai lầm khi nghĩ rằng cứ rỗng túi là chồng mình không thể yêu ai và chẳng ai muốn yêu...". Nghe cô ta nói, tôi vừa đau vừa nhục!".

Khổ tâm vì vợ luôn "soi kính hiển vi" vào tất cả các mối quan hệ của mình, ông Tâm thường than thở: "Tôi đâu phải là người trăng hoa. Tôi luôn biết đâu là giới hạn trong quan hệ với phụ nữ, không bao giờ muốn gia đình đổ vỡ. Vậy mà bà ấy không chịu hiểu. Thái độ của bà ấy khiến tôi cảm thấy mình bị tổn thương, bị xúc phạm. Nhiều lúc tôi nghĩ, việc "giữ mình" của tôi cũng vô nghĩa khi bà ấy cứ luôn gán cho tôi những "tội lỗi" do bà ấy tưởng tượng. Tôi không biết mình có thể chịu đựng được đến bao giờ. Biết đâu một ngày nào đó, tôi ngoại tình thật chỉ vì bất mãn thái độ của vợ...".

Dù đã siết chặt quản lý chồng mọi phương diện nhưng ông Dũng - chồng bà Linh vẫn có 1001 cách để "lách". Đơn cử như cái điện thoại di động và laptop của ông, bà chỉ có thể mở để tìm kiếm "dấu vết tội lỗi" thời gian đầu. Khi ông phát hiện bà thường lén kiểm tra điện thoại và laptop, ông đã đặt ngay mật mã khiến bà không thể mở được. Lúc chuyện ngoại tình vỡ lở, ông đã nói thẳng: "Chính bà đã đẩy tôi đến chỗ phải ngoại tình. Bà đã biến quan hệ vợ chồng trở thành quan hệ cán bộ quản giáo – tù nhân. Tôi nghẹt thở vì sự kiểm soát, quản lý của bà. Tôi không phải là tù nhân của bà. Tôi là một người chồng cần được vợ tin tưởng và tôn trọng. Tôi cũng cần không khí để thở. Ở bên cạnh bà, tôi cảm thấy lạnh lẽo, ngột ngạt, tù hãm bao nhiêu thì khi ở cạnh cô ấy tôi lại cảm thấy thanh thản, yên ả, ấm áp bấy nhiêu... Bà đừng trách tôi sao lại ngoại tình. Có trách, bà hãy trách chính kiểu quản lý chồng quá quắt của bà”.
 
Hậu quả chỉ là bi kịch
 
Các bà vợ thường có tâm lý sở hữu chồng và có tham vọng kiểm soát, quản lý chồng về mọi phương diện, thậm chí có bà còn muốn kiểm soát cả suy nghĩ của chồng! Các bà cho rằng, phải quản lý chặt chẽ như vậy mới giữ được chồng, mà quên rằng, khi đó, mình đã biến chồng thành tù nhân. Đây cũng là một dạng bạo hành tinh thần. Điều này đã làm cho các ông cảm thấy ngột ngạt, mất tự do, bị tổn thương, bị xúc phạm nặng nề.

Các bà vợ đã không hiểu một điều: tất cả những gì thuộc phạm trù tinh thần, tình cảm đều không thể quản lý được và nếu cứ khăng khăng áp đặt sự quản lý thiếu tế nhị, xúc phạm thì hậu quả chỉ là bi kịch! Một người đàn ông nghiêm túc, có khi chỉ vì bất mãn sự quản lý quá quắt của vợ mà dẫn đến ngoại tình. Còn nếu người đàn ông có thói trăng hoa, anh ta sẽ luôn tìm ra cách để "lách" khỏi mọi sự quản lý. Chỉ khi người đàn ông cảm thấy không ai hiểu mình và yêu mình bằng vợ, không có nơi chốn nào bình yên và ấm áp như gia đình... thì họ mới tự giác tránh sa ngã mà không cần đến bất kỳ sự quản lý nào của vợ.

Chuyên viên TVTL Nguyễn Thu Hiên
(Trung tâm tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình)


 Theo PNO
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]