Nghệ thuật thay đổi 5 thói xấu của bé

Con bạn có xem truyền hình quá nhiều không? Bé chỉ ăn những gì mình thích?... Những thói quen xấu này của bé khiến bạn mệt mỏi.

15.5976

Dưới đây là một số kinh nghiệm “xử lý” vài thói quen xấu ở trẻ mà hai giáo viên ở Seoul (Hàn Quốc) đã đúc kết được dựa trên kinh nghiệm 10 năm nghiên cứu những ví dụ cụ thể từ thực tế thay vì xem xét những lý thuyết khô cứng.

Lo lắng số 1: Con tôi xem tivi quá nhiều

Con bạn có xem tivi ngay khi về đến nhà? Bé có nhớ như in lịch chiếu phim hoạt hình trên tivi? Trong trường hợp này, trước hết, bạn hãy thương lượng với trẻ về thời gian xem tivi. Một tiếng mỗi ngày là đủ, và bạn có thể điều chỉnh lượng thời gian tùy theo hoàn cảnh. Bạn không cần phải ra quyết định một cách độc đoán. Nếu bạn muốn con mình thực hiện lời hứa, bạn cũng cần phải thẳng thắn.

Tiếp theo, hãy thảo luận về những chương trình mà con bạn sẽ xem và cùng con xem chương trình đã chọn để xác định mức độ và chất lượng. Nếu xét thấy chương trình đó không phù hợp, hãy thuyết phục con bạn một cách nhẹ nhàng và để bé chọn chương trình khác thay thế.

Sau khi đã thương lượng xong, bạn cần cung cấp một môi trường phù hợp để trẻ giữ lời hứa. Đó là một môi trường thích hợp để trẻ có những trải nghiệm bổ ích khác thay vì xem tivi. Đọc truyện cho trẻ nghe hoặc cùng trẻ chơi ngoài sân chơi. Hãy nhớ ngợi khen và khuyến khích trẻ.

Lo lắng số 2: Con tôi không chịu ăn

Trẻ em cần ăn giữa các bữa vì chúng chơi nhiều và tiêu hao nhiều năng lượng để lớn lên. Nếu bạn cho phép trẻ giúp bạn chuẩn bị bữa ăn của chúng, bạn có thể khiến trẻ thích ăn hơn. Cũng đừng quên ngợi khen trẻ. Như vậy, bạn có thể vừa động viên lòng tự trọng của trẻ đồng thời khuyến khích trẻ giúp bạn. Hãy dọn 1-2 món ăn thêm mà trẻ không thích và dần dần tăng lượng đồ ăn cho đến khi trẻ quen ăn những món này.

Lo lắng số 3: Con tôi đi ngủ rất muộn

Đặt ra một giờ đi ngủ cố định. Tạo ra cho cả nhà thói quen tắt hết đèn và đi ngủ vào một giờ nhất định hàng ngày. Đọc sách cho trẻ nghe vào giờ đi ngủ cũng có ích ví dụ như giúp trẻ mở rộng trí tưởng tượng. Nhưng nhớ tránh đọc những truyện cười bởi vì điều này có thể khiến trẻ bị kích động hoặc nuốt lấy từng lời khi bạn đọc. Một cách khác là mua cho trẻ bộ pyjama mà chúng đặc biệt thích. Trẻ có thể muốn đi ngủ sớm để có thể mặc vào bộ pyjama yêu thích.

Lo lắng số 4: Con tôi mút ngón tay

Ngậm ngón tay là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của các vấn đề về tâm lý trong thời kỳ thơ ấu, cũng như việc bị ám ảnh bởi một số đồ vật nhất định hoặc xoắn vặn tóc. Những gì cần làm trước hết là tìm những nguyên nhân trong môi trường sống của trẻ. Kiểm tra xem liệu gia đình bạn có đủ thân mật để khiến trẻ cảm thấy an toàn, hãy lắng nghe trẻ một cách chân thành để chắc chắn rằng trẻ không gặp vấn đề gì ở trường mẫu giáo.

Bạn có thể giải thích cho trẻ rằng mút ngón tay không tốt cho sức khỏe của trẻ ra sao. Trong trường hợp những cách này không có hiệu quả, có thể bạn cần tìm kiếm những giải pháp khác. Bạn có thể dùng đồ chơi để giúp trẻ “xao lãng” việc mút ngón tay.

Nếu trẻ mút ngón tay lúc đi ngủ, bạn có thể nắm tay trẻ và hát ru. Một cái nháy mắt và nụ cười mỉm cũng có thể hiệu quả nếu bạn thấy trẻ mút ngón tay một cách vô thức.

Lo lắng số 5: Con tôi không ngoan lúc đi ngủ

Trẻ em không biết rằng có một giấc ngủ ngon quan trọng đến thế nào. Do vậy, điều thiết yếu là tạo ra một trạng thái để trẻ có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ. Hãy để đèn tối hơn sau bữa ăn, và nếu trẻ muốn chơi, hãy chơi trò gì yên tĩnh như board game. Giúp trẻ đi vệ sinh và uống chút nước trước khi đi ngủ.

Nếu trẻ yêu cầu nhiều thứ sau khi đã lên giường, hãy hạn chế các yêu cầu của trẻ. Chỉ làm 1-2 việc trẻ yêu cầu một cách vui vẻ và nói rõ rằng thế là đủ. Nếu trẻ cứ “mè nheo” đòi thêm các thứ khác, phải nghiêm khắc với trẻ. Nhưng không có nghĩa là bạn trở nên giận giữ hoặc la hét. Bạn cần phải thật dịu dàng khi vẫn giữ uy quyền của mình. Nhẹ nhàng nắm tay trẻ có thể thuyết phục trẻ nghe lời bạn.

AloBacsi.vn (Theo Tuổi trẻ)


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]