Nghiên cứu mô hình đường băng xanh cản lửa

15.5958
Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc nghiên cứu thành công mô hình đường băng xanh cản lửa có khả năng chống chịu lửa, phục hồi nhanh, có giá trị kinh tế cao.

Đạt được kết quả này, Chi cục Kiểm lâm đã nghiên cứu đưa vào trồng một số cây bản đại gồm nhộn, thẩu tấu, me rừng, vối thuốc răng cưa, chè Shan (cây bản địa) có hệ rễ ngầm lan sâu trong lòng đất, vỏ dày, hàm lượng nước trong vỏ khá cao (70-76%), có khả năng chống chịu lửa khi cháy, chịu hạn, tính thích ứng cao, thường xanh, kết cấu tán dày, dễ trồng, sinh trưởng nhanh, tạo đường băng xanh cản lửa.

Các loại cây trồng này không chỉ làm giảm tổn thất cháy rừng mà còn lợi dụng sức sản xuất của đất, tạo ra sản phẩm tăng thêm thu nhập kinh tế, chống xói mòn, góp phần bảo vệ đa dạng hệ sinh thái rừng, bảo vệ môi trường ổn định bền vững cho quá trình phát triển, ngăn cản sự phát triển của những loại cây bụi ưa sáng, hạn chế sự di chuyển của những vật liệu cháy dở.

Qua thử nghiệm đốt thử 3 ô (100 m2/ô) tại khu vực rừng trồng cây bản địa thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh cho thấy tốc độ bén lửa của đường băng xanh rất chậm, lá sau khi bị hun khô mới cháy, mức độ cháy, táp thân cành nhỏ hơn các loài cây bụi khác rất nhiều.

Chỉ sau 1-3 tháng cháy các cây đã có dấu hiệu phục hồi, tái sinh chồi nhanh và sinh trưởng trở lại. Trong khi đó, các cây trồng khác trong lô đối chứng như bạch đàn, thông, keo tai tượng sau khi cháy không có khả năng phục hồi (chết) hoặc kém phục hồi.

Ông Nguyễn Văn Tâm, chủ đề tài nghiên cứu cho biết với mô hình đường băng xanh cản lửa mới này có thể trồng theo phương thức hỗn giao, sử dụng kỹ thuật trồng rừng thâm canh cao, áp dụng mật độ trồng 4.000, 4.400. 5.000, 6.600 cây/ha tuỳ từng địa hình, tiến hành trồng xen kẽ nhau tạo thành nhiều tầng tán, cây cách cây 1m. Đồng thời áp dụng công thức bón phân 3 mức (0,10kg/gốc, 0,15kg/gốc, 0,20kg/gốc).

Sau 2 năm trồng, cây trồng sinh trưởng khá, đồng đều, một số loài sinh trưởng tốt và tỏ ra thích nghi với điều kiện tự nhiên và các biện pháp chăm sóc. Trong đó, cây thẩu tấu có tỷ lệ sống cao nhất là 85-95%, các cây me rừng, vối thuốc răng cưa, chè Shan trên 72,6%.

Trước kia để phòng chống cháy rừng, Vĩnh Phúc đã xây dựng 309km đường băng trắng cản lửa, tuy nhiên loại đường băng này chỉ có tác dụng trong một mùa khô hanh, bên cạnh đó còn gây xói mòn, rửa trôi cục bộ ở một số khu vực đường băng có độ dốc lớn, đỉnh dông, không mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng.

Từ năm 1997 đến năm 2009, Vĩnh Phúc đã xảy ra 300 vụ cháy rừng (trung bình 17 vụ/năm) với tổng diện tích cháy 568,8ha đã gây thiệt hại đáng kể về kinh tế, môi trường cảnh quan./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]