Ngồi nhiều, bệnh lắm

Thời đại công nghệ, ngày càng nhiều người có thói quen làm việc ngồi một chỗ, mọi sự liên lạc đều qua điện thoại, mail, chat, mà ít khi phải đứng dậy. Theo cảnh báo của các chuyên gia, ngồi quá nhiều như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống.

15.5958

Việc ngồi nhiều khiến máu huyết ở phần thân dưới kém lưu thông, dễ bế tắc các kinh lạc và huyệt đạo.
Bại hông, lưu thông máu kém
Anh Nguyễn Tùng Anh (ngõ Văn Chương, Tôn Đức Thắng, Hà Nội) gần đây bị đau lưng, tê buốt xuống tận hông và chân. Đi khám bác sĩ chẩn đoán anh bị đau thần kinh tọa do ngồi một chỗ quá nhiều, thời gian lâu, hằng ngày lại ít vận động đi lại.

Chưa đến mức đau như anh Tùng Anh, nhưng chị Nguyễn Thị Hòa, Công ty Cổ phần Quảng cáo Việt cũng cho biết, nhiều khi do công việc ngồi lâu chưa đứng dậy khiến chị có cảm giác mệt mỏi, ê ẩm toàn thân, khó thở, đau đầu. Chị Hòa chia sẻ điều này cùng mọi người trong cơ quan thì mới vỡ lẽ, nhiều người cũng có hiện tượng tương tự. Không những thế, sau khi ngồi quá nhiều hoặc đi lại làm việc, khi về nhà mọi người chỉ muốn nằm sóng xoài hoặc nằm thẳng duỗi chân tay cho đỡ mệt.

Một nghiên cứu của Trường Y khoa và Thể thao (Thụy Điển) cũng cho thấy, sau 4 giờ ngồi lỳ một chỗ, cơ thể bạn đã bắt đầu gửi đi những tín hiệu nguy hiểm, bởi các gen điều chỉnh lượng đường glucose và chất béo trong cơ thể bắt đầu đóng lại, khiến các quá trình chuyển hóa của cơ thể bị ảnh hưởng.
Tổ chức Y tế thế giới cũng cảnh báo về một loại bệnh mới là căn bệnh do ngồi nhiều, xếp hàng thứ tư trong việc gây ra nhiều cái chết nhất trên thế giới. Một nghiên cứu mới đây của Đại học Sydney (Australia) khẳng định, nếu bạn ngồi hơn 11 tiếng mỗi ngày sẽ làm tăng 40% nguy cơ tử vong trong 3 năm tới.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Nghiên, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng, ngồi nhiều sẽ khiến bạn cảm thấy tức thở, mệt mỏi. Tất cả các yếu tố này đều do chuyển động của lồng ngực kém, quá trình lưu thông máu vào tim và từ tim ra các mạch bị hạn chế.

Chỉ ngồi bằng 1/3 thời gian đi lại
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Nghiên, việc ít cử động chuyển hóa là điều không tốt, tuy nhiên chuyển động nhiều cũng gây nên tổn thương thực thể. Cụ thể, đi lại nhiều sẽ khiến khớp phải chịu áp lực cao dẫn đến đau khớp, hoặc bàn chân sẽ bị căng khiến cơ mu bàn chân tê... Ngồi và cử động nên tùy vào điều kiện thích ứng, tuy nhiên cố gắng đảm bảo làm sao cân bằng theo công thức ngồi bằng 1/3 lượng thời gian đi lại. Cụ thể, một ngày 24 tiếng, trừ 8 tiếng ngủ thì 16 tiếng nên phân chia hợp lý cho việc hoạt động, đi lại và ngồi. Cũng cần chú ý sau mỗi tiếng ngồi ì một chỗ nên đứng dậy, cử động đi lại 5 - 10 phút để thư giãn gân cốt.


Đồng quan điểm này, BS Đào Bá Vy cũng khẳng định, dù bạn là người không quá béo phì hay bạn vẫn thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, nhưng trong một ngày làm việc bạn cũng không nên ngồi một chỗ quá lâu.

"Thay vì điện thoại hay mail, chat với đồng nghiệp, hãy đứng dậy, đi về phía họ và trao đổi trực tiếp các vấn đề. Ngoài ra, sau giờ học, giờ làm, bạn lại tiếp tục ngồi lên xe về nhà, ngồi ăn tối, rồi lại ngồi xem ti vi; Hãy chủ động tạo ra cho mình những lý do để đứng dậy và đi lại trong nhà. Những hành động đó dù rất nhỏ, nhưng chắc chắn hữu ích cho sức khoẻ của bạn", BS Đào Bá Vy gợi ý.

"Ngồi nhìn chung tốt hơn nằm nhưng ngồi nhiều sẽ thành một thói xấu. Nhiều người có suy nghĩ, đang phải đi lại hoặc làm việc mệt, khi được nghỉ sẽ nằm duỗi chân tay ra là tốt, thực chất đây là hiện tượng nghỉ ngơi tiêu cực. Bởi người này chuyển từ trạng thái vận động sang nghỉ ngơi đột ngột. Phù hợp nhất là sau khi dừng đi, nên ngồi một lúc để các cơ được thư giãn sau đó mới nằm nghỉ".

»
»

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]