Ngồi trên bờ chẩn bệnh cụ rùa

Những ý tưởng trên được đưa ra tại Hội thảo quốc tế do Sở KHCN Hà Nội tổ chức ngày 15/2 với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về sinh vật học nhằm tìm giải pháp tối ưu nhất cho sự an nguy của cụ rùa.

0
(TT&VH) - Lấy mẫu ADN cụ rùa, gắn chíp điện tử theo dõi, tắm thuốc, thậm chí phải giải phẫu… là những ý tưởng mới trong rất nhiều giải pháp cứu “cụ” rùa hồ Gươm.

Cụ rùa hồ Gươm được biết đến là loài rùa nước ngọt lớn mai mềm quý hiếm có giá trị về mặt sinh học và gắn với lịch sử của dân tộc. Phát biểu khi chuẩn bị kết thúc hội thảo, “nhà rùa học” Hà Đình Đức đã thốt lên: “tôi bị choáng”. Không bị choáng sao được khi một loạt các ý kiến đưa ra đều dựa vào ảnh và phỏng đoán. Chưa ai, kể cả ông Đức được “thực mục sở thị” vết thương của cụ rùa. Việc chữa bệnh cụ rùa được ví như việc bác sĩ chữa bệnh từ xa qua ảnh. Ngay cả việc đầu tiên là đưa cụ rùa lên như thế nào cũng còn nhiều tranh cãi, chưa có giải pháp khả thi.

Vì sao cụ bị thương?

Tất cả ý kiến của các đại biểu đều cho thấy tình trạng sức khoẻ của cụ rùa đang ở mức nghiêm trọng, cần phải được cứu chữa ngay. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nguyên nhân gây sát thương cụ rùa là do trong quá trình di chuyển với thân lớn, tuổi cao, cụ có thể va chạm với các vật sắc nhọn ở đáy hồ. Cũng có thể cụ bị các thiết bị câu cá tại hồ như lưỡi câu chùm, lưỡi câu móc vướng vào. Quá trình kéo và giật của người câu làm vết thương lớn hơn.

Sức khỏe cụ rùa đang là mối lo của dư luận. Ảnh: KTS Đoàn Đức Thành
Môi trường nước hồ Gươm ngày càng bị ô nhiễm gây nhiễm trùng và tạo thành các vết lở loét. TS Lê Xuân Rao, GĐ Sở KHCN Hà Nội cho biết, trong một lần nạo vét cục bộ hồ Gươm trước đây của cơ quan cấp thoát nước, đã tìm thấy rất nhiều vật sắc nhọn dưới đáy hồ, trong đó cả lưỡi câu, khung xe đạp...

Một trong những “thủ phạm” chính gây ra vết thương cho cụ rùa được nhiều nhà khoa học xác định là do rùa tai đỏ. PGS Hà Đình Đức cho rằng cụ rùa có thể bị rùa tai đỏ gặm mai. Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Phó Trưởng ban thường trực Hội Bảo tồn sinh thái Hà Nội khẳng định, rùa tai đỏ chỉ là tác nhân đi kèm: “Rùa tai đỏ không thể gặm được cụ rùa nhưng nếu cụ thường bị hoại tử thì chắc chắn rùa tai đỏ sẽ nhằm vào đây mà ăn”. Ông Khôi phân tích thêm: “Không riêng gì rùa tai đỏ mà còn có cá chép, cá trê, cá rô phi cũng xục vào đây mà gặm. Hồ Gươm có 21 loài cá mà trong đó có những loài cá nằm trong danh mục những loài xâm hại”.

Thạc sĩ Kim Văn Vạn, Trưởng bộ môn Nuôi trồng thủy sản (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cũng cho rằng, rùa tai đỏ là tác nhân chứ không phải nguyên nhân đầu tiên dẫn tới vết thương của cụ rùa bởi: “Rùa tai đỏ có kích thước nhỏ, cụ rùa có kích thước lớn, khi loài vật có kích cỡ nhỏ gặp kích cỡ lớn thường sợ sệt chứ ít dám tấn công”.

Như vậy, dù lý giải thế nào thì cũng có thể thấy, cả yếu tố cơ học xuất phát từ con người, với yếu tố sinh học đều đang đồng loạt tấn công cụ rùa.

Băn khoăn “phác đồ điều trị”

Việc điều trị vết thương cho cụ rùa được đặt ra hàng đầu song “gặp khó” ngay từ khâu đầu tiên là bắt cụ rùa như thế nào.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi với nhiều năm nuôi dưỡng các loại rùa lớn cho biết: “Để bắt và giữ được một con rùa khoảng 50 kg với 4 người còn rất khó, huống hồ cụ rùa phải nặng hàng tạ. Hơn nữa cụ lại đang mang trên mình rất nhiều vết thương, lở loét, nếu không khéo làm vết thương nặng hơn”.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi mô tả việc bắt cụ rùa nặng hàng tạ là rất khó khăn

Việc đưa cụ rùa lên cũng có nhiều ý kiến trái ngược. Theo thạc sĩ Kim Văn Vạn, biện pháp xử lý hiệu quả nhất là đưa cụ rùa lên cạn để xử lý đồng bộ các vết loét trên người triệt để. Thời gian này tối thiểu từ 5- 7 ngày. Đối với những tổn thương lớn có thể do nhiễm nấm và nhiễm khuẩn, phác đồ xử lý phải dựa trên quan điểm xử lý vết thương nhiễm trùng. Khi đưa cụ rùa lên cạn cần giữ ấm, vệ sinh sạch sẽ thân thể bằng nước sạch 25 – 30 độ C, rồi rửa lại bằng nước sinh lý sau đó thấm khô. Sau đó dùng thuốc sát trùng xử lý vết thương và dùng kháng sinh đặc hiệu cho vi khuẩn chuyên gây bệnh cho thủy sản để chữa trị. Mỗi ngày làm 2 lần như vậy và làm liên tục từ 5 - 7 ngày.

Tuy nhiên, theo TS Bùi Quang Tề (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1), việc chữa trị cần tránh để cụ rùa khỏi... stress. Nếu tách cụ ra khỏi môi trường nước rất dễ gây stress cho cụ. TS Tề đề xuất nên đưa cụ rùa vào một bể nhựa với thể tích 40- 50m3 để chữa vết thương. Sau đó đưa cụ vào một bể nuôi dưỡng thể tích 200-400m3 sau khi đã xử lý vết thương, thời gian chữa khỏi khoảng 30-60 ngày. Các bể này đạt các điều kiện nuôi dưỡng, được đặt ngay tại trong lòng hồ Gươm.

TS. bác sĩ thú y cao cấp Nimal Ferando vườn thú Ocean Park (Hồng Kông) cho biết, với tình trạng cụ rùa hiện nay “phác đồ điều trị” là bôi thuốc, tiêm thuốc, thậm chí là phẫu thuật phải mất khoảng 6 tháng mới khỏi được. Vì vậy, tốt nhất là giữ cụ ở tại môi trường nước của hồ Gươm, vừa kết hợp điều trị bệnh vừa cải tạo, thay đổi môi trường nước, dọn vệ sinh dưới lòng hồ thay vì đưa lên môi trường khác.

Đề xuất giải pháp mang tính lâu dài hơn, GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học VN, đưa ra ý tưởng có thể lấy mẫu ADN của cụ, đánh dấu để tiện theo dõi. Bên cạnh đó, có thể gắn chip điện tử để theo dõi quá trình vận động của cụ. Việc đưa cụ rùa hồ gươm vào Sách đỏ VN cũng được nhiều nhà khoa học đề xuất như một giải pháp quan trọng nhằm tăng thêm ý thức bảo vệ động vật quý hiếm này.

Phải làm bãi nghỉ cho cụ rùa

Về lâu dài, tất cả các nhà khoa học đều thống nhất cần phải làm bãi cát để cụ rùa nghỉ ngơi, phơi nắng, bởi cụ là động vật lưỡng cư và việc phơi nắng là cách tự chữa bệnh, diệt nấm và kí sinh trùng.

Các nhà khoa học cũng kiến nghị việc làm sạch hồ Gươm, thu dọn các chướng ngại vật, nạo hút bùn, thay, thêm nước sạch trong hồ... Mặt khác cần nghiêm cấm phóng sinh rùa tai đỏ và sinh vật lạ xuống hồ nhất là vào rằm tháng Bảy và ngày 23 tháng Chạp.

Sau khi nghe ý kiến các nhà khoa học, TS Lê Xuân Rao, GĐ Sở KHCN Hà Nội cho biết, trước hết sẽ tập trung triển khai việc làm sạch hồ Gươm. Sở sẽ tiếp tục tổ chức một buổi làm việc chuyên sâu với các nhà khoa học đầu ngành để chốt các giải pháp cứu chữa cho cụ rùa.

Ghép đôi các cá thể rùa để sinh sản?

TS. bác sĩ thú y cao cấp Nimal Ferando vườn thú Ocean Park (Hồng Kông) bảy tỏ ý tưởng: “Trên thế giới chỉ còn có 4 cá thể rùa gần gũi với rùa hồ Gươm, trong đó có một con sống tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). Hai con còn lại được nuôi nhốt tại Trung Quốc. Có thể đánh giá tình trạng sức khỏe và phối kết hợp với cá thể rùa cùng loài của Trung Quốc cho sinh sản, từ đó mới có thể bảo tồn được loài quý hiếm này.

Nguy cơ viêm phổi?

Theo TS Nimal Ferando, việc rùa nổi nhiều là bình thường, nhưng việc rùa nổi quá nhiều cũng là biểu hiện của bệnh viêm phổi. TS Nimal Ferando đã từng giải phẫu nhiều con rùa có hiện tượng này, phổi bị đen kết lại, khó hô hấp, rùa phải thường xuyên nổi lên để thở.

Thảo Vy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]