Ngon, hiếm đặc sản Bắc Giang

(VietQ.vn) - Không chỉ nổi tiếng với nhưng danh lam thắng cảnh như: suối Mỡ, chùa Vĩnh Nghiêm, rừng nguyên sinh Khe Rỗ... Bắc Giang còn được biết đến bởi những đặc sản ngon và hiếm.

15.6019

Cua da hấp bia

 

Nếu có dịp về với đất Yên Dũng (Bắc Giang) vào cữ gió heo may về, thế nào bạn cũng sẽ được chiêu đãi một trong những món ngon và hiếm được chế biến từ cua da.

Có một loài cua sống trong các ghềnh đá ở đoạn sông Cầu chảy qua địa phận một số xã ven sông huyện Yên Dũng (Bắc Giang) như Đồng Việt, Đồng Phúc, Thắng Cương mà dân trong vùng quen gọi là “cua da”. Loài cua này rất đặc biệt ở chỗ chỉ thấy vào mùa lạnh, càng lạnh càng "ra" nhiều và chỉ xuất hiện trong thời gian khoảng hai tháng (tháng 10 và tháng 11 âm lịch) hằng năm.

Đây là một loài cua sông cỡ bằng con ghẹ, về hình thức cơ bản trông giống loài cua đồng, nhưng chân dài hơn, mình to gấp ba, bốn lần cua đồng và mang một số đặc điểm khác biệt với họ nhà cua. Đó là hai càng của giống cua này có hai lớp lông như rêu bám vào, yếm cua cũng có lớp diềm rêu điệu đà. Chính cái lớp lông rêu này đã khiến nhiều người băn khoăn về tên gọi của nó: “cua ra, cua da hay là cua gia?”.

Theo kinh nghiệm của người dân làng chài nơi đây, cua da có thể được chế biến thành nhiều món như: cua hấp bia, cua rang muối, cua chiên, cua giã nấu canh… Nhưng ăn cua da ngon nhất và đơn giản nhất là đem hấp bia.

Bỏ cua vào thùng, xả nước và xóc mạnh cho sạch. Mỗi con cua to nặng 100 - 200g, xếp vào nồi, rắc thêm chút bột canh, bỏ thêm xả, gừng, rót bia xâm xấp mình cua, đặt lên bếp. Để lửa thật nhỏ, đun li ti cho đến khi bia sôi lăn tăn thì bật lửa to cho sôi bồng lên là bắc ra. Lửa nhỏ để giữ cho càng và chân không bị rụng, đồng thời để gia vị ngấm, khử mùi tanh.

Khi cua chín có màu vàng cam rất hấp dẫn. Thịt cua ngọt, lớp vỏ ở chân và càng cua khá mềm, khi ăn không cần dùng đến kẹp như cua hay ghẹ biển. Ăn cua da chấm bột canh pha mù tạt kèm nửa quả chanh vắt vào thì không gì thú vị bằng.

Xôi trứng kiến Lục Ngạn

 

Xưa nay, người dân miền núi và trung du tỉnh Bắc Giang vẫn dùng trứng kiến để ăn và được xem như nguồn thực phẩm bổ dưỡng, có thể chữa bệnh. Tuy trong rừng có nhiều loài kiến, nhưng chỉ có một loài mà con người ăn được trứng của nó.

Trứng kiến sau khi đã làm sạch, để ráo nước. Hành củ phi thơm trong mỡ già rồi cho trứng kiến vào xào, nêm gia vị cho vừa ăn. Đảo đều khi thấy dậy mùi thơm béo của trứng kiến và mùi thơm của hành là được. Khi xôi chín tới, xới ra đánh tơi. Trộn đều với trứng kiến đã sao vàng rồi cho ra đĩa, rắc một chút hành củ phi vàng lên trên, ăn nóng. Món xôi trứng kiến sau khi làm xong có vị béo của mỡ hành, bùi bùi của trứng kiến, dẻo thơm của xôi nếp. Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món ăn này.

Bất kỳ ai một lần được thưởng thức xôi trứng kiến cũng sẽ nhớ mãi. Có nhiều món làm từ trứng kiến nhưng thông thường người dân sử dụng trứng kiến để đồ xôi. Món xôi trứng kiến được làm từ gạo nếp nương, có thêm mỡ, hành và hạt tiêu, gia vị. Cách làm món xôi này đơn giản. Lấy gạo nếp vo sạch, đem ngâm trong nước ấm chừng 4-5 tiếng, sau vớt ra để cho gạo ráo nước, rồi cho vào chõ đồ. Khi thấy có mùi thơm của xôi, nếm vào miệng thấy dẻo, hạt gạo mềm, mọng là xôi được.

Bánh đa Kế

 

Có nhiều nơi trên đất nước Việt Nam cũng làm bánh đa, bánh tráng, nhưng bánh đa Kế vẫn luôn luôn tạo ra được một nét riêng, không thể lẫn vào đâu . Nó trở thành một thứ đặc sản đậm chất đồng quê Bắc Bộ.

Làng nghề bánh đa Kế nằm sát trục quốc lộ 1A Hà Nội-Lạng Sơn, bạn rất dễ dàng tìm đến vì chỉ cần đi đến đoạn đường thuộc địa phận thành phố Bắc Giang là đã có thể đến được làng làm bánh. Sản phẩm của làng vì thế mà cũng được phân phối đi nhiều nơi nhờ có đường giao thông thuận lợi.

Từ lâu nay bánh đa Kế đã trở thành món ăn dân dã yêu thích của nhiều người. Mỗi khi có dịp về Bắc Giang, chắc chắn bạn sẽ được quê hương Kinh Bắc này tiếp đãi món đặc sản này. Ngồi nhâm nhi trà xanh hoặc chè đắng vỉa hè và nhâm nhi bánh đa nướng Kế, rất bùi. Và khi ra về, bạn cũng khó có thể vô tình lướt qua những dãy dài bánh đa nướng tại chỗ, rất hấp dẫn. Đặc biệt là trong mùa lạnh miền Bắc, ngồi cạnh những chậu than nóng ấm và ăn bánh đa nướng nóng, cảm giác ấm cúng, thú vị.

Bánh hút Lục Ngạn

 

Bánh được làm từ bột gạo nếp, mật mía và rau cải cay (cải xanh). Quy trình làm bánh cũng rất đơn giản và dễ làm.

Rau cải cay rửa sạch giã nhỏ vắt lấy nước, nhào bột gạo nếp với nước lá cải cay sau đó nặn bánh (nặn tròn như bánh trôi), thả bánh vào chảo dầu ăn chiên tới khi vàng đều vớt bánh ra, nhanh tay thả vào nồi mật mía (nồi mật đun nhỏ lửa). Viên bột sẽ tự hút mật căng tròn bên trong. Vớt bánh ra và lăn qua một lớp bột gạo nếp.

Bánh có vị ngọt thơm của mật mía hòa quyện với gạo nếp rất thơm ngon. Người dân nơi đây chỉ làm món bánh này làm quà biếu người thân, với ý nghĩa luôn bao bọc che chở nhau như vỏ bánh, tuy mỏng nhưng không bao giờ để chảy mật ra ngoài.

Ngọc Anh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]