Ngon miệng với… hoa

(SKGĐ) Hoa không chỉ để ngắm, ngửi mà còn để ăn nữa. Đồng thời, hoa còn vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng.

15.6

Hoa thiên lý  

Hoa thiên lý còn gọi là dạ ly hương, không chỉ là nguyên liệu để chế biến món ăn dinh dưỡng mà còn được xem là một bài thuốc.

Theo kinh nghiệm dân gian, hoa thiên lý rất mát và bổ, trừ được giun kim, giải nhiệt, an thần. Trong thành phần của hoa thiên lý có chất xơ, đạm, các loại vitamin C, B1 và nhiều khoáng chất nên rất tốt cho sức khỏe.

Vị ngọt của hoa thiên lý rất hợp để nấu các món canh đơn giản với thịt lợn, xương hay hầm với giò lợn rất ngon giúp dễ ngủ. Mùa hè, hoa thiên lý nấu cua cũng là một món ăn khá lạ miệng. Thêm nữa, hoa thiên lý xào thịt bò hay dùng chung với các món lẩu cũng hấp dẫn không kém.

Hoa chuối  

Đây là cách gọi của người miền Bắc, người miền Nam thường gọi là bắp chuối. Hoa chuối thường có màu tím, được dùng để chế biến các món gỏi, nấu canh chua, luộc hoặc dùng làm rau ăn kèm bún bò, dấm cua, dấm cá. Nhiều người còn rán hoa chuối lên để dùng như một món chay.

Trong hoa chuối chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, giàu chất xơ tốt cho sức khỏe và lợi tiểu. Đặc biệt, những người sành ăn còn thái nhỏ hoa chuối rồi ngâm muối pha chanh sau đó xé nhỏ thịt gà, tôm nõn luộc hay trộn với rau thơm, thêm lạc rang giã nhỏ là có một món khoái khẩu cho dân nhậu.

Hoa sen

Hoa sen không dùng để nấu ăn như các loại hoa khác nhưng tách ra từng phần và mỗi phần như nhụy sen, tâm sen, ngó sen, hạt sen... đều có công dụng riêng. Nhụy sen giúp thông thận, cầm máu, tâm sen giúp an thần, trị chứng cao huyết áp.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, tâm sen có chất chống ôxy hóa, có lợi cho tim và da. Khi ăn hạt sen bạn nên giữ lại lớp lụa bọc bên ngoài vì chúng có tính mát, trị tiêu chảy. Bạn có thể nấu cháo ngó sen, hạt sen cho con trẻ ăn rất mát và giúp bổ tì, bổ thận, giúp sản sinh ra các chất đề kháng, tái tạo sức sống cho các tế bào.

Lưu ý: Vì tâm sen tính lạnh nên những người thể trạng ốm yếu, hay rối loạn tiêu hóa và đi lỏng mạn tính không được dùng.

Hoa atisô

Khi nhắc đến atisô, mọi người thường nghĩ ngay đến đấy là một loại trà thanh nhiệt, giải độc, nhưng thực tế nhiều người đã dùng hoa atisô làm những món ăn lạ miệng như: sốt lạnh, salad, súp hoa gà, món hoa rán với thịt xay.

Hoa atisô rất giàu vitamin và khoáng chất. Bởi vậy, khi nấu chín có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sinh lực, kích thích tiêu hóa, làm ngon miệng, lợi gan mật, trợ tim, lợi tiểu, chống độc, tăng tiết sữa cho sản phụ khi hầm với chân giò.

Ngoài ra, atisô cũng có khả năng thanh lọc các độc tố trong gan, làm mát gan, giải nhiệt... Nhờ công dụng này, atisô làm cho da mịn màng và trở nên tươi sáng hơn.

Hoa kim châm

Loại hoa này không chỉ ăn tươi mà còn có thể phơi khô và bảo quản được trong một thời gian dài. Nếu ăn tươi, hoa hơi giòn, thích hợp để xào với tôm sú, thịt bò... Để khô, hoa dai hơn, dùng để hầm thuốc Bắc chung với nấm, thịt gà... Theo dân gian, hoa kim châm có vị ngọt, là một vị thuốc giúp lợi tiểu.

Hoa hẹ  

Loại hoa này thường xuất hiện trong các bữa ăn hàng ngày có vị thơm thanh nhẹ, màu sắc tươi, nhìn món ăn đẹp và dễ chế biến. Trong hoa hẹ có đạm, đường, vitamin A, C, phosphor và chất xơ.

Khi nấu chín, hẹ có tính ấm, trị tiêu hóa kém, ra mồ hôi trộm. Món canh đậu phụ hoa hẹ còn có tác dụng giải nhiệt ngày hè rất hữu hiệu. Hẹ xào lòng heo, gan tim thêm nghệ, hạt tiêu trị bệnh ho dai dẳng vì nó chứa khoáng sinh vật cao.

Bông bí rợ

Nhiều người rất ưa chuộng món bông bí rợ luộc ăn với mắm hoặc dồn thịt vào giữa chiên hay nấu canh.

Bí rợ thuộc nhóm rau quả rất giàu dinh dưỡng, có chất chống ôxy hóa beta-carotene, nhiều vitamin C, chất xơ nên giúp điều hòa huyết áp. Nó còn rất có ích cho người già vì ngăn ngừa bệnh loãng xương do chứa một hàm lượng kẽm đáng kể.

Sổ tay nội trợ

1. Thịt lợn hầm hoa mẫu đơn

Thành phần: thịt lợn 500g, hoa mẫu đơn 30g, đường, muối, hành, gừng, một chút rượu mầu

- Thái thịt ướp với rượu trong vòng 5 phút.

- Canh đường với chút dầu ăn cho tới khi đường chuyển sang mầu nâu.

- Cho thịt vào và thêm nước đun cho tới khi thịt chuyển sang màu vàng đều

- Cho hoa mẫu đơn, gừng, hành vào khoảng 30 phút sau thêm chút đường và đun nhỏ lửa thêm 15-20 phút là ngon

2. Món cháo hoa hồng

Thành phần: hoa hồng 30g, gạo 50g, hạt kê 50g, mật ong 50g, nhãn 50g.

- Tách lấy phần thịt của quả nhãn

- Cho gạo, hạt kê, nhãn vào nồi, đun sôi trong vòng 30 phút

- Cho hoa hồng vào đun tiếp 30 phút

- Tắt lửa, cho mật ong vào.

Tuyết Mai

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]