Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với ngư dân
Theo ông Cao Văn Minh - Chủ tịch NĐNC P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà (TP.Đà Nẵng), các bộ, ngành liên quan cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại để nắm bắt hết tâm tư, nguyện vọng của ngư dân. Cố gắng ít nhất mỗi năm họp, đối thoại với ngư dân một lần.
Từ những cuộc gặp này, những vướng mắc trong thực hiện Nghị định 67 hoặc những quy định liên quan khác sẽ được những người tham gia đề ra chủ trương, chính sách trực tiếp ghi nhận, nghiên cứu, xem xét để có định hướng sát thực tế. Ngược lại, ngư dân cũng biết các bộ, ngành đang cần gì ở họ, như vậy sẽ sát với thực tế hơn. Ông Minh đưa ra ví dụ: “Đóng tàu thì cứ để ngư dân tự chọn mẫu, tự chọn máy theo ngành, nghề của họ. Ngư dân dự tính nguồn tiền mình cần, Nhà nước cho vay, hỗ trợ vốn, không cần qua Cty nào. Việc đóng tàu nên để ngư dân thiết kế, bởi thiết kế con tàu là phải theo đặc thù ngành, nghề của chủ con tàu đó. Còn nhà thiết kế nào đó mà không thường xuyên xuống biển thì đâu biết cái thiết kế đó đúng, sai, có phù hợp với đặc thù ngành, nghề của ngư dân đâu.
Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch NĐNC xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - cho hay: “Đối với ngư dân, trước khi vay vốn theo Nghị định 67 thì người ta phải tính vay vốn và trả lãi suất đúng kỳ hạn. Số vốn quá lớn thì ngư dân cũng không cầm được. Nhiều người làm đơn xin vay vốn nhưng đành phải rút lui vì máy tàu mới bây giờ cũng khoảng 3 tỉ đồng. Trong khi đóng một con tàu gỗ, mua một cái máy của Nhật đã qua sử dụng còn 80% thì giá thành chỉ có 2 tỉ đồng. Như vậy, thay vì vay 10 tỉ đồng, 8 tỉ đồng, họ chỉ cần vay 7 tỉ, 6 tỉ đồng mà vẫn có con tàu ra khơi đảm bảo chất lượng. Cũng cần nói thêm, không nhất nhất phải là tàu sắt. Ví dụ nghề lưới chụp, lưới cạn đường dài thì cần phải là tàu sắt, còn những ngành nghề khác thì tàu sắt lại khó sử dụng”.
Cần được hỗ trợ để tránh bị ép giá
Ông Lê Nguyên Khánh - NĐNC P.Thanh Khê Đông, TP.Đà Nẵng - lại bày tỏ: “Thay vì đầu tư đóng mới tàu, Nhà nước nên hỗ trợ định giá cá để giúp ngư dân. Nếu giá cá cao, tàu cá sẽ có lợi nhuận nhiều hơn, ngư dân thấy kinh doanh có lợi nhuận sẽ đóng nhiều tàu hơn. Nếu đầu tư vào đóng tàu, tàu nhiều hơn, nhưng giá cá thấp thì lợi nhuận của ngư dân thấp, dẫn đễn việc họ không dám đóng tàu. Theo tôi, Nhà nước cần định giá cá. Nếu giá cá thấp quá, Nhà nước hỗ trợ để bình ổn định giá. Thực tế hiện nay là ngư dân bị đầu nậu ép giá xuống, không bán thì cá ươn, hỏng, nên mỗi chuyến đi biển về họ chẳng còn dư dả được mấy”.
Còn ông Mai Đăng Nhiều - NĐNC P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng - đặt câu hỏi: Tại sao không đặt một quầy hàng của Cty chế biến hải sản ngay chỗ bến cá, chợ đầu mối mà để cho tư thương thu mua rồi về bán lại? Đặt quầy hàng tại bến cá, Cty vừa mua được loại cá tốt, lại vừa giảm chi phí, không phải qua khâu trung gian?. Cũng theo ông Nhiều, để đảm bảo cho ngư dân bán hải sản được giá hơn, muốn ngư dân đóng con tàu to hơn, Nhà nước nên hỗ trợ ngư dân làm hầm cấp đông để bảo đảm chất lượng cá khi vào tới bờ vẫn tươi, ngon. Chỉ như vậy đầu nậu mới không có cơ hội ép giá. Mặt khác, Nhà nước khuyến khích đóng tàu lớn, ra biển dài ngày, phải có nghề khai thác phù hợp với con tàu, vì khi ấy chi phí cũng lớn hơn. Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ ngư dân được tập huấn ngành, nghề ở nước ngoài để giúp họ giao lưu, học hỏi ngư dân nước bạn, như vậy mới nâng cao trình độ tay nghề khi đánh bắt hải sản xa bờ.