Ngực "khủng" cũng là bệnh

Mình chẳng bao giờ dám mặc áo phông vì ngực cứ lồ lộ cả ra, ghê lắm. Thời đi học còn nhỏ xíu bị bạn bè chọc ghẹo là... đàn bà.

15.6037

Ngực chảy tới… rốn

Lời "than trời" trên đây là của một chị chỉ cao 1m55 mà vòng 1 đến 92 cm. Trong khi đa phần phụ nữ đều muốn sở hữu bộ ngực căng tròn thì một số khác lại đang ngày đêm khổ sở, chịu đựng vì ngực khủng. Diễn đàn "ngực to" trên một trang web dành cho cánh chị em nhộn nhịp như... chợ tết, người thì rên chẳng tìm được chỗ mua áo ngực cho vừa, người khác than "nóng bức, ngứa ngáy không chịu nổi", chị khác lại khổ sở vì "ngực chảy tới rốn", có người còn bị nhức mỏi vai, cổ, lưng kinh niên vì phải gồng sức đeo 2 trái núi khủng... Đó là chưa kể nhiều người vì tâm lý muốn "giấu ngực" mà lúc nào cũng khom khom người xuống khi đi đứng, dẫn tới bị gù lưng lúc nào không hay. Nói chung, nỗi niềm vòng một quá khổ chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Độ to nhỏ của bộ ngực mỗi người tùy thuộc vào khối lượng của lớp mỡ dưới da cùng mô tuyến vú bên trong. Tuy nhiên, không phải cứ mập mới sở hữu ngực khủng. Như chị C.T ở TP.HCM, cao 1m6, chỉ 50 kg, trong đó chị ước lượng "chắc bộ núi đôi đã gần chục ký rồi!". Chị bảo mỗi lần ra đường cứ có cảm giác như mọi người đều nhìn chăm chăm vào bộ ngực lồ lộ của mình, khiến chị mất tự tin. Dù rất thích bơi lội nhưng từ ngày tới tuổi dậy thì đến giờ, chị chỉ dám bơi... trong mơ vì chẳng bao giờ đủ can đảm diện bộ đồ tắm mát mẻ. Tập thể dục cũng thế, chỉ có thể đóng cửa tập trong nhà chứ nếu ra công viên hay phòng tập mà chạy bộ thì tha hồ cho đôi gò bồng đảo... nhảy múa. Thường thì những bộ ngực quá lớn cũng rất dễ bị sa trễ, có khi là xuống tận cạp quần nên càng khiến khổ chủ mất tự tin. Chưa thấy có một thống kê nào ở Việt Nam về tỷ lệ những phụ nữ đang phải sống chung với bộ ngực khủng. Còn ở Hàn Quốc, bác sĩ Hang-Seok Choi, Giám đốc y khoa của Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ JK (Hàn Quốc) cho biết, con số này lên đến 5%.

Ngực lớn cũng là bệnh


Bác sĩ Choi cho biết thêm, thể tích trung bình của phụ nữ Hàn Quốc từ 200 đến 250 cc. Con số này cũng tương thích với phụ nữ Việt và nhiều nước châu Á khác. Một bộ ngực được gọi là phì đại khi con số này từ mức 400 cc trở lên, có khi lên tới... 4.000 cc. Đó là do sự phát triển quá mức của mô tuyến vú và mỡ. Thực tế là ngực phì đại cũng là một bệnh lý, mà bệnh lý thì cần chữa trị. Khổ nỗi chẳng có thuốc nào uống vô có thể làm ngực nhỏ lại. Sự tập luyện đúng cách có thể giúp bộ ngực săn chắc lại, tuy nhiên cũng chỉ ở mức độ giới hạn. Một số người bị phì đại nhẹ thì chọn phương pháp hút mỡ nhưng lượng mỡ sẽ sản sinh lại nếu họ tăng cân.

Biện pháp thu gọn ngực triệt để nhất hiện nay là phẫu thuật thẩm mỹ. Bác sĩ Choi cho biết, tùy vào mức độ thu gọn, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa 3 phương pháp: rạch quanh quầng vú để cắt bỏ bớt mô tuyến vú cùng mỡ, rạch thêm một đường thẳng từ quầng vú ra ngoài để thu gọn được nhiều hơn hoặc có khi phải rạch thêm một đường bán nguyệt thứ 3 trong những trường hợp phì đại rất nặng. Theo bác sĩ Choi, phương pháp thứ 2 là phổ biến nhất. Ngoài việc cắt bỏ bớt mỡ, mô tuyến vú, bác sĩ cũng sẽ phải cắt bỏ bớt da thừa và thường phải thực hiện thêm một công đoạn khó khăn: "di dời" nhũ hoa lên phía trên, đến vị trí cân xứng với bầu ngực đã nhỏ hơn.

Chớ hấp tấp

"Tôi đã chịu hết nổi cảnh suốt ngày bị hăm, ngứa da, đi đứng, vận động khó khăn, rồi còn bị chồng chê..., bằng mọi cách tôi phải thu nhỏ bộ ngực còn một nửa so với hiện nay", chị M.T, 35 tuổi bày tỏ quyết tâm. Chị cho biết đã đặt lịch xong với bác sĩ thẩm mỹ, chỉ chờ đến ngày "giải thoát bản thân". Tuy nhiên, bác sĩ Choi cảnh báo, cần phải tìm hiểu thật kỹ các rủi ro có thể để lại sau cuộc phẫu thuật để cân nhắc có nên thu nhỏ ngực hay không. Một trong những điều không mong muốn là sẹo. Như đã nêu ở trên, bác sĩ phẫu thuật sẽ phải rạch 1, 2 hoặc 3 đường trên ngực nên sẽ để lại sẹo. Tùy theo cơ địa của mỗi người, tay nghề của bác sĩ và sự chăm sóc vết thương sau đó, sẹo sẽ mờ, rõ hay rất xấu. Việc di chuyển nhũ hoa cũng có thể làm thay đổi hoặc thậm chí mất cảm giác của các chị em ở khu vực vốn rất nhạy cảm này. "Phẫu thuật thu nhỏ ngực phức tạp hơn nhiều so với nâng ngực, đòi hỏi bác sĩ phải có thay nghề cao và nhiều kinh nghiệm", bác sĩ Choi cho biết.

Còn một yếu tố quan trọng khác mà những phụ nữ chưa có con cũng cần phải cân nhắc khi muốn nhờ đến dao kéo thu nhỏ ngực. Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Tâm (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) cho biết, việc thu gọn quy mô của "nhà máy sản xuất sữa" đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến "năng suất". Đó là chưa kể đến việc di chuyển vị trí "cổng ra" của "nhà máy" cộng với việc nối lại các "đường ống dẫn sữa" mà nếu làm không khéo có thể khiến việc cho con bú trở nên rất khó khăn hoặc thậm chí không thể thực hiện được.

AloBacsi.vn
Theo Thanh niên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]