"Người bạn già" làng nghề

Trong lịch sử Việt Nam, các làng nghề giống như những công xưởng công nghiệp, mang trong mình sứ mệnh thúc đẩy một nền kinh tế.

15.6004

Đọc E-paper

Một cách bền bỉ và lặng lẽ, các làng nghề thủ công là nguồn cung ứng cho mọi mặt cuộc sống, cho các tầng lớp xã hội, từ những vật dụng đơn giản nhất cho đến những thứ phù phiếm nhất trong xã hội phong kiến. Nó vừa là kinh tế, nhưng cũng là niềm tự hào. Làng nghề là nơi hội tụ văn hóa đậm đặc nhất của một xã hội.

Trong nhịp thở gấp gáp của đời sống hiện đại, hình bóng của các làng nghề đang phôi phai dần trong tâm trí mọi người. Tôi có một hình dung rất mơ hồ rằng, các làng nghề giống như những người bạn già của ông bà, tổ tiên chúng ta.

Họ từng thân quen như những người ruột thịt, họ xuất hiện trong gia đình chúng ta như những điều tất yếu. Nhưng những người bạn đó rồi sẽ già, sẽ qua đời. Lúc đó, những gì ta còn lại là sự hoài niệm trong vô vọng.

Theo quy luật hà khắc của chọn lọc, sẽ có nhiều làng nghề mất đi, rồi sẽ có những kỹ năng mới được hình thành, những làng nghề kiểu mới sẽ xuất hiện. Thay vì một tiếng thở dài, hay một lời than vãn, tất cả những nỗ lực của tôi nhằm mang đến cho những người trẻ tuổi một hình dung gần đúng về người bạn già của cha ông chúng ta.

Rất may, trong lúc loay hoay đi tìm mới thực hiện ý đồ đó, khi đến khu du lịch Alba Thanh Tân, Ban lãnh đạo cũng đang đau đáu làm thế nào để khôi phục lại làng nghề truyền thống ngay trên chính mảnh đất này. Do cơ duyên, tôi và Alba Thanh Tân đã cùng nhau thực hiện dự án mô hình làng nghề thủ công này.

Đồng thời, trong quá trình tìm hiểu về thói quen, văn hóa của người Việt Nam, tôi nhận thấy, người Việt Nam hầu như không có truyền thống làm đồ chơi cho trẻ nhỏ, hay đúng hơn họ không làm đồ chơi cho trẻ nhỏ một cách có hệ thống và có ý thức. Có lẽ do kinh tế khó khăn mà họ không có điều kiện để có thể ý thức về công việc này một cách có hệ thống giống như việc tổ chức sản xuất kiểu như làng nghề.

Song, tôi tin rằng tình cảm dành cho trẻ nhỏ, ý thức chăm sóc con trẻ thì thời đại nào, điều kiện kinh tế có như thế nào thì các bậc làm cha, làm mẹ luôn muốn làm một cái gì đó cho con em mình được vui và hạnh phúc. Ở đâu đó sau những lũy tre làng vẫn có những ông bố, bà mẹ, người chị, người anh chế tạo cho con em mình những món đồ chơi ngộ nghĩnh và thú vị.

Đó là lý do của sự ra đời dự án Mô hình làng nghề thủ công tại khu du lịch suối khoáng nóng Alba Thanh Tân, và đối tượng mà dự án ưu tiên hướng tới là trẻ em, sau đó đến thanh niên. Dự án này nằm trong chuỗi dự án quan sát, suy nghĩ, sáng tạo về cách chơi và đồ chơi của trẻ nhỏ mà tôi thực hiện từ năm 2007.

Các tác phẩm điêu khắc gỗ như kiến, cá, sâu, chó, lợn, dê gỗ và búp bê composite đã được tôi đưa đến các vùng nông thôn, miền núi, những khu vực hẻo lánh để trẻ em chơi và ghi chép, ghi hình lại. Triển lãm về gà làm từ giấy bồi “Gà: chip, chic, chicky” và hướng dẫn trẻ em “làm” gà tại viện Goethe vào tháng 6/2012 cũng nằm trong chuỗi dự án này.

Mặc dù nằm cách xa trung tâm thành phố Huế, khu du lịch Alba Thanh Tân lại khá gần về mặt địa lý với làng gốm Phước Tích, làng đan lát mây tre Bao La, đồng thời có mối liên hệ mật thiết với các làng nghề thủ công và các nghệ nhân khác tại Huế.

Tôi cũng may mắn khi gặp được những bạn trẻ say mê với những vốn quý của dân tộc tại khu du lịch này, những người đã nhiệt tâm học hỏi các kỹ năng cơ bản về các nghề thủ công.

Tôi hy vọng, với không gian làng nghề mang tính tương tác cao tại đây, khách tham quan có thể hiểu và có thái độ trân trọng đối với các giá trị quý báu của những nghề thủ công đang dần thất truyền, và góp phần níu giữ những nét đẹp văn hóa của các làng nghề thủ công truyền thống tại Huế và trên cả nước.

ĐINH CÔNG ĐẠT
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]