Người bệnh khỏe, bác sĩ vui!

Nhằm giải tỏa những vướng mắc thường gặp trong thanh toán viện phí cho người bệnh cũng như các quỹ BHYT và bệnh viện (BV),

15.6135

Nhằm giải tỏa những vướng mắc thường gặp trong thanh toán viện phí cho người bệnh cũng như các quỹ BHYT và bệnh viện (BV), Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Hà Nội triển khai Đề án thí điểm phương thức trả BHYT trọn gói cho 4 nhóm bệnh thường gặp. Đó là viêm ruột thừa, đẻ thường, viêm phế quản phổi người lớn và viêm phế quản phổi trẻ em. BV Thanh Nhàn và BV Đa khoa huyện Ba Vì- Hà Nội là hai cơ sở y tế đầu tiên trong cả nước áp dụng Đề án này.

Tiết kiệm thời gian, tránh thất thoát

Anh Nguyễn Văn Tân ở Phương Mai - Hà Nội bị đau bụng dữ dội, phải cấp cứu ở BV Thanh Nhàn. Sau khi khám, bác sĩ chẩn đoán: Viêm ruột thừa cấp và chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, để có đủ cơ sở giúp các bác sĩ có được chẩn đoán chính xác, anh Tân và gia đình phải làm rất nhiều xét nghiệm: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu, Xquang tim - phổi, sinh thiết... Mỗi xét nghiệm tiêu tốn từ 20.000 - 64.000 đồng. Song mỗi lần bác sĩ cho chỉ định làm xét nghiệm, anh Tân và gia đình lại phải chạy "long sòng sọc" để tìm nơi đóng tiền, rồi mang giấy có dấu "đã đóng tiền" cho bác sĩ xét nghiệm. Chi phí cho cuộc mổ ruột thừa cũng như các xét nghiệm và thời gian nằm điều trị (6 ngày) tại BV Thanh Nhàn của anh Tân hết 2,3 triệu đồng. Gia đình anh Tân phàn nàn, giá như ngay từ đầu mỗi bệnh  nhân mổ ruột thừa được đóng viện phí trước hoặc sau cùng một lúc thì đỡ vất vả và mất nhiều thời gian hơn.

 Bệnh nhân được hưởng lợi nhiều từ chính sách BHYT. Ảnh: TM

TS. Đặng Văn Chính - Giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết, thông thường một BN điều trị sau mổ ruột thừa phải nằm viện khoảng 8 - 9 ngày, chi phí hết 2,3 triệu đồng. Để có được kết quả chẩn đoán cũng như theo dõi sau mổ, bệnh nhân, nhất là những người có thẻ BHYT phải làm nhiều thủ tục như lấy giấy  xét nghiệm, đóng tiền, xác nhận từng đơn vị thuốc... Các bác sĩ cũng mất nhiều thời gian hơn cho việc xác nhận, duyệt đơn thuốc, cân đối vật tư tiêu hao đi kèm với những thuốc chỉ định dùng cho bệnh nhân (trong trần BHYT cho phép) như truyền dịch, truyền thuốc. Nếu áp dụng theo Đề án mới của Bộ Y tế, người bệnh chỉ phải trả 2,2 triệu đồng cho 8-9 ngày điều trị  sau mổ viêm ruột thừa (mổ mở). Ngoài ra, nếu có thể (với người bệnh khỏe, không có tai biến khi mổ hoặc ruột thừa viêm nặng nguy cơ vỡ), thì thời gian điều trị sẽ được rút ngắn hơn, khoảng 3 ngày với mức chi phí trọn gói xuống 382.000 đồng/ngày và 229.000 đồng/ngày (với 9 ngày). Điều này rất có lợi cho người bệnh, mà quỹ BHYT cũng bớt bị thất thoát trong quá trình điều trị, đặc biệt với những thuốc có vật tư tiêu hao đi kèm như dịch truyền, thuốc truyền (kim, dây, băng, gạc...).

Theo ông Phạm Lê Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế, thì áp dụng phương thức  trả trọn gói cho 4 nhóm bệnh trên,  chắc chắn các bệnh viện sẽ giảm tải, người bệnh và người nhà của họ bớt phải mất nhiều thời gian cũng như công sức chạy đi, chạy lại để đóng tiền. Nhờ đó họ an tâm hơn, sức khỏe nhanh hồi phục hơn và ngày nằm điều trị có thể rút ngắn hơn, mà bệnh viện có dư giường để tiếp nhận bệnh nhân mới. Bác sĩ lại có thêm thời gian và sức lực để làm chuyên môn. Về vấn đề này, một số bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện công cho rằng, quan trọng là phải hạn chế tối đa hiện tượng lạm dụng thuốc và xét nghiệm.

Sẽ mở rộng phương thức trả trọn gói

Theo quy định của Đề án thí điểm, việc trả trọn gói 4 nhóm bệnh được thực hiện từ cuối tháng 11/2009 đến tháng 12/2010. Sau đó Bộ Y tế sẽ đánh giá mức độ khả thi và tác dụng của phương thức chi trả này làm cơ sở để triển khai trong cả nước. Tuy nhiên, theo đại diện BHXH Việt Nam, việc áp dụng phương thức này phải thực hiện từng bước. Chẳng hạn, ngoài việc đưa ra mức giá hợp lý cho từng ca bệnh, phải tính được những chi phí liên quan. Nếu độ dao động không quá 11% so với mức thu hiện tại, thì sẽ không tác động nhiều đến tổng quỹ BHYT, hơn nữa người bệnh cũng không bị chi trả thêm nhiều như trước. Để làm được điều này, hiện Bộ Y tế và ngành BHXH đang lên kế hoạch tính toán chi phí chi tiết cho từng ca bệnh cụ thể. Cuối năm 2010 sẽ thực hiện phương thức thanh toán theo định suất tại 10% cơ sở khám chữa bệnh, đến năm 2011 thực hiện ở 30% cơ sở, năm 2013 là 60% và đến năm 2015 sẽ thực hiện ở 100% các cơ sở y tế trong cả nước. 

Đặng Kim

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]