Người bệnh là trên hết

Khuôn mặt thanh tú, ánh mắt lanh lợi, thân hình nhỏ thó lọt thỏm trong tốp nam nữ đồng nghiệp của trạm, nhưng việc chuyên môn thì Hiển vẫn là “cây cao bóng cả”. Cho dù trạm có nữ bác sĩ, y sĩ (BS,YS) đa khoa, chuyên khoa nhưng người bệnh thường muốn YS Hiển thăm khám...

15.6018

 Đau nỗi đau người bệnh

(SKDS) – Cùng thôn cùng xóm nên tôi chẳng lạ những lời người ta khen, chê y sĩ Nguyễn Ngọc Hiển - Trưởng Trạm y tế xã Quân Khê, Hạ Hòa, Phú Thọ. Gọi là chê, thực chỉ ngầm ý phàn nàn: - Hơi đam mê “cờ bạc” đấy! Hiển đỏ mặt, gượng cười: Ghép từ ghép ngữ như thế thì toi đời tôi rồi. Ham cờ thì có, chứ đánh bạc thì không khi nào. Mà có ham thì cũng chỉ xán vào bàn cờ những tối không trực, những đêm “đổi gác”!

Khuôn mặt thanh tú, ánh mắt lanh lợi, thân hình nhỏ thó lọt thỏm trong tốp nam nữ đồng nghiệp của trạm, nhưng việc chuyên môn thì Hiển vẫn là “cây cao bóng cả”. Cho dù trạm có nữ bác sĩ, y sĩ (BS,YS) đa khoa, chuyên khoa nhưng người bệnh thường muốn YS Hiển thăm khám... Có lần, cuộc cờ trong đêm với tôi đang vào hồi “kết”, phần thắng đang ngả về Hiển thì điện thoại di động đổ chuông, có người ốm nặng nhờ thăm khám tại gia, anh xòa bàn tay xóa bỏ cả ván cờ. Tôi hét toáng lên: - Chơi tiếp. Đâu phải phiên trực mà cuống cuồng như vỡ đê vỡ đập ấy thế! Nhìn tôi bằng ánh mắt chê trách; trùm áo mưa, lên xe, Hiển lao đi giữa mưa đêm tầm tã. Tôi thừ người, thu quân vào hộp, nuối tiếc cuộc cờ lỡ dở, nhưng ngẫm lại mới thấy YS Hiển nói sao thì làm thế: Thầy thuốc phải coi người bệnh là trên hết!

 Y sĩ Hiển thăm vết thương cho bé trước khi cắt chỉ.
Một bận, ông chú tôi bị ngộ độc do ăn củ ấu, bụng dạ quắn quặn, mắt mũi trợn trừng, phải tức tốc khiêng lên trạm y tế khi đêm đã sang canh. Nhờ Hiển nên ông chú tôi “thoát hiểm”. Lúc ngồi dậy, nói lời cảm ơn thì Hiển cứ xoắn hỏi: Nào là, trước đó ông ăn, uống những gì? Nào là, ăn ở đâu, ăn bao nhiêu; ăn trước khi đau bao lâu?... Thì ra rõ khổ, ông chú tôi bị ngộ độc ấu luộc. Chả là củ ấu là đặc sản nổi tiếng của xã Quân Khê. Ấu đầu vụ ngon, bùi, nên chú tôi thường mua về “xơi” quên cơm, quên bữa... Vậy thì cớ chi ăn ấu lại gây cơ sự như vậy? Đến lúc này tôi mới hiểu cái nguyên nhân mà YS Trưởng trạm “truy lùng” là vì ông chú tôi “xơi” phải củ ấu của một gia đình mới phun thuốc trừ sâu. Nét mặt Trưởng trạm Nguyễn Ngọc Hiển lặng đi. Tuổi Đinh Mùi (1967) như đằm thêm năm, bảy con giáp...
 
Ngay ngày sau, sự cố này được chính quyền xã loan báo rộng rãi cho dân biết qua hệ thống truyền tin. Người ta nhắc nhủ nhau khi phun thuốc trừ sâu phải thực hiện đúng quy trình, phải rửa sạch củ ấu trước khi luộc, trước khi đem ra thị trường... Không thế thương hiệu củ ấu Quân Khê sẽ hết thời. Bởi thế tôi thêm hiểu vì sao giao ban hằng ngày, Hiển thường nhắc đồng nghiệp: Thăm khám bệnh nhân cần để tâm lắng nghe họ, thấu hiểu họ, thông cảm và chia sẻ với nỗi đau khổ của họ. Đất quê nghèo. Người ta không chỉ đau vì bệnh tật, mà còn khổ vì thiếu thốn. Khi khám, cần hỏi nhiều, hỏi kỹ, hỏi sâu để sẻ chia nỗi đau, để tìm ra nguyên cớ gây bệnh, để góp sức ngăn chặn và cung cấp dịch vụ chuyên môn cho họ.
 
Ông Trần Văn T. (không tiện nói tên) người thôn trong, hôm ở bệnh viện tỉnh về, rỉ rẩm với tôi: Mình nói riêng để biết thôi. Thú thật, không nghe YS Hiển và không được anh ấy đỡ đần thì bây giờ mình đã nằm với giun với dế rồi! Giọng thủng thẳng: Chiều ấy, vợ con khênh xuống trạm. Sau thăm khám, YS Hiển thôi thúc: - Thuê xe đi tỉnh gấp. Không thể nấn ná. Tự dưng tôi quên đau. Đi thì tiền đâu? Tất cả trông vào con gà con lợn. Bán cho ai ở xứ núi trong đêm tối này. Tôi rên rỉ: - Cứ để tôi ở lại trạm ngại chữa thì tôi về! Khác hẳn mọi khi, giọng Trưởng trạm rắn câng: - Bục dạ dày đến nơi rồi. Phải lên tuyến trên. Xe chúng tôi thuê. Tiền chúng tôi cho mượn. Tôi trực tiếp đưa ông đi. Nước mắt tôi trào ra. Không nói nổi một lời cảm ơn. Ngay đêm ấy tôi được cứu chữa. Bác sĩ Trưởng khoa Bệnh viện tỉnh, giọng xởi lởi: - Cái số ông, trời cho sống đấy.
 
Chậm nửa giờ là chầu trời. Ông T. cười. Điệu cười ơn nghĩa: - Tôi sống lại là nhờ trạm y tế xã. Nhờ vào cái tâm cái đức của YS Hiển. Mà cái ngữ tôi có chết, dễ gì được “chầu trời”, chắc sẽ bị đày xuống địa ngục vì không nói thật cái sự thiếu thốn của mình. Ở đất ta, ai chả biết cái tính YS Hiển. Anh ấy là chúa ghét thói quay quắt, dối trá. Tự dưng ông nhằng sang kể công lao của trạm, của BS Hải, YS Hiển, YS Huệ... Mà này, xem ra trạm y tế xã ta đã cứu giúp tới chục cháu bé, đích thân thầy thuốc của trạm đưa chúng về tận Bệnh viện Nhi Trung ương và Bạch Mai xa cả ngày đường xe cộ nữa chứ. Ở đâu người ta có phong bao, phong bì, chứ ở đất mình thì lấy đâu.
 
Nghe nói, có người cũng “biếu” nhưng YS Hiển lại kiếm cớ trả lại. Mà này, cái khó cho trạm là thuốc thì không bao cấp, trừ khám bảo hiểm, nhưng ai cũng muốn được cấp, được cho thuốc tốt. Mua theo đơn thì mua chịu hoặc thôi luôn. Chuyện của ông T. khiến tôi nhớ lại, năm ngoái ông Đặng Văn Hiếu ở bản Đồng Tiến, thôn Tiến Lang, kiếm củi trong rừng lập cập thế nào mà dao tay phải lại phang lìa mất ngón trỏ của bàn tay trái. Ôm lấy bàn tay đẫm máu, chạy thục mạng xuống trạm nhờ YS Hiển cứu chữa. Sơ cứu, vệ sinh vết thương, băng bó, viết giấy giới thiệu để ông về bệnh viện huyện.
 
Vì không có tiền nên ông Hiếu một mực nài nỉ xin ở lại rồi lý lẽ: - Trạm y tế xã khang trang, sạch đẹp như thế này; YS, BS giỏi giang cả. Thôi thì sống, chết xin cậy nhờ trạm. Tập thể chụm đầu bàn tính, xét khả năng có thể, Hiển quyết định tiến hành phẫu thuật: thắt mạch máu, tháo khớp, khâu nối da... 3 ngày sau ông Hiếu đã đòi uống rượu. 10 ngày sau, vết thương lành lặn. Gặp ai ông cũng một lời: “Lương y như từ mẫu”. Cụ Hồ dạy sao thì thầy thuốc mình làm như vậy. Họ đúng là những người tử tế!

Lo nỗi lo của mọi nhà

Quân Khê là xã rừng núi xa xôi hẻo lánh nhất của huyện Hạ Hòa. Mấy chục năm trước còn được mệnh danh là chốn “ma thiêng nước độc”. Ngày ấy bặt không hề có bóng y bác sĩ mà chỉ có “ông Ký Tiêm”. Có lẽ, tên ông là Ký, làm nghề tiêm thuê cho nên người ta ghép gọi như thế. Dụng cụ hành nghề của ông Ký chỉ có ống xi-lanh cáu cặn với đôi ba chiếc kim cùn dùng chung cho những người đau yếu ở cả hai xã ngoài là Hiền Lương và Động Lâm. Đau ốm, bệnh tật với những nhà khá giả, thì xôi thịt linh đình, chiêng trống, phèng la điệu đà theo nhịp thầy Đồng Trê ở nơi nảo nơi nao qua sông Hồng bằng chiếc lá đa về đánh tà, diệt ma cho gia chủ.
 
Nghe linh thiêng, rờn rợn, khiến phận người rúm ró cỏn con trước thế giới quỷ thần bao la mà chỉ có thầy Đồng Trê mới trừ trị nổi. Ngược cảnh, những nhà nghèo rớt chỉ biết nhờ cậy thầy lang, với bát cháo nhuốm màu mật mía, nén hương nhựa trám vấn vương xin thần thánh đuổi xua cái đau cái ốm, dịch tả, tật bệnh ra khỏi cửa khỏi nhà, để cây nêu cấm cửa không còn giăng ngang lối cổng...Vậy mà, giờ đây Quân Khê có cả một “gia tài” phòng, chống và chữa bệnh tật cho nhân dân.
 
 Trạm y tế xã Quân Khê, nơi người dân địa phương “cậy nhờ” khi đau ốm.
Trạm y tế xã với 2 dãy nhà cấp 3, diện tích xây dựng tới 250m2 (bằng vốn của Chương trình 135, xong từ năm 2002), tọa lạc trong khuôn viên thoáng đoãng; sân, vườn, cổng sau, trước sạch sẽ, đẹp đẽ như công viên. Đội ngũ thầy thuốc luôn đủ quân số theo tiêu chí, cho dù BS vẫn ở diện luân chuyển của trung tâm y tế huyện. Trang thiết bị của trạm gấp tỉ tỉ lần ông Ký Tiêm hồi xa xưa ấy. Không ít người cáo bệnh, cáo tật, đến trạm cốt để được nhòm, được ngó chiếc máy xét nghiệm nước tiểu, bình ôxy, máy hút đờm, máy khí dung, bộ thiết bị sản khoa và vi tính nối mạng internet...

Mừng trạm, mừng xã nghèo nay được quyền hưởng và tiếp cận dịch vụ y tế, tôi siết chặt tay Trưởng trạm: - Vậy là thầy thuốc của ta có cơ nhàn hạ hơn trước! Hiển ớ ra, hình như anh giật mình về cách hiểu của tôi. Giọng tâm tình: - Trang thiết bị là khoa học, là rất quan trọng, nhưng gì thì gì cũng chỉ là phương tiện. Vừa nói Hiển vừa dứ dứ tay vào nơi trái tim mình: Cái tâm. Cái tâm của người thầy thuốc là tối quan trọng. Chứ nó không phải máy móc mới thôi thúc chúng tôi luôn phải duy trì chuẩn mực chuyên môn ở mức độ cao nhất. Nó mới là nơi thôi thúc, nhủ bảo chúng tôi về thái độ giao tiếp, về cung cách phục vụ, cái mà người bệnh nơi đâu cũng cần đến. Chính nó mới là nơi giục giã những thầy thuốc chúng tôi trên đất nghèo khó này biết sắp đặt thời gian, năng nổ tham gia công việc cải thiện y tế cộng đồng.

Những ngày cùng Chủ tịch UBND xã Vũ Ngọc Doanh xuống với dân bản ở Đồng Gianh, Đồng Tiến; những lần trao đổi ý kiến với Phó Chủ tịch Đỗ Ngọc Thành - Trưởng ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân mới hay, những thầy thuốc của trạm y tế làm được hơn rất nhiều những gì tôi biết. Các anh nói như dồn tất công lao cho thầy thuốc của trạm. Nào là, nhờ YS Hiển tham mưu nên xã Quân Khê mới sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo và thực hiện khá hiệu quả Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Nhờ YS Hiển tham mưu cho HĐND, chính quyền nên công tác xã hội hóa y tế không chỉ nâng cao nhận thức mà còn triển khai khá mạnh mẽ, nhất là 3 công trình vệ sinh: xử lý nước - rác thải - phân gia súc. Bởi thế, ngay từ năm 2006, Quân Khê đã là xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế.
 
Nào là, đội ngũ y tế thôn bản có đủ 4/4 khu hành chính, được đào tạo cơ bản theo Chương trình 135, xứng là cánh tay nối dài của trạm y tế xã. Quân Khê hẻo lánh, địa hình phức tạp, cán bộ y tế thôn bản luôn là những người thông tin sớm nhất về bệnh tật tới trạm, về tình hình phát triển dân số. Đồng thời, các thành viên của trạm cũng thường xuyên xuống thôn bản trong phạm vi phụ trách của mình để kiểm tra, chỉ đạo theo sát thực tế nên hàng chục năm nay không hề có dịch bệnh lan truyền. Nhờ coi trọng y tế cộng đồng cho nên người dân ai cũng nằm màn, nhà nhà có nguồn nước sạch sử dụng, có công trình vệ sinh đạt chuẩn...
 
Đêm chủ nhật mới rồi, trước khi vào cuộc cờ thách đấu, tôi bảo Hiển: - Này, ở đất mình, anh giữ vai trưởng trạm y tế suốt 12 năm nay là kiên cường đấy. Xem ra ông cũng say nghề y như say cờ! Nét lạnh lùng hằn lên khuôn mặt Hiển: - Sao lại so sánh như thế. Một đằng là chơi, là giải trí. Đã chơi thì phải say. Thách đấu thì phải mong chiến thắng. Một đằng là thầy thuốc, không say, không tận tâm vì sức khỏe và mạng sống của con người thì làm ngành y sao được.
 
Mà đâu chỉ mình Trưởng trạm, anh biết đấy, bác sĩ đa khoa luân chuyển như Nguyễn Thị Hải, rồi YS Bùi Thị Huệ và những y tá, hộ lý, dược tá của trạm hoàn cảnh riêng có khá giả gì, nhưng luôn hết lòng vì người bệnh, hết mình vì sức khỏe nhân dân. Luôn tôn trọng người bệnh nhưng cũng hết lòng tư vấn cho họ. Chúng tôi thường nhắc nhủ nhau: Phải hành động vì lợi ích của bệnh nhân, chẩn đoán đúng và điều trị tốt. Khi kê đơn phải đúng thuốc, đúng liều, đúng chỉ định cho người bệnh...

Thực ra, tôi muốn thêm lần đo cái tâm của Hiển. Nhưng cái khác ở anh, thậm chí khác hẳn nhiều người, YS Hiển rất ít nói về mình. Tôi quá hiểu, anh sinh ra từ một gia đình nghèo khó, có tới 9 chị em, phải bươn vượt mới nên giàu nên có. Hiển từng trải với nghề y ngay những năm trong quân ngũ, sau rồi được đào tạo bài bản, được huyện cất nhắc... Bởi thế, nghề cần đến anh và anh cần đến nghề như một lẽ đương nhiên. Có lẽ vì thế nên YS Nguyễn Ngọc Hiển mới luôn tâm niệm: Đất quê nghèo - Người bệnh là trên hết!

Quân Khê - Hà Nội, 6/2012

Ký của  Hồng Nghĩa

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]