Người biến Mộc Châu thành đại nông trường 10.000 con bò sữa

Ông Chiến "bò" hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Bò sữa Mộc Châu).

15.5846
Ảnh: Quang Phúc
Mạnh dạn xóa bỏ mô hình chăn nuôi bò tập trung để chia cho các hộ dân; quyết lập quỹ bảo hiểm giá sữa và bò nuôi từ năm 2004... ông Chiến "bò" đã biến Mộc Châu thành đại nông trường với hơn 10.000 con bò sữa.
 
Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Bò sữa Mộc Châu) là một nhà quản lý doanh nghiệp quyết đoán. Các quyết định của ông ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Công ty Bò sữa Mộc Châu không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận dễ dàng. Nhưng, sự táo bạo của ông đã được thực tế chứng minh là đúng đắn.

Đột phá với mô hình nuôi bò theo hộ gia đình

Trên độ cao 1.050 mét so với mực nước biển, với đồng cỏ mênh mông, khí hậu, đất đai thuận lợi, thị trấn Mộc Châu có đủ điều kiện thiên thời, địa lợi cho việc chăn nuôi bò lấy sữa. Từ năm 1959, khi lên thăm trại bò Mộc Châu, Bác Hồ đã nhận ra tiềm năng lớn cho nghề nuôi bò sữa ở đây. Khi ấy, một con bò Mộc Châu chỉ cho lượng sữa trung bình 4 lít/ngày, con cao nhất mới cho 7 lít/ ngày. 

Hơn 50 năm sau, con bò Mộc Châu có năng suất cao nhất (bò đạt danh hiệu Hoa hậu) có khả năng cho tới 75,6 lít sữa trong 1 ngày. Năm 1965, hơn 100 con bò sữa ngoại nhập khẩu được đưa lên Mộc Châu, bắt đầu sứ mạng cải tạo đàn bò bản địa. Trưởng thành từ kỹ sư chăn nuôi, trưởng phòng chăn nuôi và bắt đầu nhậm chức Tổng Giám đốc Công ty Bò sữa Mộc Châu tháng 4/1999, ông Chiến nhận thấy mô hình nuôi bò tập trung không thể mang lại bước phát triển đột phá. Sau khi nghiên cứu, ông cùng ban lãnh đạo Công ty quyết tâm tạo đột phá: triển khai mô hình khoán hộ. Toàn bộ đàn bò của Công ty đã được đưa về nuôi trong các hộ dân.

Nhưng ông Chiến cũng thấm thía cái thế "đầu sóng ngọn gió" của mình, sau quyết định chia bò về các gia đình. Mặc dù mô hình mới được nhiều nông dân ủng hộ, song ông cũng bị không ít người phản đối. Lúc đó, thậm chí còn có ý kiến quy chụp ông và cộng sự là "phá hoại chủ nghĩa xã hội".

"Cũng có lúc tôi thấy… hơi run vì không biết kiểu khoán hộ mình áp dụng cho công ty đúng hay sai? Nhưng sau đó mạnh dạn làm và rút kinh nghiệm vì nghĩ mình làm thực sự bằng cái tâm. Đến nay Bò sữa Mộc Châu đã có đàn bò gần 10.000 con, với hơn 500 hộ chăn nuôi", ông Tổng Giám đốc chia sẻ.

Theo ông, hiện quy mô chăn nuôi của các hộ gia đình tăng đều, bình quân mỗi hộ đạt 18 con bò. Muốn tiến nhanh phải phấn đấu tăng lên 25-30 con/hộ dân. Trong đó có 20-30% số hộ nuôi đạt 80 -100 con/hộ. Đồng thời, phải đầu tư xây dựng 2-3 trại giống cao sản, mỗi trại 500 -1.000 con nhằm tăng nhanh đàn bò và sản lượng sữa tươi.

Một dấu ấn khác của Trần Công Chiến là quyết định đầu tư phát triển đàn bò sữa và công nghệ chế biến sữa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trung tâm giống và chuyển giao kỹ thuật được thành lập năm 2011. Với tổng diện tích đất 25 héc ta, trung tâm được trang bị công nghệ chăn nuôi tiên tiến và đến nay đã có 500 con bò, trong đó có 250 con cho gần 2.000 tấn sữa tươi mỗi năm.

Lập quỹ bảo hiểm nông nghiệp

Lên Mộc Châu bây giờ, người dân nói nuôi bò sữa không phải để xóa đói giảm nghèo mà để làm giàu. Họ hiểu nỗ lực của ông Chiến cơ giới hóa quá trình chăn nuôi sản xuất để giải phóng sức lao động của nông dân. Nhờ tầm nhìn của ông, Công ty Giống bò sữa Mộc Châu là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thành lập quỹ bảo hiểm giá sữa và bò nuôi vào năm 2004.

Hiện tại, chủ đàn bò đóng 600 nghìn đồng tiền bảo hiểm cho mỗi con bò, nếu bò không may bị chết sẽ được bồi thường 12 triệu đồng. Bò bị ngã phải thải loại được đền bù 10 triệu đồng, đủ để mua một con bê con thay thế. Tương tự, chính sách bảo hiểm giá sữa với một phần vốn đối ứng của công ty và người dân đóng góp 50 đồng/kg, nếu sữa giảm giá sẽ được trợ giá 60% số tiền. Nhờ động lực từ chủ trương này, người nuôi bò đã có thể toàn tâm toàn ý cho nghề.

Ông Chiến cho biết, ý tưởng lập quỹ bảo hiểm đến với ông khi chứng kiến một lần rủi ro khiến cho một hộ nuôi bò bị chết tới 5 con. Hộ nông dân đó đã không biết phải xoay xở ra sao để có thể gây dựng lại đàn bò của mình. Thông thường, 1 con bò sữa có thể cho tới 8 tấn sữa/năm với mức thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng, nhưng chỉ cần một tai nạn nhỏ như bò đánh nhau, bị trượt ngã… là rắc rối nảy sinh. Khi mới triển khai, ông Chiến và Ban Giám đốc phải luân phiên nhau từng người xuống nói chuyện với từng hộ chăn nuôi để họ hiểu và đồng ý tham gia.

Giống như khi chuyển sang mô hình nuôi bò theo gia đình, việc lập quỹ bảo hiểm nông nghiệp cũng lắm gian truân. Nhiều người nói ra nói vào và "đích bắn" cuối cùng, như thường lệ vẫn là Trần Công Chiến. "Nhưng chúng tôi quyết làm bằng được, cán bộ công ty phải đi đầu thì nông dân mới làm theo. Tất cả cán bộ công nhân viên công ty đều đã tham gia. Ở thời điểm đó, một con bò sinh sản đóng 100 nghìn đồng/năm. Nếu bò chết được đền 1,5 triệu, khi bò hết khả năng sinh sản (bò thải) được hỗ trợ 1,2 triệu".

Một năm sau, tính ưu việt của mô hình bảo hiểm này đã thu hút rất đông nông dân tự nguyện tham gia. Cho đến nay, theo ông Phan Văn Nhán, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, 100% các hộ nuôi bò ở Mộc Châu đều tham gia quỹ. Tổng quỹ bảo hiểm giá sữa và vật nuôi của công ty hiện đã lên tới hơn 15 tỷ đồng và đã chi trả hàng tỷ đồng cho nhiều hộ nuôi bò sữa.
 
Theo Song Thanh
Diễn đàn Doanh nghiệp

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]