Người chiến sĩ áo trắng xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

SKĐS - Hơn chục năm trước - bác sĩ Thân Thiện Hiền (nguyên Trạm trưởng Bệnh xá Quân dân y 799 thuộc Quân khu I, Bộ Quốc phòng) ...

15.6187

Hơn chục năm trước - bác sĩ Thân Thiện Hiền (nguyên Trạm trưởng Bệnh xá Quân dân y 799 thuộc Quân khu I, Bộ Quốc phòng) đã vượt qua những khó khăn, thử thách để đến với vùng đất xa xôi Thượng Hà (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) để cứu nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi lưỡi hái tử thần bằng cả cái tâm và tài, sự quyết đoán và cả lòng dũng cảm...

Từ vượt khó hiện thực hóa ước mơ...

Trong ngày nắng bỏng rát của tháng 6, tôi ngược xe về xứ Kinh Bắc - nơi bác sĩ Thân Thiện Hiền hiện nay đang sinh sống cùng gia đình nhỏ. Khi chưa gặp anh và chỉ nói chuyện qua điện thoại, tôi hình dung bác sĩ (BS) Hiền phải là người vạm vỡ, khỏe mạnh vì anh là BS của quân đội. Nhưng khi tới nhà anh trong con ngõ nhỏ đường Hoàng Quốc Việt (TP.Bắc Ninh), thấy một người đàn ông mặc sắc phục quân y hàm trung tá, được người vợ dìu ra cửa với bước đi chậm chạp, cánh tay phải bất động và rồi khi người đàn ông ấy cất tiếng nói nhẹ nhàng: “Em vào đi, Thân Thiện Hiền đây mà!”, thì khiến tôi sững người, đầy bất ngờ. Thế nhưng, người đứng trước mặt tôi chính là vị BS nguyên Trưởng Bệnh xá Quân dân y 799 ở Thượng Hà năm nào.

Bác sĩ Thân Thiện Hiền.

BS quân y Thân Thiện Hiền sinh năm 1966 tại Bắc Giang, là con út trong gia đình có 3 người con. Hậu duệ đời thứ 20 của thượng thư Thân Nhân Trung. Mẹ mất khi còn bé. Trước lúc mẹ ra đi mãi mãi có căn dặn các con hãy học nghề y để cứu chữa cho mọi người nên anh yêu nghề thầy thuốc từ nhỏ. Bố anh làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, mải mê với công tác phong trào hợp tác. Thân Thiện Hiền cùng anh chị phải đùm bọc nhau để nên người. Tới khi chị gái lớn đi lấy chồng và anh trai vào bộ đội, Thân Thiện Hiền dường như phải tự lập nhiều hơn. “Tôi nhìn thấy các bạn cùng trang lứa sao mà thèm đến thế, vì chúng nó có mẹ mà. Có lúc vì nhớ mẹ quá nên tôi ngồi khóc thầm một mình. Ước gì tôi vẫn còn mẹ” - anh Hiền tâm sự.

Thế rồi Thân Thiện Hiền thi đỗ vào cấp 3 trường huyện. Sau giờ lên lớp, buổi chiều lao động chăm sóc hoa màu, tối đến anh lại thắp đèn dầu học bài, có hôm dầu cạn phải tự nghĩ trong đầu hoặc đốt rơm để có “ánh sáng” học bài. Có những ngày 4 giờ sáng anh đạp xe sang thành phố Bắc Giang đi bán nông sản, rồi quay về trường huyện cho kịp giờ học. Năm 1985, có cán bộ ở Học viện Quân y về trường huyện làm công tác sơ tuyển vào Học viện và Thân Thiện Hiền đã thử sức mình. Chàng thanh niên Thân Thiện Hiền tuổi đôi mươi sau đó khăn gói lên đường đi thi. Và tháng 9/1985, anh nhận được giấy báo trúng tuyển vào Học viện Quân y, chính thức hiện thực hóa ước mơ được làm bác sĩ cứu người từ thuở bé. Sau 6 năm học ròng rã, năm 1991 Thân Thiện Hiền ra trường được điều về Sư đoàn 338, Quân khu I đúng vào thời điểm đơn vị làm nhiệm vụ rà phá bom mìn mở cửa khẩu bản Chắt, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Công việc rà phá bom mìn có một số đồng chí bị thương, với tình thế như vậy, BS. Hiền được cấp trên giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội Phẫu thuật cơ động và anh đã xử trí thành công những trường hợp bị thương do mìn nổ.

Hoàn thành nhiệm vụ, BS. Hiền được điều về Khoa Ngoại bụng Viện Quân y 110 công tác. Với niềm đam mê cháy bỏng trở thành bác sĩ ngoại khoa nên ngày đêm anh ăn, ngủ, nghỉ tại khoa bên người bệnh. Có tháng anh lĩnh trực không nghỉ ngày nào. Với niềm đam mê rèn luyện, thường xuyên học hỏi và nâng cao nghiệp vụ, năm 30 tuổi BS. Hiền đã trở thành phẫu thuật viên chính, đảm nhận ca mổ lớn như: cắt dạ dày, sỏi mật, tắc ruột, cắt tử cung, sỏi thận...

Đến những chiến công

Công tác tại Viện Quân y 110 được khoảng chục năm thì đến 2003, Bệnh xá Quân dân y 799 (Quân khu I) được thành lập, đóng quân tại xã biên giới Thượng Hà, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng. Năm ấy anh nhận quyết định về làm Trạm trưởng Bệnh xá Quân dân y 799. Với trách nhiệm của một người lính mang trên mình sắc phục quân y, anh đã nhận lệnh và lên đường, chia tay người vợ trẻ cùng đứa con thơ mới lên 3 để tới vùng biên viễn thuộc tỉnh Cao Bằng. Khi lên đến Bệnh xá Quân dân y 799, BS. Hiền mới hình dung ra những khó khăn nơi đây. Những chiến sĩ quân y như anh phải tự làm nhà để ở, tự trồng rau để ăn và quan trọng nhất là phải tự làm mọi thứ để cứu sống đồng bào. Và cũng chính từ thời điểm đó, anh trở thành điểm sáng ở vùng biên Thượng Hà bởi anh đã trực tiếp cầm dao, kéo thực hiện nhiều ca phẫu thuật không tưởng đem lại sự sống cho người dân...

Cầm trên tay cuốn “lưu bút chữa bệnh” cẩn thận cất giữ hơn 10 năm nay, BS. Hiền cho biết, khi công tác tại Bệnh xá Quân dân y 799, anh đã thực hiện nhiều ca “không thể tưởng tượng nổi” vì điều kiện thiếu thốn trang thiết bị hoặc người bệnh đã gần như tắt dần sự sống. BS. Hiền nhớ lại ca mổ để đời. Đó là trường hợp của anh Hà Văn Lương, 33 tuổi, người xã Hưng Đạo bị dao đâm vào vùng gan. Khi ấy, BS. Hiền là người của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 799 nhưng phải trực ở Bệnh viện huyện Bảo Lạc vì ở đây không có bác sĩ ngoại khoa. Đây được xem là ca cứu sống thần kỳ, tức là nhân viên y tế thôn bản đã chạy ngược đường rừng 4km để đến nơi có điện thoại gọi về Trung tâm Y tế Bảo Lạc yêu cầu cho xe lên đón, lúc đó là 20 giờ ngày 27/6/2003. Vì đường đi lại khó khăn, 0 giờ bệnh nhân Lương mới về đến nơi cấp cứu. Lúc đó, các y tá định lấy máu xét nghiệm cấp cứu và đo huyết áp nhưng BS. Hiền khảng khái: “Đưa ngay bệnh nhân lên bàn mổ rồi lấy máu xét nghiệm, lấy mạch huyết áp sau. Nếu để bệnh nhân chết rồi thì họ cần gì chúng ta nữa”.

Ngay lập tức, anh Hà Văn Lương được đưa lên bàn mổ, vừa hồi sức chống sốc, vừa lấy máu xét nghiệm, lấy mạch huyết áp. “Khi tôi mở ổ bụng thấy rất nhiều máu, gan có vết rách đang chảy máu. Tôi tiến hành khâu vết thương gan và xử lý theo quy định. Khi ca mổ gần xong thì y tá Biên cũng cầm kết quả xét nghiệm máu đến... Gần 10 ngày sau thì anh Lương đã ăn uống tốt” - BS. Hiền kể lại chi tiết. Đó cũng là ca mổ mà anh nhớ mãi vì trong đời làm bác sĩ của anh chưa thấy có cơ sở y tế nào và càng không thấy một bác sĩ nào dám cầm dao mổ cho bệnh nhân mà lại chưa có bệnh án, bệnh nhân chưa qua xét nghiệm máu. Nhưng ở Bảo Lạc thì việc đó đã xảy ra. BS. Hiền chia sẻ: “Không phải chúng tôi không biết về các nguyên tắc, các quy định rất chặt chẽ của ngành y, thế nhưng tôi luôn nghĩ có một nguyên tắc cao nhất đó là phải cứu sống được bệnh nhân. Đấy cũng là mệnh lệnh cao nhất của mỗi người thầy thuốc. Hoặc không thể vì lý do chưa có bệnh án mà để bệnh nhân thiệt mạng, hoặc giả vì khó khăn về phương tiện y tế, về cơ sở vật chất mà đến nỗi không thể cứu mạng nhân dân”.

Bên cạnh ca mổ “để đời” đó, BS. Hiền còn nhớ như in ngày 19/4/2003, đang trực ở Bệnh viện huyện Bảo Lạc thì thấy một toán người khiêng theo một bệnh nhân rất nguy kịch vào viện. Người nằm trên cáng là ông Hoàng Tròi Phâu, 53 tuổi bị tai nạn giao thông. BS. Hiền thấy tình hình nguy cấp, lập tức thăm khám và xác định bệnh nhân bị sốc do đa chấn thương, viêm phúc mạc muộn, chấn thương sọ não. Tình trạng bệnh nhân không thể chuyển lên tuyến trên được nên BS. Hiền điện về Viện Quân y 110 xin ý kiến chỉ đạo đồng thời bắt tay vào thực hiện ca mổ ngay. Khi BS. Hiền mở ổ bụng của bệnh nhân thì phát hiện đã có đầy mủ, phân lẫn lộn, quai hồi tràng đứt đôi. Đang mổ, bỗng một y tá gây mê hốt hoảng kêu lên: “Anh Hiền ơi, bệnh nhân chết rồi!”. Nghe thế, BS. Hiền cũng thấy nản, định đóng thành bụng và cho chuyển bệnh nhân xuống nhà xác.

“Nhưng đúng lúc đó, bỗng dưng tôi chợt nhớ ra một lần đi mổ cùng GS. Phạm Duy Hiển, Chủ nhiệm Khoa B3, Viện Quân y 108, giáo sư kể cũng gặp một trường hợp tương tự” - BS. Thân Thiện Hiền kể. Nghĩ thế, anh tạm dừng ca mổ, thực hiện động tác bóp tim trong lồng ngực. Anh đưa tay vào cơ hoành trái túm được 1/3 quả tim của bệnh nhân và tiến hành bóp, một lúc sau thấy tim của bệnh nhân bắt đầu động cựa. Kíp mổ thấy thế mừng quá thốt lên: “Sống lại rồi!”. Và BS. Hiền tiếp tục ca mổ. Khi lau rửa bụng, anh phải tập trung toàn bộ nước muối ở phòng mổ đổ vào ổ bụng bệnh nhân. Sau mổ do tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc rất nặng, bệnh nhân không có huyết áp và suy thận, anh liền gọi điện về Viện Quân y 110 hỏi BS. Trung - Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu về cách nâng huyết áp bằng dopamin. Thế là BS. Trung hướng dẫn anh cho 1 ống dopamin vào chai dịch truyền với tốc độ 20 giọt/phút, khi nào huyết áp lên 80mmHg thì giảm 10 giọt/phút. Và điều kỳ diệu đã đến bởi ít lâu sau, bệnh nhân Phâu có huyết áp và trở về mức bình thường. Sau này khi ra viện, bệnh nhân gọi BS. Hiền là bố, mặc dù ông Phâu hơn anh tới 16 tuổi, nhưng vì ông Phâu coi BS. Hiền là người đã sinh ra ông lần thứ hai.

Hoặc ca mổ ngày 26/5/2003 cho chị Hoàng Thị Thú, 22 tuổi. Chị Thú bị viêm ruột thừa vỡ mủ, giải thích thế nào chị và gia đình cũng không đồng ý mổ. Thế là BS. Hiền nói với y tá Vũ tiêm thuốc gây mê cho bệnh nhân, sau đó lấy bút quẹt vào đầu ngón tay trỏ để... điểm chỉ vào “Đơn xin mổ”. Sở dĩ, bệnh nhân Thú không muốn mổ vì tập tục địa phương, đồng bào Mông quan niệm “có vết sẹo trên người thì khi chết không bay về trời được”. Tuy nhiên, nếu BS. Hiền không kịp thời và nhanh nhẹn, mưu trí lẫn dũng cảm để thực hiện mổ cho chị Thú thì có lẽ chị đã “về trời” từ dạo ấy vì bệnh tình khá nặng.

Một trường hợp khác có dấu ấn của BS. Hiền, đó là anh Phạm Hữu Luân lái xe của Tỉnh ủy Cao Bằng làm nhiệm vụ cắm mốc đường biên. Anh Luân bị viêm ruột thừa, vỡ mủ. Khi ấy BS. Hiền đang trên đường công tác, đến gần sông Gâm thì thấy người trên ôtô bước xuống để đi mảng qua sông. Hai chiến sĩ biên phòng dìu người lái xe vẻ mặt nhăn nhó, dáng đi lom khom tay phải ôm bụng. BS. Hiền thấy thế đoán là bệnh trong ổ bụng nên phải chạy tới ngay. BS. Hiền bỏ cuộc họp trước mắt rồi đến Bệnh viện Bảo Lạc mổ cấp cứu cho anh Luân. Khi mổ, xem ổ bụng thì thấy có nhiều mủ ruột thừa viêm đã bị vỡ mủ. Hôm sau trước buổi giao ban, BS. Hiền nghĩ sẽ bị phê bình vì vắng mặt cuộc họp trước đó, song ngược lại, anh được Đoàn trưởng biểu dương vì ca mổ thành công và kịp thời đem lại sự sống cho người dân.

Trường hợp nữa là chàng thanh niên 19 tuổi Tô Văn Đình bị trụy tim mạch, suy hô hấp, vết thương ngực hở do dao đâm. Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng khó thở, người tím tái, trụy tim mạch. Ai cũng nghĩ rằng Tô Văn Đình không cứu được, Giám đốc Bệnh viện Bảo Lạc khi ấy là Nông Ngọc Động xem tình trạng bệnh nhân và nói “còn nước còn tát”, yêu cầu toàn bộ hệ thống trực của bệnh viện tập trung vào cứu chữa. Thế rồi, BS Hiền cùng đồng nghiệp vừa hồi sức tích cực, hỗ trợ hô hấp, xử trí vết thương và cuối cùng bệnh nhân đã được cứu sống.

Bác sĩ Hiền (ngoài cùng bên phải) trong một ca mổ cho bệnh nhân khi còn làTrưởng Bệnh xá Quân dân y 799.

Và truyền nghề, mãi mãi với ngành y

Những năm trước, khi những người chiến sĩ áo trắng như anh  Hiền chưa lên huyện Bảo Lạc, các bệnh nhân phải cấp cứu ngoại khoa như: thai ngôi ngang, ngôi ngược, viêm ruột thừa cấp... coi như không cứu được. Vì lẽ đó, việc bồi dưỡng, đào tạo cho Bảo Lạc có được bác sĩ ngoại khoa là không thể chậm trễ.

Thế là BS. Hiền bắt đầu đi tìm người để “truyền nghề” và anh đã chọn được BS. Lý Văn Chuyên, người gốc Bảo Lạc. BS. Hiền áp dụng phương pháp huấn luyện từ dễ đến khó đối với BS. Chuyên. Đó là những ca phẫu thuật đơn giản như: bướu cổ, các u lành tính và triệt sản... BS. Hiền vừa làm vừa hướng dẫn BS. Chuyên. Đối với những ca khó, BS. Hiền đều yêu cầu BS. Chuyên phải đứng mổ cùng để tiếp nhận cách thức, quy trình làm việc. Bên cạnh đó, anh yêu cầu BS. Chuyên phải thực hành phẫu thuật trên động vật nhiều lần. Sau khoảng nửa năm huấn luyện, BS. Chuyên đã có thể độc lập đứng mổ đối với các ca đơn giản. Về sau BS. Chuyên càng tiến bộ, 1 năm sau (2004) thì bác sĩ Chuyên đã có thể đứng mổ cấp cứu được. Và việc “truyền nghề” đem lại kết quả tốt đẹp như vậy khiến BS. Hiền rất tự hào, bởi anh vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời tạo được nguồn nhân lực có tay nghề tốt để khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc ở Bảo Lạc nói riêng, các vùng lân cận nói chung.

Tháng 6/2004, BS. Hiền được trở về Viện Quân y 110 sau 2 năm gắn bó ở Thượng Hà, Bảo Lạc. Anh đã cùng các đồng nghiệp ở Bảo Lạc phẫu thuật cho gần 200 người bảo đảm an toàn tuyệt đối, cùng với đó đào tạo được bác sĩ chuyên khoa ở nơi xa xôi của Tổ quốc. Vậy mà, sự trở về của anh chưa được ấm nóng thì người vợ qua đời và để lại cho anh 2 đứa con thơ. Rồi anh lại bị tai nạn tưởng rằng không qua khỏi, anh bị cướp đi vĩnh viễn bàn tay cầm dao mổ và được nghỉ hưu từ năm 2011.

Bài và ảnh: Phạm Hoa Quỳnh

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]