Người đàn bà hơn 20 năm làm nghề đập tivi để nuôi con bị bệnh

Ở tuổi 75, ngày ngày bà Thủy vẫn dùng sức đập hàng chục ti vi để kiếm tiền từ linh kiện trong thiết bị này. Suốt 20 năm qua, nghề này đã nuôi sống gia đình bà, có tiền mua thuốc cho chồng, con.

15.5822

Đoạn ngã tư Vĩnh Viễn- Lý Thường Kiệt (Quận 10- TP HCM) có một xóm chuyên nghề… đập tivi. Gọi là xóm mà cũng chỉ vài ba gia đình, nhưng nhờ nghề mà họ đã bám trụ mưu sinh  được với thành phố đắt đỏ này vài chục năm trời... Trong đó, có thâm niên nhất trong nghề này là gia đình của bà Cao Thị Thủy (74 tuổi, quê Tiền Giang).


Bà Thủy, có gần 20 năm thâm niên trong cái nghề mà người ta hay gọi vui là đập phá ti vi. Bà không thể nhớ suốt hai thập kỉ qua, bà cùng các con đã đập bao nhiều ti vi. Chỉ biết, nghề này giúp gia đình ba sinh sống được ở mảnh đất Sài Gòn.


Việc đập ti vi để tách riêng từng linh kiện bán lẻ là nghề của những dân lao động nhập cư nghèo. Bà Thủy cũng vậy. Từ miền Tây lên Sài Gòn, bà làm đủ nghề mưu sinh rồi gắn bó với đập ti vi.


Trước đó gia đình bà làm nghề buôn bán tạp hóa nhưng rồi thua lỗ, hai vợ chồng và các con cái bỏ quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Bà từng mở tiệm bán ti vi rồi lại sang bán cơm đều không thành công. Cuối cùng, khi hết vốn bà tìm đến với công việc thu mua ti vi cũ, hỏng, tách rời từng bộ phận ra bán.


Bà chia sẻ: "Nghề này còn phụ thuộc vào sự "hên xui". Vì người bán không chấp nhận việc kiểm tra máy bên trong nên người mua phải quyết định theo  sự phán đoán của mình, nếu may mắn mua đúng chiếc tivi còn tận dụng được gần hết các linh kiện thì lời nhiều".


Nói về... đập phá tivi, phải gọi bà Thủy là "chuyên gia". Từ các đời tivi lạ lẫm đến mới toanh, từ cái bo mạch nhỏ xíu, cũ kỹ đến những bộ loa, khung hình to đùng, gỡ ra thế nào, lắp ráp ra sao... không chi tiết nào bà không biết. "Cái khó là người mua phải nhớ từng đời của ti vi, hãng sản xuất, cấu trúc bo mạch, loại bóng đèn, nếu không mua về gỡ ra không có nhiều đồng, sắt hay các linh kiện còn dùng được thì coi như lỗ", bà Thủy nói.


Với nghề này, mỗi ngày bà thu nhập được hơn 100 ngàn đồng. Các linh kiện được bán cho những người mở tiệm sửa điện tử. "Mỗi chiếc ti vi dòng CRT bà mua từ 100.000 - 200.000 đồng. Bà cho biết, giá trị nhất là vỏ ti vi, mỗi vỏ bà thu mua khoảng 100.000 đồng. Tổng cộng cả chiếc khi bán được thì lời lãi từ 10.000 - 15.000 đồng.


Bà có 9 người con, hầu hết đều đã lập gia đình. Các con của bà cũng làm nghề thu mua, sửa chữa điện tử. Trong ảnh là anh cả Huỳnh Phương Vũ (con trai cả) thường xuyên ra phụ bà kiểm tra ti vi cũ xem còn sử dụng được hay không.


Bà ở với chồng, con trai cả, hai người con thứ. "Lẽ ra cũng đủ ăn và không quá khó khăn nếu như cả ba người trong gia đình không bị bệnh về thần kinh", bà Thủy nói. Bà có người con trai là Huỳnh Phương Tâm, chẳng may bị bệnh thần kinh. Nhưng cũng từ việc đó, đưa bà đến nghề này. 


 Đó là khi người cháu gợi ý cho bà buôn bán tivi cũ. Thế nhưng sau một thời gian bà không còn vốn làm nữa. Sau đó, bà cho hai người con trai đi học tại một trường nghề để hiểu thêm về máy móc. Thế nhưng khi chưa học đến đâu, hai người con của bà là anh Huỳnh Phương Tâm (SN 1980) và người con út đột nhiên phát bệnh tâm thần rồi bỏ ngang. Thấy cuộc sống gia đình bà khó khăn, những người bạn của anh Tâm chỉ bà cách tháo lắp tivi, chỉ bà cách nhận biết những thiết bị còn sử dụng được. Từ đó bà "mở tiệm" thu mua tivi cũ để bán linh kiện.


Ngoài gia đình bà Thủy, một vài người khác trong khu vực cũng theo nghề này, hầu hết là chị em phụ nữ.


Những người này cũng chính là khách của bà Thủy. Họ chuyên thu mua bóng đèn ti vi mà bà bỏ đi. Mỗi chiếc được bán giá từ 3.000 - 5.000 đồng/bóng tùy loại.


Thông thường họ mua về đập ra để lấy sắt vụn. Người phụ nữ này cho biết, mỗi ngày chị đập khoảng 20 - 30 bóng. 


Trung bình mỗi ngày chị thu nhập khoảng 100.000 đồng nhưng nhiều lúc không có bóng đèn để mua mà đập.


Ở khu này gần “đại bản doanh” của khu điện tử chợ trời Nhật Tảo, gần Trường ĐH Bách khoa với nhiều sinh viên học điện tử nên hình thành nghề đập tivi, bán linh kiện trong tivi cũ cho các cửa hàng chuyên “xào, nấu” tivi hoặc bán cho sinh viên mua linh kiện về nghiên cứu, học tập, sửa chữa.


Tuy nhiên, số khách hàng ghé mua linh kiện của bà Thủy cũng giảm dần. Bà nhớ lại, cách đây khoảng 5 năm, khi tivi LCD đang thịnh hành thì những tivi đời cũ “được” người dân thải ra nên có nhiều mà mua bán.  “Cái nào không xài được nữa thì mình đập, cái nào xài được thì mình bán lại cho người lao động nghèo, sinh viên,… Đồ bỏ đi nhưng vẫn có ích cho nhiều người”. Những năm đó có thể được xem là giai đoan “cực thịnh” của nghề. Con bây giờ thi ti vi cũng ít, mà người mua cũng không nhiều.


Mong ước của bà Thủy đơn giản là mong có người bán tivi cho bà... đập. Vì ở nhà, người chồng đang bệnh, già yếu, và hai người con đang cần tiền để  thuốc thang điều trị.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]