Người đàn bà tần tảo nuôi chồng bệnh, con tàn tật

GiadinhNet - Từ ngày về làm dâu, biết ông Lân bị bệnh, bà Thiêm phải vừa làm vừa chạy chữa, thuốc thang cho chồng. Khi đã có con, cuộc đời bà vẫn chồng chất nỗi đau bởi con phải ngồi xe lăn khi còn quá trẻ.

15.5958

Bà Thiêm vẫn mỉm cười – dù cuộc sống có khắc nghiệt với mình. Ảnh: Mai Ngọc

Cuộc đời chẳng trải chiếu hoa...

Đến phố Trịnh Nguyễn (Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) hỏi gia đình bà Đỗ Thị Thiêm (SN 1959) và ông Dương Văn Lân (SN 1958) không ai không biết đến hoàn cảnh một người phụ nữ tần tảo, nhiệt tình mà cuộc đời lận đận.

Bà Thiêm kể: “Chuyện lấy chồng của tôi thời trước người ta coi là chuyện thường, nhưng bây giờ thì gần như là bi kịch. Tôi và ông ấy đều ở cùng khu, hơn nhau 1 tuổi nhưng chẳng ai biết ai. Năm đấy mới học đến lớp 8, bố mẹ đã muốn tôi đi lấy chồng do nhà  đông anh em lại nghèo. Thế là đùng một cái thấy nhà gia đình ông Lân đưa trầu cau sang hỏi, tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì nữa. Sau này mới hay, bố mẹ hai bên gia đình chơi với nhau rồi lặng lẽ hứa gả con cái cho nhau. Ban đầu tôi cũng phản ứng dữ dội lắm nhưng rồi vẫn phải về làm dâu. Thời gian đầu chưa quen với cuộc sống mới, gượng ép, gò bó, lại chẳng yêu thương gì nhau nên tôi tiêu cực, bỏ về mấy lần. Sau rồi tôi cũng quen dần”.

Những tưởng cuộc sống gia đình sẽ được yên ấm về sau, nhưng chẳng ai biết trước được điều gì. Bà Thiêm ngậm ngùi nhớ lại: “Cuộc sống nhà chồng với dâu mới thời bấy giờ đâu phải “dễ thở”. Mà còn oái oăm ở chỗ, chồng tôi đâu phải là một thanh niên bình thường. Cưới được một thời gian ngắn, tôi mới phát hiện ông ấy bị bệnh động kinh. Một lần đang ngồi trong phòng tự nhiên thấy ông ấy mắt trợn ngược, sùi bọt mép, chân tay co giật. Khi đấy mới mười mấy tuổi đầu nên tôi sợ lắm, đã nhìn thấy cái cảnh thế này bao giờ đâu. Từ giây phút đấy, tôi biết cuộc đời chẳng trải chiếu hoa cho ai bao giờ, nhất là cái phận mình gái quê nghèo khó”.

Nỗi đau chồng lên bất hạnh

Từ ngày biết ông Lân bị bệnh, bà Thiêm phải vừa làm vừa chạy chữa, thuốc thang cho ông. Mấy chục năm nay tốn kém không sao kể được, chạy chữa không thiếu chỗ nào mà bệnh vẫn chẳng đỡ. “Người ta lấy chồng có chỗ dựa, mình lấy chồng xong để họ dựa vào. Đến nay làm được cuốn sổ về bệnh thần kinh cho ông ấy nên nhờ thuốc nhà nước mà gia đình cũng đỡ đi phần nào”, bà nói.

Nén tiếng thở dài, bà kể tiếp: “Dù chồng bệnh tật nhưng có 3 đứa con cũng an ủi phần nào, vậy mà đến giờ vẫn chưa hết khổ. Thằng út Dương Văn Lai (SN 1984) cũng vất vả y như mẹ. Năm 2004, nó đi đường bị tai nạn giập não, lật mũi. Gia đình tôi điêu đứng vì nó. Dạo đấy đã phải “gói” con vào áo mưa để ở hành lang chuẩn bị đưa về quê thì nó tỉnh lại. Tôi lại chạy tiền lo thẩm mỹ cái mũi cho nó, vậy mà số phận vẫn chẳng tha. Một lần, nó đi lắp cửa cho một gia đình thì bị ngã từ tầng 2 xuống, ngã ngồi giập cơ, dây thần kinh nên phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức, rồi chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai mấy tháng. Từ viện về, Lai phải ngồi xe lăn”.

Một lần nữa bà phải chạy chữa thuốc thang cho con. Nhưng đau đớn nhất với người mẹ như bà là không làm gì được để an ủi tinh thần cho con. Với sức trẻ thanh niên 28 tuổi, bây giờ phải ngồi một chỗ để mẹ chăm sóc nên Lai suy nghĩ rất tiêu cực. “Đã nhiều lần Lai tìm đến cái chết nhưng may số nó chưa chết được. Tôi có một gia đình không bình yên nên chẳng mong muốn một sự mất mát nào nữa. Dù cả đời có phải bươn chải nuôi chồng, nuôi con thì tôi vẫn muốn con tôi sống bình yên, dù có ngồi xe lăn”, bà nói.

Hàng ngày, bà Thiêm bắt xe bus từ Bắc Ninh lên Hà Nội làm giúp việc theo giờ tại các gia đình. Công việc không phải vất vả nhưng đã chiếm phần lớn thời gian trong cuộc đời. Bà lao động từ nhiều năm nay để lấy tiền trang trải cuộc sống, nuôi chồng bệnh, nuôi con tàn tật.
 
Mai Ngọc
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]