Người Đức cũng thích châm cứu

Người Đức không muốn nuốt thêm hóa chất nữa và đi tìm các phương thức chữa bệnh khác, trong đó có châm cứu.

15.6028

Vì công việc, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều bệnh nhân người Đức. Thấy tôi da vàng mũi tẹt họ hay hỏi: ”Anh có biết châm cứu không?”. Đối với họ châm cứu và Đông y là một điều gì đó huyền bí, thần diệu, có thể chữa được nhiều bệnh. Nhận thấy đây là 1 hướng phát triển tiềm năng, tôi đã đầu tư học tập lấy bằng lương y của Đức và mở 1 phòng mạch chuyên về châm cứu.

Cho tới nay công việc phát triển khá tốt. Lý do người dân một nước hiện đại như Đức lại thích Đông y-Châm cứu cũng dễ hiểu.Thứ nhất, các hãng Tân dược luôn tìm cách để tiêu thụ được nhiều thuốc. Bằng sức mạnh đồng tiền, họ đã tác động lên các bộ, ngành liên quan… để ra những điều luật, chính sách có lợi cho họ; dùng các phương tiện truyền thông tác động đến tâm lý người tiêu dùng; dùng tiền hoa hồng để khuyến khích bác sĩ kê toa. Có những cụ già cho tôi xem danh sách thuốc họ phải uống mỗi ngày và tôi đã phát hoảng: 15-20 viên.

Người Đức cũng dần nhận thức được điều đó. Một số người cho biết họ không muốn nuốt thêm hóa chất vào người nữa và đi tìm các phương thức chữa bệnh khác, trong đó có châm cứu.

Thứ hai là những thành công của Đông y-Châm cứu gần đây đã gây được tiếng vang. Từ khoảng 30 năm về trước Giáo sư Nguyễn Tài Thu của Việt Nam đã khiến hàng triệu khán giả truyền hình Tây Âu phải kinh ngạc khi áp dụng châm tê để mổ trong khi bệnh nhân vẫn nói cười tỉnh táo.

Ngày nay nhiều công trình nghiên cứu khoa học Đông y cho thấy châm cứu đặc biệt hữu hiệu trong điều trị đau lưng, đau đầu, liệt mặt, liệt do tai biến mạch máu não, hen suyễn…

Những thành tựu đó đã dẫn đến việc một số hãng bảo hiểm y tế công và các hãng bảo hiểm y tế tư của Đức công nhận tác dụng và đồng ý thanh toán cho việc chữa bệnh bằng châm cứu.

Châm cứu Việt Nam đã có uy tín lớn ở Mexicô, Hungary, Nga, Pháp… Tuy nhiên, ở Đức, Châm cứu Việt Nam chỉ mới đi những bước khởi đầu. Còn nhiều khó khăn thử thách phía trước. Nhưng nó cho thấy triển vọng trong việc hợp tác đào tạo, điều trị, trao đổi cán bộ và phát triển các dịch vụ như du lịch chữa bệnh hoặc nghỉ dưỡng.

(*) Ông Nguyễn Quang Vinh là Tiến sĩ Sinh vật học, hiện giảng dạy tại Học viện Điều dưỡng Hannover.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]