Người dùng smartphone chưa có ý thức bảo mật

15.4563
Các chương trình tivi trực tuyến cũng rình rập mối nguy hại cho người dùng smartphone. Ảnh: N.Đ

Doanh nghiệp bảo mậtchạy đua

Theo nhận định của các chuyên gia tại Ngày An toàn thông tin diễn ra tại Hà Nội hôm 23/11, không giống như 1 –2 năm trước (khi vấn đề “virus trên mobile” vẫn còn là khái niệm “xa xỉ” ngay cả với nhiều người dùng smartphone), thì đến thời điểm hiện nay, giữa lúc các dịch vụ nội dung trên nền tảng mạng 3G ngày càng phát triển mạnh, nhà mạng như MobiFone, Viettel, VinaPhone… không ngừng mở rộng độ phủ sóng thì đã đến lúc câu chuyện đảm bảo an toàn cho smartphone không còn là vấn đề “cảnh báo cho vui”. Nhận định của ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc bộ phận Nghiên cứu của Bkav (Bkav R&D) cho thấy, riêng với dòng điện thoại dùng hệ điều hành Android, trong năm 2011 đã phát hiện tới khoảng 3800 loại virus khác nhau. Tức là, mức độ nguy hại đối với smartphone cũng không hề “thua kém” các thiết bị máy tính.

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo thống kê do công ty Nielsen đưa ra gần đây, số người sử dụng smartphone tại Việt Nam hiện đang chiếm 21% trong tổng số người dùng di động. Dự kiến, chỉ trong 1 năm tới con số này sẽ đạt tới mức 40%. Và như vậy, đây chính là vùng đất tiềm năng cho các nhà cung cấp dịch vụ bảo mật chạy đua cung cấp dịch vụ. Trong năm 2011, thị trường Việt Nam chứng kiến cuộc chạy đua đến từ hàng loạt thương hiệu trong và ngoài nước. Ngoài những tên tuổi “ngoại” như Kaspersky, McAfee, Bitdefender, Norton Antivirus…, thì có thể nhắc tới hai “nội binh” là Bkav và CMC Infosec.

Đừng mơ hồ “cứ cài phần mềm là an toàn”

Trao đổi tại hội nghị, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu của Bkav, ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng nhiều smartphone đời mới hiện nay còn hiện đại tương đương một chiếc máy tính. Thế nên nếu smartphone của nhiều người, nhất là những nhân vật giữ vị trí quan trọng trong các tổ chức, doanh nghiệp nếu rơi vào tầm kiểm soát của hacker sẽ thành “đại hoạ”. Liên quan đến vấn đề này, ông Walter Lee – Giám đốc Điều hành e-Cop Group (Singapore) nhận định hàng ngày hàng giờ người sử dụng smartphone luôn ở trong nguy cơ bị mất an toàn thông tin. Thế nhưng, đa phần cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thực sự chú trọng đến việc cần cài đặt phần mềm bảo mật hay thực hiện các biện pháp tối thiểu để đảm bảo an toàn. Ông Walter Lee cảnh báo đến một vấn đề dù rất… cũ nhưng hiện nhiều người dùng tại Việt Nam vẫn mắc phải đó là có thói quen đặt mật khẩu rất dễ bị lộ theo ngày tháng năm sinh, tên người yêu, tên ca sỹ nổi tiếng…

“Không chỉ mạng xã hội ngày càng trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hacker, mà cả các chương trình tivi, truyền hình trực tuyến hấp dẫn trên Internet như trang web của hãng Sony Picture hiện cũng có thể tiềm ẩn rủi ro, trở thành nơi để hacker lợi dụng tấn công người dùng các thiết bị như iPhone, HTC, iPad…”, ông Lee nhấn mạnh đồng thời lưu ý đến vấn đề chuyện cài đặt phần mềm bảo mật cho smartphone chưa được người dùng Việt Nam chú trọng thực sự.

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 141 ra ngày 25/11/2011.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]