Người "giữ lửa" làng nghề thổ cẩm

Làng Teng (Xã Ba Thành, Ba Tơ, Quảng Ngãi) nằm dưới chân đèo Lâm, bên dòng sông Liên hiền hòa, thơ mộng nơi có di tích Hang Én, nơi những du kích Ba Tơ anh hùng năm xưa đã lập lời thề hy sinh vì Tổ quốc.

15.5622

Từ bao đời nay, những phụ nữ làng Teng với đôi bàn tay khéo léo, miệt mài "giữ lửa" cho nghề dệt thổ cẩm của người Hrê. Và chị Phạm Thị Găm (36 tuổi) là một trong những số ít nghệ nhân thành công trong việc giữ "hồn" nghề dệt thổ cẩm truyền thống này.

Chị Phạm Thị Găm đang miệt mài bên khung dệt.

H. Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 70% dân số là đồng bào dân tộc Hrê. Họ có nét văn hóa vô cùng độc đáo, đậm đà bản sắc như uống rượu cần, lễ hội mừng lúa mới, thờ cúng, nhà mồ, cồng chiêng, âm nhạc dân gian,... Đặc biệt nổi bật nhất là nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hiện nay nơi duy nhất còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm, làm ra những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt là thôn làng Teng. Trong đó nghệ nhân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn làng nghềề là chị Phạm Thị Găm. Từ nhỏ chị đã được mẹ là nghệ nhân Phạm Thị Đú truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. 17 tuổi, chị đã thành thạo nghề, 20 tuổi, đã trở thành nghệ nhân điêu luyện trong làng với những sáng tạo hoa văn sinh động và đẹp mắt.

Nghệ nhân Phạm Thị Đú bảo: "Trong số 4 người con của bà chỉ có Găm là học được và thành thạo nghề dệt thổ cẩm, nay còn giỏi hơn cả mí. Mí già rồi, mắt mờ, tay mỏi có dệt được đâu, may mắn là dạy được nghề cho con, có thể duy trì nghề cha ông để lại mong sao nghề dệt thổ cẩm này còn vươn xa ra khỏi làng Teng để ai nấy đều biết làng nghề này và bảo tồn, gìn giữ nó mãi về sau".

Những năm gần đây, người Hrê bắt đầu quen với kiểu ăn mặc như người miền xuôi nên dần bỏ sắc phục truyền thống. Vậy là nghề dệt thổ cẩm cũng mai một dần, các sản phẩm thổ cẩm chỉ xuất hiện trong các lễ hội, Tết, cúng giỗ..., vì vậy đầu ra của sản phẩm ít, chỉ là sản phẩm du lịch. Vừa qua, được sự hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ bảo tồn nghệ thuật văn hóa dân gian, Huyện đoàn Ba Tơ tổ chức dạy nghề dệt thổ cẩm cho các học viên các xã Ba Ngạc, Ba Điền, Ba Tô,... chị Găm được mời dạy nghề cho bà con.

Ngoài ra chị còn được mời đi dự Hội chợ triển lãm làng nghề truyền thống Việt Nam tại Ninh Thuận, Huế; tham gia giao lưu và giới thiệu thổ cẩm tại làng văn hóa các dân tộc ở Hà Nội. Từ đó sản phẩm thổ cẩm của chị đã được nhiều người, nhiều nơi biết đến và tìm đặt hàng, đặc biệt còn có khách nước ngoài tới tham quan làng nghề và mua hàng. Chị Găm tâm sự: "Đây là cơ hội để đưa thương hiệu dệt thổ cẩm "làng Teng" ra giới thiệu với đồng bào trong và ngoài nước. Đây là niềm vui và tự hào về nghề dệt thổ cẩm làng Teng". Chị Găm cho biết thêm: "Cả làng Teng ai cũng biết và có học nghề dệt thổ cẩm nhưng để trở thành nghệ nhân thành thạo có khoảng 60 người, trong đó đa số là người già. Vì thế cần phải tuyên truyền, khuyến khích người trẻ học nghề dệt để bảo tồn làng nghề truyền thống".

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]