Người lấy cây rừng làm thuốc

Anh lao đi mà quên khoác cái áo ấm lên người. Gió sàn sạt thổi trên mặt chiếu hoa lạnh toát. Mãi sau đồng đội tỉnh, quờ tay sang giường đã thấy vắng đội trưởng. Anh cắt ngang mấy quả đồi, qua cái biển xi măng gắn dòng chữ "Khu vực biên giới".

15.5859

Một buổi sáng thức dậy, bà con dân tộc Mông ở Xuân Nha (Mộc Châu, Sơn La) thấy lòng hụt hẫng như vừa đánh mất những đồng bạc trắng trong tay. Tất cả rủ nhau ra bãi đất bằng phẳng nhìn về phía con đường xiên vào núi ngoặt sang bản Sa Lai giáp đất Mường Lý (huyện Mường Lát - Thanh Hóa). Núi vút vào mây, bóng những người lính Đội công tác 123 Xuân Nha mờ dần trong trùng điệp núi non. Không biết đến bao giờ họ được gặp lại các anh. Mới ngày nào vậy mà đã 6 năm, khoảng thời gian đó đủ để đứa trẻ lớn lên cắp sách tới trường. Và hôm nay đứa bé đó đang nép sát bên mẹ, nó giơ đôi tay nhỏ xíu vẫy vẫy chào các chú bộ đội. 6 năm trước, nó đã ra đời trên tay một người đàn ông làm "bà đỡ". Nó không biết mà chỉ nghe mẹ kể thế. Mẹ bảo: "Nếu không có ông ấy đến kịp thời, chưa chắc mẹ con ta còn sống. Ống ấy là bộ đội đấy". Giờ thì người đó đang đi cùng đoàn quân, đi vào phía trong con đường trước mặt cách bản của nó mấy chục cây số đường rừng. Nó đứng nhìn theo mãi. Bà con cũng nhìn theo mãi. Hết khúc cua rồi mà chẳng ai muốn về. Bộ đội vào bản mới để hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế và khám chữa bệnh cứu người. Bản nó ở có người tự biết chữa bệnh cho mình và cũng tự biết cách phòng chống bệnh tật cho cả gia súc nên bộ đội phải đi vào bản khó khăn hơn. Tối nay về chắc chắn nó phải bắt mẹ kể về người đàn ông đã cứu nó.

Nhớ ngày trước, bộ đội chưa về, Xuân Nha còn lạc hậu lắm. Bà con ốm không có thuốc uống hoặc nếu có cũng rất ít. Nhiều người không có thói quen dùng thuốc, ốm là cúng. Cúng để đuổi con "ma rừng". Dịch tễ thường xảy ra vì ăn ở thiếu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi làm sát nhà. Người ốm không thể đưa tới viện vì đường xá cách trở, kinh tế khó khăn. Đó là đặc trưng chung của các xã biên giới vùng cao trong đó có Xuân Nha. Từ ngày bộ đội về, bản làng no ấm hơn, bệnh tật không còn hoành hành nữa. Bộ đội đã cấp thuốc miễn phí và khám chữa bệnh cho hàng ngàn lượt người dân. Đó là nhiệm vụ và cũng là trách nhiệm. Nhưng thuốc của bộ đội có giới hạn nên không thể đáp ứng được nhu cầu của đồng bào. Có trường hợp tử vong vì thuốc không đủ hoặc do thiếu hiểu biết. Xã Xuân Nha nhiều núi cao, rừng rậm rất nhiều cây thuốc quý. Bà con hiểu thế nhưng không ai biết cách sử dụng, thành ra ốm trên đống thuốc mà đành chịu. Rồi mọi cái thay đổi đột ngột khi trong Đội công tác 123 có người đàn ông rất giỏi về thuốc nam. Anh là thượng tá, đội trưởng Hoàng Văn Chỉ. Chính anh là nhân vật mà tối nay mẹ đứa bé sẽ kể cho con mình nghe chuyện nó ra đời cách đây 6 năm về trước. Nghe bà con kể lại, có lúc tôi tưởng đó là câu chuyện thêu dệt. Nhưng không, tất cả là sự thật, sự thật đã làm nên nhân cách con người đội trưởng. Bà con ở đây vẫn còn nhớ mãi, đó là vào một đêm mùa đông trời lất phất mưa, gió đại ngàn tràn vào thung lũng rít lên từng hồi buốt cóng. Một người đàn ông lạ gấp gáp vào gõ cửa Đội xây dựng cơ sở. Tiếng thở của anh luồn qua khe vách:

- Bộ đội Chỉ ơi, bộ đội Chỉ à, vợ mình sắp đẻ rồi. Nó đau bụng quá, cắn cả vào lưỡi. Dưới chân đầy máu.

- Nhà ở đâu, sao giờ mới nói?

- Bây giờ mới nói được. Thầy cúng bảo không sao, nhưng mình thấy nguy kịch quá. Có kịp cứu không cán bộ Chỉ?

Anh lao đi mà quên khoác cái áo ấm lên người. Gió sàn sạt thổi trên mặt chiếu hoa lạnh toát. Mãi sau đồng đội tỉnh, quờ tay sang giường đã thấy vắng đội trưởng. Anh cắt ngang mấy quả đồi, qua cái biển xi măng gắn dòng chữ "Khu vực biên giới". Phía trước là rừng già chia đôi ranh giới hai nước Việt - Lào và con suối chảy ngầm trong lòng núi, ở đó đang có tiếng kêu, tiếng rên yếu ớt bị tiếng lá rừng lạt sạt át đi. Người phụ nữ quằn quại trong vũng máu, chị ta bị "sản giật". Nếu không có bàn tay anh, chưa hẳn đêm ấy bản Nà Hiềng bà con được nghe tiếng khóc của đứa trẻ con chào đời. Đấy là trường hợp đầu tiên ở Nà Hiềng mà tự tay anh cứu. Nhưng cũng có bệnh nhân ốm nặng, đội phải cử người chở đi bệnh viện huyện. Hôm nay tiễn bộ đội lên đường, chỉ mình mẹ đứa bé ấy cảm nhận được ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết cũng như nghĩa cử cao đẹp của người thầy thuốc. Nó bé quá không hiểu, thấy mẹ buồn thì cũng buồn theo. Mới chiều qua bộ đội còn cùng bà con san sân bóng, anh Chỉ thì đi bản chữa cho một người đàn ông vào rừng lấy củi bị rắn độc cắn. Vậy mà sáng nay các anh đã chia tay mọi người, các anh đi nhanh như cơn gió thoảng.

Biết tin Đội công tác chuyển vào bản Bun Lay và A Lăng của xã Tân Xuân (tách ra từ xã Xuân Nha) nhận nhiệm vụ mới, chị Đinh Thị Vân, người dân tộc Mường về đây làm dâu và bà Giàng Thị Mỷ, người dân tộc Mông cũng ra vẫy chào nhưng không cầm được nước mắt. Cái kiểu người chắc nịch, dáng đi lầm lũi như con thú rừng ấy đã cứu sống không biết bao nhiêu sinh mạng. Các chị là một trong số rất nhiều người được thầy thuốc Hoàng Văn Chỉ chữa bệnh bằng cây thuốc nam. Một câu chuyện khác là với cụ già bị ốm nặng nằm liệt giường. Anh vào tận nơi khám chữa nhưng bệnh nặng quá. Người nhà bảo: "Thầy cúng kỹ lắm rồi, khó mà qua khỏi. Mình mất mấy con gà lại thêm cái đầu lợn nữa đấy". Đội trưởng Hoàng Văn Chỉ biết đó là hủ tục. Anh trực tiếp đến tận nơi xem và bắt mạch, sau đó cắt cho mấy thang thuốc nam uống vài hôm thì khỏi. Điều mà anh băn khoăn, trăn trở nhất là làm thế nào để bà con có nhận thức đúng khi bị ốm đau, không tin vào những lời tuyên truyền nhảm của kẻ xấu. Mỗi lần chữa bệnh, anh đều mời trưởng, phó thôn bản đến để giải thích, hướng dẫn cách nhận biết và điều trị một số bệnh thông thường để bà con về tự truyền thụ cho nhau.

Lần đầu tiên tôi cùng anh Hoàng Văn Chỉ đến Xuân Nha là cuối năm 2007. Chiều miền núi xuống nhanh bất chợt. Mặt trời chưa kịp nhô lên đã bị các dãy núi cao phía Tây đón sẵn. Đường vào xã mới mở, nhiều đoạn đang nổ mìn phá đá dở dang để hạ độ cao từ đỉnh núi xuống thấp hơn khoảng 15 - 20m theo chiều thẳng đứng. Đoạn đường hơn 60km nhưng anh dừng lại nhiều lần và chỉ cho tôi vị trí những lần anh gặp người bị đá lăn, ngã xe gãy chân, ốm dọc đường và được anh cứu chữa. Đi đến đâu anh cũng có người quen. Đối với họ, anh là ân nhân. Anh khoe: "Kể cả nhỡ bữa dọc đường mình cũng không lo đói". Phải, làm sao mà đói được khi anh đã là con của đồng bào. Đến đoạn đường vừa bị mưa sạt xuống cả tảng thì trời tối. Dùng đèn xe máy rọi vào mà thấy rợn người. Đoạn đường ấy giờ đang nằm im dưới vực sâu hàng trăm mét:

- Bám chặt vào, nhìn kỹ đi, nó sẽ liên quan đến câu chuyện tối nay mình kể. Chữa bệnh ấy mà.

Anh trấn an một cách rất khéo như vậy. Tôi thấy lạ, hỏi thêm:

- Tại sao thế, đường có độc à?

- Không, làm gì có độc. Đường nguy hiểm nên nhiều người ngã thôi. Mình cũng ngã đầu đập vào đá rồi đấy. Còn thêm mấy người Mông ở đây nữa.

- Gian nan quá nhỉ! Anh giỏi thế chẳng phải lo đến tính mạng của mình?

 Bộ đội Hoàng Văn Chỉ (ngoài cùng bên trái) cùng y sĩ đơn vị khám chữa bệnh cho bà con ở Tân Xuân.

Tôi nói để động viên anh chắc thêm tay lái. Khuôn mặt thừa bản lĩnh ấy nên tôi cũng khá yên tâm 40km đường còn lại. Song anh vốn là con người cẩn thận, nói như đồng đội là "chu - cụ - tỷ" anh cười: "Nghĩa là chu đáo, cụ thể và tỉ mỉ ấy mà, không thế làm sao sống được ở đây". Anh dừng xe, mở cặp số, bên trong toàn đồ nghề sửa chữa gồm: tuốcnơvít, cờlê, nhựa vá săm, dây vải và các mảnh tre vót nhẵn có độ dài khác nhau để nhỡ gặp người gãy chân, gãy tay bị ngã dọc đường là có cái nẹp luôn. Anh lấy 4 chiếc xích xe đạp, cuốn thành vòng tròn lên hai bánh xe máy. Làm như vậy để đá khỏi "chém" vào lốp, không sợ nổ và tăng độ ma sát bám lên mặt đường những chỗ trơn, lầy. Đó là sự đúc rút kinh nghiệm của bản thân từ năm 2002. Và anh kể:

- Hôm ấy, mình vào bản chữa bệnh cho bà con. Đến đoạn này, gặp một chiếc xe máy chồm lên rồi lao phăm phăm xuống đoạn đường đầy đá hộc. Bỗng nhiên bánh trước bị nổ lốp lao đầu vào đá, xe đổ ngang rồi chèn lên người. Gót chân người lái xe bị đá cắt rách toác, máu chảy lênh láng, đỏ một vũng đất.

- Anh và người trai Mông đó ngủ lại rừng đêm ấy?

- Làm sao thế được. Không có ai để nhờ vì phải hàng chục km mới có một nhà dân. Mà cũng thật may là mình biết thuốc nam nên vào rừng tìm nó, ngắt một ít đắp lên. Vết cắt sâu đến tận xương, nhìn trắng nõn. Sợ quá nhưng không ghê vì ngày còn ở quê mình đã chữa cho nhiều người như thế rồi. Hơn tháng sau thì anh này đi lại bình thường.

- Chắc là gia đình họ phải mổ lợn và biếu anh một cái đầu?

- Không. Một con gà sống thiến sứt.

- Hậu hĩnh quá nhỉ? - Tôi hóm hỉnh như vậy.

- Nhưng mình không lấy mà chỉ xin một cái lông đuôi rồi nói: "Coi như bộ đội nhận cái hồn con gà rồi nhé". Người đàn ông ấy cười: Bộ đội tốt thật... tốt thật... tốt thật, ầy, đúng là Bộ đội Cụ Hồ thật rồi.

- Thế còn chỗ nào nguy hiểm thế nữa không?

- Đường vào bản Sa Lai, Bun Lay hay A Lăng cũng đều giống nhau hết. Nghĩa là nó chạy tròn hết từng chỏm núi thì "cắm" xuống chân, đoạn nào hiểm trở, dựng đứng thì "đâm" thẳng vào triền đá bám sát mép núi nhô ra. Đứng từ xa quan sát, đường loằn ngoằn như sợi chỉ đỏ thêu vội trên chiếc khăn piêu. Con ngựa thồ hàng cũng phải đứng lại hí lên mấy tiếng rồi mới đủ can đảm đi qua.

- Ngoài hôm ngã xe, còn lần nào để lại trong anh những kỷ niệm đáng nhớ nơi vùng cao này không?

- Nhiều, rất nhiều. Khó nhất là đoạn tiếp giáp với xã Vân Hồ. Từ đó vào chưa đầy trăm cây số nhưng nếu mùa khô đi xe máy giỏi như người Mông cũng phải hết ngày sang đêm. Còn nếu mùa mưa, người trong bản ai cũng tự đem theo vài ba đôi xích xe đạp để cuốn vào lốp, cùng với nó là một bộ đồ nghề sửa xe, nếu không chắc chắn đêm phải ngủ lại rừng. Nhiều đoạn bùn ngập nửa bánh xe, đến mùa hanh nó khô lại thành bột. Đã có nhiều người bị ngã, trượt dốc gãy cả chân. Gần đây nhất, năm 2005 có đôi trai gái đèo nhau từ huyện vào bản Bun Lay, lúc qua địa phận Xuân Nha, cả người và xe đều rơi xuống vực, cô gái chết ngay tại chỗ, chàng trai bị chấn thương sọ não phải về bệnh viện Trung ương điều trị mấy tháng đến giờ vẫn ngơ ngơ. Rất may hôm ấy mình có mang theo bài thuốc "cầm máu" nên vẫn kịp đưa người con trai ra bệnh viện huyện sơ cứu bước đầu. Người ốm nặng, đưa ra bệnh viện huyện chắc không kịp.

- Đó là đoạn sợ nhất - Tôi hỏi anh như vậy.

Anh còn nói với tôi:

- Vùng cao có hai nguyên nhân con người dễ phải nhập viện. Thứ nhất là sự thiếu hiểu biết và hủ tục lạc hậu. Người ốm không chịu uống thuốc mà mời thầy về cúng. Thứ hai là nhiều hiểm nguy luôn rình rập như đá lăn đè người, rừng thiêng nước độc nhiều rắn rết, cán bộ y tế thôn bản còn quá thiếu, nhiều xã mới thành lập chưa có trạm y tế...

Anh là Hoàng Văn Chỉ, người Dao quê gốc Tuyên Quang. Nơi anh sống là một bản vùng cao. Người Dao có rất nhiều cái giỏi trong nghề thuốc, tiêu biểu nhất phải kể đến bài thuốc tắm lá gia truyền đã được Nhà nước cấp giấy phép hoạt động. Khách du lịch nước ngoài thường tìm đến Sa Pa (Lào Cai) hay Yên Sơn (Tuyên Quang) để ngâm mình trong nồi nước tắm gồm hàng trăm loại lá cây rừng khác nhau. Chúng có tác dụng rất tốt và cùng lúc chữa được nhiều bệnh. Nghề thuốc gia truyền của gia đình anh đã tồn tại hàng trăm năm. Khi còn nhỏ, anh thường theo ông vào rừng tìm thuốc, niềm đam mê và lòng đức độ đã giúp anh trở thành một lương y giỏi. Anh nhớ, ngày mới nhập ngũ, đơn vị đóng quân trong rừng sâu, anh đã chữa giúp đồng đội và bà con thôn bản khỏi cơn sốt rét rừng và nhiều bệnh khác bằng cây thuốc nam. Ngoài những bài thuốc gia truyền, anh còn đọc và nghiên cứu các tài liệu về cây thuốc quý. Vốn kiến thức ấy đã giúp anh có thể sơ cứu và chữa được một số bệnh. Từ khi vào Xuân Nha năm 2002, trên cương vị đội trưởng, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, anh cùng đơn vị chữa cho hàng chục người qua cơn nguy kịch. Không kể đêm mưa giá rét hay ngày nắng cháy vai, nơi nào có người ốm, người bệnh là anh có mặt. Anh đến bằng lương tâm, trách nhiệm và lòng yêu nghề. Đôi chân trần ấy đã đạp trên muôn dặm đá núi gập ghềnh, hiểm nguy. Đầu năm 2008, do yêu cầu nhiệm vụ mới nên cả đội chuyển vào xã Tân Xuân. Để vào xã duy nhất chỉ có con đường dân sinh trải đá hộc mới mở. Bà con từng ngày mong được nhìn thấy dấu chân bộ đội. Hiện nay do nguồn kinh phí hạn hẹp nên thuốc cấp cho đồng bào còn ít, vì vậy sử dụng thêm thuốc nam để chữa bệnh là rất cần thiết. Tôi biết một điều rằng: Khi đội đến nơi, ổn định chỗ ở, việc đầu tiên mà thầy thuốc Hoàng Văn Chỉ làm là đi sưu tầm các loại cây thuốc nam về trồng gần doanh trại để phổ biến rộng rãi và hướng dẫn bà con cách sử dụng.

Câu chuyện của chúng tôi cứ chảy tràn vào đêm... 

Bài và ảnh: Hoàng Nghiệp

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]