Người lính già mắc bệnh mọc 'sừng' khắp người

Toàn cơ thể ông, từ đầu cho đến chân, những cục thịt to như khối u nhỏ cứ dày đặc, mọc như sung

15.5767

Tìm mãi không ra bệnh

Đó là tình cảnh của ông Nguyễn Văn Đề, 59 tuổi, thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang (huyện Thanh Miện, Hải Dương). 26 năm nay, cơ thể của ông dày đặc những mụn thịt như khối u. Ban đầu nó chỉ lấm tấm trên da thịt, dần dà thì to, mọng như chỉ chực vỡ ra.

Vén áo cho chúng tôi xem, toàn cơ thể ông, từ đầu cho đến chân, những cục thịt to như khối u nhỏ cứ dày đặc. Chỗ to nhất thì những cục thịt này bằng đầu ngón chân cái, còn lại thì như đầu ngón tay. Liếc nhìn toàn bộ phần lưng của ông Đề, chắc hẳn ai cũng không khỏi giật mình, những khối u thịt tròn san sát chẳng khác nào những quả sung to nhỏ. Những khối u thịt đó lớn dần theo thời gian. Người lính già luôn nơm nớp lo sợ khi khối thịt này vỡ ra hoặc che kín gương mặt.

Những khối u thịt mọc như sung trên cơ thể ông Đề

Hằng ngày, cơ thể ông dấm dứt như có ngàn con kiến đốt lên da. Hễ trái gió trở trời thì toàn thân đau nhức, đầu đau như búa bổ. Khi nào không thể chịu đựng nổi thì hai vợ chồng lại dắt díu nhau đi viện. Từ khi thấy cơ thể có sự khác lạ, ông đã đi khám vài nơi nhưng đều không có kết quả. Cả gia đình có năm sào ruộng, chẳng có nghề phụ, để đối chọi với căn bệnh lạ của ông Đề là cả một nỗi éo le. Suốt cuộc trò chuyện, bà Vũ Thị Vui (55 tuổi, vợ ông) cứ thở dài: "Làm được cái gì bây giờ nữa đâu, ốm đau suốt. Mỗi năm đi vài lần, có đợt đi vài ba tháng mới về…".

Nỗi đau gần 30 năm

Gần 30 năm qua, người lính già vẫn đau đáu về căn bệnh lạ của bản thân. Thời chiến, ông xông pha trận mạc chẳng sợ gian khổ. Thế mà, ở thời bình, ngoại trừ nỗi đau thể xác thì nỗi đau tinh thần lại làm ông suy sụp...

Tháng 8/1978, ông Đề đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Chiến trường khốc liệt, năm 1979, trong một trận chiến khốc liệt với quân địch, chàng thanh niên lúc ấy mới ngoài 20 tuổi tưởng như không còn cơ hội trở về. Cũng năm đó, ông bị thương vào tay và bị mảnh đạn găm vào mông. Đến năm 1982, ông trở về với thương tật 21%. Thế nhưng, miếng đạn vẫn nằm sâu ở mông của ông mấy chục năm nay. "Tôi đến bệnh viện 108 nhưng người ta không dám mổ. Đi khắp các viện của quân đội cũng vậy. Tôi không dám liều, giờ mới mổ chỉ sợ sẽ bị thọt", ông Nguyễn Văn Đề nói.

Ông Đề cưới vợ năm 1982. Năm 1987, ông bắt đầu phát bệnh lạ, khi đó mới chỉ là các vết lấm tấm nổi trên da. Năm 1996, các vết này bắt đầu to ra, mọng và đùn lên nhiều hơn. Ngặt nỗi, cả ông Đề và bà Vui đều không biết chính xác tên của căn bệnh. Các giấy tờ đi viện của ông, bệnh viện đều giữ lại, có đợt, ông ngỏ ý xin lại số giấy tờ đó để về làm đơn xin hưởng chế độ của người bị chất độc da cam nhưng không được. Bệnh viện chỉ cho ông giấy ra viện. Năm 1980, giấy của bệnh viện 108 chỉ cho biết, bệnh của ông do chiến tranh gây ra.

Bà Vui ngao ngán: "Hơn 20 năm, ông ấy đau ốm, lúc nào trong nhà cũng có thuốc, cứ vay công mượn nợ mà tiêu pha. Có cô con gái cả sinh năm 1989 cưới được một thời gian thì chồng nó bị tai nạn mất, gia đình tôi lại phải lo. Lắm khi, tôi chỉ ước sao ông ấy được như người bình thường, chữa khỏi bệnh lạ. Được cái bệnh này không lây. Đúng là cái số nó vậy, phải chịu thôi cô ạ".

Những khối u thịt mọc như sung trên cơ thể ông Đề

"Có phép màu nào cho tôi không?"

Hết khối u thịt dày đến mảnh đạn còn nằm trong mông, cách đây ba năm, khi đang ngồi vun đống lá khô giúp vợ, máu mũi của ông Đề cứ ộc ra. Gia đình đưa lên khoa Lao, bệnh viện huyện Thanh Miện nằm một tuần về nhà thì ông vẫn cứ ôm đầu đau đớn, người sốt nóng. Sau đó, khi đi lên bệnh viện huyện khám thì người lính già lại nhận thêm hung tin là ông bị cả bệnh ung thư phổi. Khó khăn chồng chất khó khăn. Đã bao nhiêu đêm, ông trằn trọc, ông tự trách mình khi trở thành "của nợ" của vợ và các con. Lẽ ra phải đóng vai trò trụ cột trong nhà thì nay ông chẳng thể động tay chân vào việc gì nặng nhọc.

Trò chuyện hồi lâu, cả hai ông bà đều thở dài. Bà Vui, vợ ông hướng ánh mắt buồn rười rượi ra phía hiên, đoạn lại quay vào buồng hỏi han tình hình đứa cháu mới chào đời. Ông Đề nhấp ngụm nước, bất giác ông ngậm ngùi: "Liệu có phép màu nào cho tôi không? Liệu có cách nào chữa hết những khối u thịt trên cơ thể tôi không? Đôi khi, tôi ước giá như cơ thể mình được bình thường như mọi người".

Hai ông bà ngồi thẫn thờ, nước mắt chỉ chực trào. Bà Vui lại quay ra kể về căn bếp xiêu vẹo chưa có tiền để xây lại. Hễ nhắc đến kinh tế, đến lo toan gia đình, tôi thoáng thấy nét mặt bần thần của người lính già ấy.

Thời gian đầu bị bệnh, ông đi đâu cũng bị người ta xì xào bàn tán. Có người tỏ ra ghê sợ mỗi khi gần ông. Đi ăn cỗ, người ta cũng muốn tránh xa ông, chẳng ai dám ngồi cùng. Vài năm trở lại đây, dân làng đã quen với cơ thể dày đặc mụn thịt, cục u của ông, khi biết bệnh không lây thì không ai ngần ngại mỗi khi phải gần ông nữa.

Chữa bệnh cho mình là một nhẽ, ông Nguyễn Văn Đề còn thấp thỏm lo cho các con, cháu. Một nỗi sợ mơ hồ, bà Vui nói: "Nhà có con gái lớn, nó thỉnh thoảng có một vài mụn ở lưng, da con gái cứ châm hương. Dù nó đi làm trong miền Nam, công ty cho đi khám thì kết luận không bị nhiễm gì nhưng gia đình tôi vẫn lo lắm. Không biết về sau có bị giống bố nó hay không? Còn hai đứa sau nữa…".

Rồi bà Vui còn kể về trường hợp của ba người cũng đi bộ đội năm 1978, cũng ở cùng chiến trường với ông Đề. Khi trở về, những người lính này không vấn đề gì nhưng con cái của họ đều bị dị tật. Thậm chí, có người còn không thể có con.

Bây giờ, bệnh viện huyện giới thiệu đi đâu thì hai ông bà lặn lội đi đấy. Những khi ông Đề đau quá, bà Vui lại tìm đến các thầy trong tỉnh để bốc thêm mớ thuốc giảm đau cho chồng...

Yến Dương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]