Người lớn "thi gan", hơn 600 học sinh có nguy cơ thất học

Lý do là các bậc phụ huynh cho con nghỉ học để phản đối việc sáp nhập trường. Dù lãnh đạo tỉnh đã vào cuộc, nhưng đến nay giữa chính quyền và người dân vẫn chưa có tiếng nói chung. Vì thế cuộc "thi gan" của người lớn đang đẩy hàng trăm em học sinh có nguy cơ thất học.

31.1995

(ĐSPL) - Trong khi cả nước đã bước vào năm học mới được gần hai tháng nay, thì hơn 600 học sinh ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn chưa đi học ở ba cấp: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Phóng to

Lớp học chỉ có một học sinh duy nhất đến học.

Phản đối sáp nhập trường

Năm học mới đã khai giảng được gần hai tháng nay nhưng hơn 600 em học sinh các cấp của xã miền núi Hương Bình, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn chưa được đến trường do phụ huynh phản đối việc sáp nhập trường THCS Hương Bình sang trường THCS Hòa Hải và trường THCS Phúc Đồng. Vì thế các em bị tước mất quyền được đi học của mình và nỗi lo thất học đang hiện hữu trước mắt.

Điều đáng nói, ở hệ mầm non và cấp tiểu học, nhiều phụ huynh thuộc xã Hương Bình cũng cho con nghỉ học để phản đối việc sáp nhập trường THCS. Trong ngày khai giảng đầu năm học vừa qua, trường mầm non Hương Bình chỉ có 26/215 em, trường tiểu học Hương Bình có 20/255 em và chỉ có 30/247 học sinh THCS đến các trường sáp nhập để tham gia buổi tựu trường.

Phóng to

Hàng ngày có rất nhiều người dân kéo đến cổng trường THCS Hương Bình để phản đối.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đề án sáp nhập các trường học là chủ trương chung của toàn tỉnh Hà Tĩnh. Huyện Hương Khê đã triển khai từ 3 năm nay, tới tháng 7/2014 THCS Hương Bình là ngôi trường cuối cùng trong kế hoạch này. Lý do cần sáp nhập là nhà trường chỉ còn 8 lớp học, theo dự đoán đến năm 2020 cũng không thể tăng số lượng học sinh, nếu duy trì sẽ không phù hợp với quy mô trường theo quy hoạch của tỉnh.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Công Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: "Đề án sáp nhập trường THCS Hương Bình là chủ trương của tỉnh. Với việc sáp nhập ấy, 247 học sinh trường THCS Hương Bình sẽ được lựa chọn chuyển sang một trong hai trường THCS Hòa Hải hoặc THCS Phúc Đồng. Tuy nhiên, người dân đang có con em học tập tại ngôi trường này lại không đồng tình với chủ trương trên. Thời gian qua đã có hàng trăm hộ dân không chịu đưa con tới cơ sở mới nhập học. Những em mầm non, tiểu học ở trong xã Hương Bình cũng được cho nghỉ ở nhà để phản đối chủ trương này".

Với yêu cầu giữ lại trường THCS Hương Bình, hơn hai tháng nay, hàng trăm hộ dân xã Hương Bình thay phiên nhau trực cả ngày lẫn đêm tại trường, không cho di dời cơ sở vật chất với mong muốn chính quyền thay đổi quyết định. Mỗi ngày có hàng chục người đứng trước cổng trường để thể hiện việc không đồng tình. Một vị cán bộ xã Hương Bình cho biết, chính quyền đã nhiều lần giải thích, làm công tác tư tưởng, nhưng mọi người vẫn không thay đổi lập trường.

Chị Bạch Thị Quỳnh (38 tuổi) bức xúc nói: "Tôi có ba người con đang học mầm non, cấp I, cấp II trên địa bàn, từ hôm khai giảng tới giờ đành phải để các con ở nhà. Nếu nhập vào trường mới, con tôi phải đi học cách nhà hơn 10km. Muốn kịp tới lớp thì phải dậy từ lúc 5h sáng, sẽ mất nhiều thời gian để đưa đón con, chở con đi học bằng xe máy sẽ rất tốn kém. Ngoài ra, trên đường đến trường phải qua mấy con sông nên về mùa mưa lũ rất nguy hiểm".

Còn một số người dân khác thì cho rằng, trường THCS Hương Bình đã có truyền thống lâu đời, gắn bó với người dân nhiều năm nay, vì thế không nên giải thể. "Trường THCS Hương Bình là ngôi trường có truyền thống gần 100 năm, đang là trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2016. Không ai có ý định chống đối, mà chỉ muốn cho con cái học ở một môi trường tốt, thuận tiện cho việc đi lại. Với lại để con em mình đi học xa là điều không một phụ huynh nào mong muốn", một cựu giáo viên trường THCS Hương Bình chia sẻ.

Mong ước sớm được đến trường

Lý giải về việc chỉ những học sinh THCS phải sáp nhập, nhưng bố mẹ lại đồng loạt cho các em đang học mầm non và tiểu học nghỉ ở nhà thì tất cả phụ huynh đều cho rằng, nếu như con em họ học hết cấp I, rồi cũng phải lên cấp II và khi đó cũng sẽ phải lặn lội quãng đường xa xôi để đến những ngôi trường kia.

Tìm đến xã Hương Bình vào thời điểm này rất dễ bắt gặp hình ảnh các em học sinh ở mọi lứa tuổi: Lớp 1, lớp 2 hay lớp 8, lớp 9 tụm lại chơi đùa. Tại một cánh đồng thuộc xã Hương Bình, đoạn gần đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt gặp hai em Trần Văn Trung (lớp 8) và Võ Văn Nam (lớp 9), dù là ngày thứ 2 đầu tuần nhưng hai cậu bé lại thản nhiên đi chăn bò. Khi được hỏi vì sao đầu tuần mà không tới trường, cả hai em buồn buồn cho biết: "Bố mẹ nói cứ ở nhà để... chờ cả làng". Cũng theo các em, rất nhiều bạn đồng trang lứa cũng chưa được tới lớp dù đồ dùng, sách vở và áo quần đã chuẩn bị từ lâu nhưng vẫn chưa được đi học.

Em Dương Thị Phương Thảo (thôn Bình Thái) lẽ ra đã học lớp 6 nhưng do không còn trường THCS Hương Bình nên em phải ở nhà. "Em rất nhớ trường, nhớ các bạn. Em mong muốn sớm được đến trường để theo học cấp hai. Nếu được đi học tiếp thì em sẽ cố gắng học thật giỏi để đạt ước mơ trở thành bác sỹ cứu chữa cho bệnh nhân nghèo. Em rất muốn đi học nhưng bố mẹ bảo ở nhà, chưa cho đi học vì trường mới xa quá, không đủ sức mà đạp xe đi", em Thảo cho hay.

Cô Phan Thị Anh, Hiệu trưởng trường tiểu học Hương Bình cho biết, gần hai tháng nay, các thầy cô giáo đã cùng nhau đến từng gia đình vận động học sinh đến trường. Nhưng kết quả là vẫn chưa thay đổi được điều gì. "Trường tiểu học Hương Bình không ảnh hưởng gì đến việc sáp nhập, nhưng không hiểu sao phụ huynh lại cấm không cho con em mình đến lớp. Lập luận của phụ huynh về việc con em họ phải đi học xa, mất an toàn nên cho con nghỉ học là sai lầm. Bởi không sớm thì muộn việc sáp nhập trường để tinh giản bộ máy, hạn chế đóng nộp cho học sinh cũng phải thực hiện. Lâu nay các huyện khác trên địa bàn tỉnh đã sáp nhập cả rồi", cô Anh nói.

Trước sự phản đối của người dân, mới đây Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện cũng đã trực tiếp về địa phương chủ trì cuộc đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hương Bình.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh đề nghị bà con, mỗi đảng viên, đoàn viên, hội viên trong toàn xã Hương Bình bằng hành động cụ thể của mình, tiếp tục tuyên truyền, vận động đưa con em đến trường, đừng để con em thất học và cùng chung tay xây dựng Hương Bình ngày càng phát triển. Nhưng thực tế nhiều người dân xã Hương Bình vẫn thở dài lắc đầu, chưa thể đồng tình mà tiếp tục giữ quyết tâm không cho con đi học để phản đối việc sáp nhập trường.

Chính quyền thì cho rằng việc sáp nhập trường là không thể dừng và mong muốn người dân đưa con em tới trường để khỏi thất học, nhưng tình hình chưa có tiến triển, người dân vẫn kiên quyết không đồng tình chủ trương sáp nhập trường của tỉnh đề ra. Đã hơn hai tháng trôi qua, trong khi cuộc "thi gan" giữa người lớn với nhau chưa ngã ngũ thì những đứa trẻ vô tội lại phải "chịu trận". Nếu không sớm tìm ra một "lối thoát" nào mà cứ để kéo dài tình trạng này thì hơn 600 em học sinh trên địa bàn xã Hương Bình sẽ có nguy cơ thất học.

Sáp nhập trường là chủ trương lớn

Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: "Các ý kiến, nguyện vọng của bà con là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, việc sáp nhập trường là chủ trương lớn nhằm khắc phục tình trạng quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế tại các trường, tránh lãng phí trong bố trí các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân, đồng thời tạo điều kiện tập trung đầu tư nguồn nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, còn điểm nào chưa phù hợp, chưa thấu đáo, cấp ủy chính quyền cần phải khắc phục, sửa chữa...".
THIỆN QUYỀN
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]