Người nuôi dưỡng "nhân cách và tài năng"

15.5967

Chiều muộn Hà Nội oi nồng không hẹn trước, tôi tìm gặp Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Tường Vi đúng lúc cô mới ngả lưng dưới ghế sofa sau cả ngày tiếp khách mệt nhoài. Người nghệ sĩ hiếm hoi có tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam nay đã bước sang tuổi thất thập.

Ngôi nhà thênh thang vào – ra chỉ một bóng hình và mênh mang vời vợi tiếng luyện thanh sớm ngày. Ngôi nhà xênh xang tình yêu thương dành cho các em có năng khiếu âm nhạc nhưng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hay bị tổn thương về tâm hồn… Đó là ngôi nhà của NSND Tường Vi, người nghệ sĩ cả đời hiến thân cho sự nghiệp âm nhạc và ươm mầm tài năng trẻ.

Bác dạy "bé" Vi biết yêu thương

Có một kỷ niệm mà NSND Tường Vi luôn khắc sâu trong tim mình. Đó là năm 16 tuổi, Tường Vi tập kết ra Bắc và vào Quân y viện 108. Sau đó, cô về Đoàn Ca múa Quân đội, là một trong những đơn ca chính và thường được Bác Hồ chọn để phục vụ Phủ Chủ tịch mỗi khi tiếp đón các đoàn cao cấp, các nguyên thủ quốc gia các nước.

Bé, Bác thường gọi cô như vậy. Bác là người chăm sóc bé Vi đầy tình thương và giàu lòng nhân ái. Có lần bé Vi vào hát Bác nghe, Bác nhìn bằng ánh mắt rất đỗi thương xót, kéo hai mí mắt bé lên nói “Bé bị thiếu máu rồi, bé đừng hát nữa”. Bé Vi nghe xong xúc động trào hai hàng nước mắt... Điều đó có sức tác động lớn đến tâm hồn “bé” Vi. Bác đã dạy “bé” Vi biết cách yêu thương.

Mặc dù cuộc đời người nghệ sĩ có “giọng ca vàng” đã kênh qua nhiều nỗi đau và mất mát, nhưng cô vẫn tìm được niềm vui sống cho riêng mình - đó chính là các em có hoàn cảnh thiệt thòi, Cũng vì các em thương cô nên xin phép gọi cô là mẹ. Lòng cô đã hạnh phúc biết bao khi đón nhận những tình cảm ấy.

Sống một mình, cô tự nhận có phần thiệt thòi hơn so với nhiều người khi phải tự chăm sóc và tự vượt lên gấp nhiều lần người ta để có thể tồn tại được trong giá trị tinh thần và lòng tự trọng của chính mình.

Tôi hỏi cô tại sao ngày đó còn trẻ mà cô không tìm cho mình một chỗ dựa khác. Cô nói “Tự cô không muốn dựa vào ai. Tự cố gắng cô mới thấy mình tự do nhất và hạnh phúc. Trong đời mình, đã trải bao đắng cay, cô chỉ dựa vào tụi trẻ con thiệt thòi ở Trung tâm Nghệ thuật tình thương vì cô tìm thấy ở các em sự chia sẻ, đồng cảm.”.

Bán chó và nữ trang cho “dự án trái tim

Sáng lập và duy trì hoạt động ba Trung tâm Nghệ thuật Tình thương (dưới sự bảo trợ pháp nhân của Hội chữ thập đỏ Việt Nam) không mệt mỏi gần hai chục năm nay, nhiều người thắc mắc làm sao NSND Tường Vi đủ sức. Cô bảo “tất cả nhờ vào tình yêu thương, khi đã thực lòng yêu thương các em rồi thì khổ mấy tôi cũng chịu được”. Đây cũng là dự án lớn nhất cuộc đời cô, mang tên “dự án trái tim”.

Ba Trung tâm Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam một tay cô điều hành, là nơi đón nhận những số phận bất hạnh, các em bị tổn thương tâm hồn… nhưng có năng khiếu âm nhạc để tạo nguồn giúp các em phát triển.

Những ngày đầu, Trung tâm chỉ là căn nhà hai chục mét vuông của NSND Tường Vi. Nghệ sĩ làm kinh tế cũng nhiều chuyện thú vị. Đầu những năm 1990, cả đoàn văn công rộ lên phong trào nuôi chó Nhật, cô cũng nuôi vài lứa, sau bán đi sắm được hai đàn organ, quần áo, giày dép… cho các em. Đó là kinh phí khởi nguồn của Trung tâm.

Trung tâm tạo nguồn thu thường xuyên bằng chương trình biểu diễn của các đội xung kích về diễn ở tỉnh. Đi đến đâu các em cũng được nhân dân đùm bọc. Mỗi năm NSND Tường Vi chi mấy trăm triệu trả lương cho giáo viên và các em. Việc gì cũng đến tay cô, mưa lớn làm sụt giếng trong Quảng Nam, bão to tốc cả mái nhà trong Đà Nẵng, 3.000 mét hàng rào sụt vỡ… Cô đã phải bán hết nữ trang để chi trả việc sửa sang, sau rồi cũng chưa có điều kiện sắm lại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Trung tâm hai lần đã xúc động viết: “Trung tâm đã là khởi bước của tinh thần nhân văn của người Việt Nam, đào tạo ra những con người có nhân cách và tài năng”.

Tháng 6, tháng Hành động vì trẻ em của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, NSND Tường Vi phải đi lại giữa cái nắng thiêu đốt Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam cho các chương trình “Giọt hồng tặng bé”, “Những trái tim không tật nguyền”.

Hơn 40 năm phục vụ trong quân ngũ, NSND Tường Vi đã mang tiếng hát của mình động viên tinh thần chiến đấu của bao thế hệ chiến sĩ đi qua những năm tháng cam go nhất của đất nước. Cống hiến là vậy nhưng cho đến giờ phút này cô vẫn chưa ra cho mình một album riêng, cô nói rằng còn phải lo cho các em nên chưa có thời gian làm việc gì cho riêng mình. Trong căn nhà thênh thang gió, người nghệ sĩ vẫn sống một mình nhưng chưa khi nào thấy lòng cô đơn./.

Mai Anh (Vietnam+)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]