Người Pháp bảo vệ Đà Lạt như thế nào?

Có thể nói, trong thời kỳ đô hộ Việt Nam, chưa một thành phố nào được người Pháp quan tâm đến việc quy hoạch và phát triển đô thị theo một định hướng có tầm chiến lược như ở Đà Lạt.

15.5845

Chính vì vậy, thành phố này đã có được những kiến trúc độc đáo trong sự đa dạng với những nét hài hòa, gần gủi với thiên nhiên.


 
Biệt thự Pháp cổ tại Đà Lạt 

Đà Lạt dưới bàn tay quy hoạch người Pháp

Với vẻ đẹp hoang sơ, nhưng lại là nơi hội tụ đầy đủ những điều kiện thiết yếu để xây dựng Đà Lạt thành một trung tâm nghỉ dưỡng của Đông Dương, người Pháp luôn nóng lòng biến nơi đây thành một Paris thu nhỏ.

Từ năm 1923 đến năm 1943, ít nhất đã có 4 đồ án lớn về quy hoạch và phát triển Đà Lạt của những kiến trúc sư (KTS) nổi tiếng người Pháp được trình lên toàn quyền Đồng Dương lúc bấy giờ.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, một lần nữa lại tạo điều kiện cho Đà Lạt chuyển mình. Người Pháp không trở về nước mà đổ lên Đà Lạt, thậm chí còn đưa cả gia đình từ bên Pháp sang Đà Lạt định cư.

Quy mô dân số lẫn tốc độ xây dựng không ngừng tăng lên. Nếu như trong năm 1939 chỉ có 50 giấy phép xây dựng được cấp thì năm 1942 con số này đã tăng lên 300. Năm 1941, cả Đà Lạt chỉ có 560 biệt thự thì 4 năm sau con số này đã tăng lên trên 1.000 biệt thự với những kiến trúc khá đa dạng.

Đà Lạt đã trở nên quá chật hẹp không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển, xã hội, toàn bộ những quy hoạch trước đó gần như bị phá vỡ. Trước thực trạng phát triển quá mức không thể kiểm soát được của Đà Lạt, toàn quyền Đông Dương đã vội vã thiết lập ngay đồ án: “Chỉnh trang và phát triển Đà Lat” do KTS  J. Lagisquet chủ trì nhóm nghiên cứu.

Năm 1943, đồ án này được triển khai. Theo đồ án, trung tâm thành phố Đà Lạt được quy hoạch ở phía Nam hồ Xuân Hương. 540ha đất xây dựng với 2.200 lô đất gần với khu trung tâm thành phố được dành cho người Pháp. Riêng đất đai dành cho người Việt được phân lô ở những nơi có đất sản xuất nông nghiệp và tùy theo tính chất nghề nghiệp mà người Pháp cấp giấy phép xây dựng.

Cảnh quan phía hướng về dãy núi Langbiang được người Pháp bảo vệ một cách tuyệt đối. Nhà cửa hầu như không được phép xây cất, hướng này chỉ dành cho việc quy hoạch những địa điểm công cộng như: công viên, sân golf, nơi cắm trại…

Đà Lạt được quy hoạch thành một trung tâm hành chính Trung ương, thành phố nghỉ dưỡng, trung tâm giáo dục, huấn luyện quân sự, nghiên cứu khoa học… Một loạt các công trình lớn được xây dựng như: Lãnh địa Đức Bà, bưu điện, cư xá, chùa Linh Sơn…với nhứng nét kiến trúc độc đáo được xây dựng.

Từ năm 1954 đến 1975, diện tích Đà Lạt tiếp tục được mở rộng, nhiều công trình mới được bổ sung với những kiến trúc ngày càng hiện đại. Tuy nhiên, việc lấn chiếm đất làm nông nghiệp đã diễn ra tràn lan đe dọa đến nguy cơ phá vỡ kiến trúc thành phố.

Đà Lạt trong bàn tay người Việt

Sau năm 1975, nước nhà độc lập, thống nhất. Đà Lạt hoàn toàn “ly khai” với những tư tưởng quy hoạch của người Pháp. Nhiều người lớn tuổi ở Đà Lạt cho biết, để giải quyết nhanh vấn đề lượng thực, rất nhiều khuôn viên hoa cây cảnh trong các biệt thự của người Pháp để lại đã bị nhổ bỏ, thay vào đó là các loại cây lương thực ngắn ngày.

Nhiều công trình kiến trúc bị lãng quên, không được trùng tu nên đã xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, không ít những đồ án nghiên cứu quy hoạch để phát triển Đà Lạt được triển khai.

Theo thống kê, từ năm 1977 đến năm 1991, ít nhất đã có 4 đề án mang tính chất Nhà nước nhằm quy hoạch, phát triển Đà Lạt được trình bày. Các đồ án trên đều tập trung giải vấn đề dân sinh, hướng tới giải quyết vấn đề giảm áp lực đô thị. Quy hoạch Đà Lạt thành một thành phố du lịch nghỉ dưỡng cao cấp mang tính chất khu vực. Tuy nhiên, tất cả những đề án này vẫn chưa có đề án nào được thông qua.

Trước tình trạng lộn xộn trong quy hoạch đô thị những năm vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương mời Viện Thiết kế quy hoạch đô thị Paris cùng một công ty thiết kế quy hoạch uy tín khác của Pháp quy hoạch lại TP Đà Lạt giai đoạn 2020 đến 2050.

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]