Người phụ nữ mắc hai bệnh nan y vẫn phải “chạy sô” mưu sinh và chăm chồng tâm thần

GiadinhNet - Suốt 4 năm qua, bà Nguyễn Thị Gấm (SN 1960), trú tại xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã phải chung sống với căn bệnh suy thận độ 3. Bất hạnh hơn, mới đây bà lại phát hiện mình mắc phải căn bệnh ung thư vú quái ác. Không đầu hàng trước số phận, bà Gấm quyết tâm chiến đấu với bệnh tật, sáng chạy thận, chiều đi xạ trị ung thư. Tuy nhiên, điều người ta thấy khâm phục và cảm thương người phụ nữ này hơn là tình cảm bà dành cho người chồng mắc chứng tâm thần…

0

Bà Gấm chăm ông Châu trong bệnh viện.

 
Chồng phát bệnh vì biết vợ bị ung thư

Nhắc đến bà Gấm, những người hàng xóm cũng phải lắc đầu xót xa. Căn phòng trọ thuê tại “xóm chạy thận”, bà thi thoảng mới về. Phần lớn thời gian, người phụ nữ này phải ở bệnh viện, khi thì chạy thận, khi thì xạ trị ung thư. Trò chuyện với chúng tôi, bà Gấm cho biết đã bị suy thận độ 3 khoảng 4 năm. Suốt thời gian này, bà đã quá quen thuộc với việc tuần 3 lần đến bệnh viện để chạy thận. Bà kể: “Lúc mới đi khám, các bác sĩ bảo: “Có lẽ tôi sẽ phải gắn bó với bệnh viện lâu dài”. Thế nhưng tôi vẫn luôn tin tưởng sẽ được chữa khỏi. Trải qua 4 năm chạy chữa, tôi mới thực sự tin đời mình sẽ phải sống “chung thân” với bệnh viện”. Nói rồi, bà đưa cánh tay đầy những u cục cho tôi xem, đó là những dấu tích của suốt 4 năm điều trị.
Bài thơ cảm động tặng chồng

Là một người sống tình cảm, lại có chút khiếu văn thơ nên khi nghe chồng mình tâm sự, mỗi lần bà đi là một lần ông mong ngóng, chờ đợi, bà Gấm đã làm một bài thơ tặng ông với tên gọi “Đợi em về”:

Mỗi lần về rồi mỗi lần đi
Biết anh suy nghĩ những gì không em
Mong em đi chân cứng đá mềm
Có anh tiếp sức lòng thêm vững vàng
Hết mùa hạ, thu lại sang
Đông tàn, xuân tới, anh vẫn đợi em về.


Từ khi phát hiện bệnh, cuộc sống của bà Gấm bị xáo trộn hoàn toàn, từ thói quen ăn uống cho đến nếp sinh hoạt thường ngày. Với bà Gấm, thích nghi được với việc thường xuyên chạy thận là cả một quá trình đầy khó khăn. Bà cho biết: “Giờ tôi chấp nhận việc sống chung với bệnh viện, với việc chạy thận và cả bệnh ung thư nữa. Năm ngoái, khi phát hiện mình bị ung thư vú, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là cái chết. Chỉ với bệnh thận, tôi đã phải gồng mình lên mới kham nổi. Giờ lại thêm căn bệnh hiểm nghèo này nữa, tôi lấy sức đâu gồng gánh.
 
Tôi lo sợ cho bản thân thì ít mà cho người thân thì nhiều. Tôi biết nếu mình ra đi thì những người ở lại sẽ phải chịu nỗi mất mát lớn như thế nào, đặc biệt là chồng tôi. Ông ấy sống rất tình cảm nhưng lại là người khá yếu đuối. Từ trước đến nay, cuộc sống của ông ấy hoàn toàn phụ thuộc vào tôi. Nếu giờ mất đi điểm tựa thì không biết, ông ấy sẽ như thế nào. Bản thân tôi rất lo lắng, liệu mình còn sống được bao lâu nữa khi mắc cả hai căn bệnh quái ác”.

Khi mới mắc bệnh ung thư, bà Gấm đã giấu nhẹm gia đình. Bà rất sợ người nhà biết sẽ không chịu nổi cú sốc tinh thần này. Tuy nhiên một thời gian sau, nhìn thấy biểu hiện lạ của vợ, ông Châu (chồng bà Gấm – PV) cũng phát hiện ra sự thật. Kể từ đó, ông Châu trở nên trầm tư và không muốn giao tiếp với bất kì ai. Dần dà, những biểu hiện tâm lí bất ổn càng trở nên nặng nề. Có những khi, ông thơ thẩn một mình rồi lại cáu gắt, nổi nóng vô cớ. Lo ngại tình trạng sức khỏe của chồng, bà Gấm giục con cái đưa ông lên Hà Nội khám bệnh. Sau khi khám xong, bác sĩ kết luận: Ông Châu có biểu hiện bước đầu của bệnh thần kinh do phải chịu một cú sốc tinh thần nào đó. Thương chồng bệnh tật nên dù bản thân đang phải chịu sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, bà Gấm vẫn không bao giờ thể hiện ra bên ngoài.
 
Đối với những thành viên trong gia đình, bà luôn là người vợ, người mẹ, người bà tuyệt vời. Từ khi ông Châu bị bệnh, quỹ thời gian của bà Gấm lúc nào cũng thiếu. Sáng sáng, bà đến bệnh viện chạy thận, đến tối thì đi xạ trị ung thư rồi vào chăm sóc cho chồng. Có hôm quá mệt mỏi, bà nằm nhoài trong khu nhà trọ, ngủ thiếp đi. Thế nhưng đặt lưng xuống chưa được bao lâu, bà lại nhớ đến ông. Lo chồng đêm hôm không có người bên cạnh, bà lại cuống cuồng chạy vào bệnh viện.
 
Muốn tự tay chăm sóc chồng
 

Bà Gấm đang nằm trong bệnh viện chạy thận.


Bà Gấm chia sẻ, hai vợ chồng sống với nhau đến nay đã ngót nghét ba chục năm. Trước khi đến với nhau, bà Gấm và ông Châu từng gặp phải sự ngăn cấm của hai gia đình. Tuy nhiên bằng tình yêu chân thành, ông bà đã vượt qua tất cả. Đám cưới sau đó diễn ra trong sự chúc phúc của người thân và bà con chòm xóm. Sau này, mặc dù cuộc sống có không ít khó khăn nhưng vợ chồng bà luôn trân trọng và giữ gìn hạnh phúc. Nhớ lại quãng thời gian đã qua, bà Gấm ngậm ngùi: “Khi mới lấy nhau, vợ chồng tôi phải tự lập từ hai bàn tay trắng. Cả nhà chỉ có một chiếc nồi để nấu cơm. Thời ấy cứ nấu xong một món, tôi lại phải mang đi rửa rồi mới nấu được món tiếp theo. Ngày ngày, hai vợ chồng lăn lộn với đủ thứ nghề, những mong kiếm đủ tiền nuôi đàn con khôn lớn”. Nỗi vất vả đeo bám suốt thời gian dài nhưng bà Gấm chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì quyết định của mình. Nhưng bước sang tuổi xế chiều, khi cuộc sống đỡ vất vả hơn thì cả hai lại phải cùng nhau chiến đấu để vượt qua bệnh tật.

Bà Gấm cho biết: “Để có được ngày hôm nay, vợ chồng tôi đã phải trải qua không ít khó khăn, vất vả. Hơn ai hết, tôi hiểu đây chính là lúc ông ấy cần có vợ bên cạnh động viên, chăm sóc. Tính ông ấy rất hiền. Tuy cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những lúc mâu thuẫn, “bát đũa còn có lúc xô” nhưng mỗi khi ông ấy nóng giận thì tôi lại cư xử nhẹ nhàng. Thế nên suốt mấy chục năm qua, vợ chồng tôi rất ít khi xảy ra cãi vã”.

Trong thời gian 4 năm, có giai đoạn bà Gấm phải nằm viện liên tục cả tuần để chạy thận. Nằm trên giường bệnh, chịu sự hành hạ của những cơn đau nhưng lúc nào bà Gấm cũng nghĩ tới gia đình. Sau một tuần chạy thận, vì sốt ruột, bà lại vội vã về thăm chồng con. Bà bảo: “Tôi mà không về thì chồng con mong ngóng. Dù vất vả đến thế nào, tôi cũng cố gắng về nhà. Về tới cổng, tôi đã thấy chồng bế đứa cháu gái đứng đợi từ bao giờ. Rồi khi vợ đi, chồng tôi cứ bần thần, nét suy tư thể hiện rõ trên khuôn mặt. Đứa cháu gái thì khóc vì muốn bà ở nhà. Khi ấy, tôi đau lòng lắm. Sợ người nhà lo lắng, tôi phải cố gắng vững dạ mà an ủi chồng, con. Chính quãng thời gian đó, tôi hi vọng một phép màu sẽ xảy ra, mong mình sẽ khỏi bệnh và được trở về sống yên bình tại ngôi nhà nhỏ bé này”.

Để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, bà Gấm còn mở thêm quán nước nhỏ trước cổng trường tiểu học Phương Mai. Mặc dù “lịch” làm việc bận rộn như vậy nhưng chưa khi nào bà quên mang cơm trưa vào cho chồng. Cuộc sống cứ thế trôi qua. Nhờ sự chăm sóc ân cần, chu đáo của bà Gấm mà đến nay, bệnh tình của ông Châu đã có nhiều tiến triển tích cực. “Ông ấy đã quen với sự  chăm sóc của tôi. Đôi khi các con muốn giúp đỡ để tôi bớt phần khó nhọc nhưng tôi vẫn muốn tự tay chăm sóc ông ấy cho đến những ngày cuối đời. Bởi các cụ ta thường bảo “con chăm cha không bằng bà chăm ông””, bà Gấm tâm sự.             
 
 
Kim Tiến

Kỳ tới: Cô gái cãi lời cha mẹ quyết “theo” chàng trai phải sống “đời chạy thận”

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]