Người phụ nữ từ chối trị bệnh ung thư để được sinh con

15.5869
ANTĐ - Mang thai tháng thứ 5 thì bất ngờ phát hiện mình bị ung thư vòm họng, bác sĩ khuyên nên bỏ thai để điều trị bệnh trước khi quá muộn. Thế nhưng bỏ qua những lời khuyên, chị đã quyết giữ lại đứa con của mình, cho dù phải từ chối điều trị bệnh, dù phải trải qua tận cùng của sự đau đớn về thể xác, dù cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào. Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Yên (SN 1981, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một minh chứng mãnh liệt nhất cho sự hy sinh, tình mẫu tử cao cả của người phụ nữ Việt Nam.

Hạnh phúc chẳng tày gang

Đến thăm chị, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn vào hoàn cảnh hiện tại. Bản thân chị bị ung thư, sức khỏe yếu lại mù cả hai mắt vì biến chứng nên tất cả cuộc sống gia đình đều phụ thuộc vào chồng chị là anh Lê Văn Hợp làm nghề lái xe taxi. Đồng lương dăm bảy triệu mỗi tháng, phải khó khăn lắm mới chi tiêu được cho việc nuôi cả gia đình cùng người mẹ già đau ốm. Vì khó khăn nên từ ngày sinh con, chị Yên đã phải chuyển về ở nhà bố mẹ đẻ để anh yên tâm đi làm.

Căn nhà cũ lụp xụp cũ kỹ chừng hơn 20m2 là chỗ sinh sống của 10 con người. Tất cả việc chăm sóc con cái đều phụ thuộc vào người chị gái. Vì hỏng mắt nên chị chỉ nhận việc đóng gói thuê, mỗi ngày kiếm thêm vài chục nghìn để phụ vào thu nhập của chồng. Thế nhưng chị Yên vẫn cười, vì với chị được sống, được nghe con líu lo nói cười mỗi ngày, có một người chồng dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất vẫn bản lĩnh, đồng cam cộng khổ với chị đã là đủ.

Hồi trẻ, chị Yên vốn là một cô gái xinh xắn, thanh mảnh. Chị làm công nhân cho một công ty may xuất khẩu. Nhiều chàng trai ngỏ lời tán tỉnh nhưng chị đều lắc đầu. “Bố mẹ tôi sinh được 6 người trong đó có 5 con gái thì 2 chị trên tôi đều không lấy chồng, các chị đều muốn ở vậy để giúp một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Hồi trẻ tôi cũng đi đến các trung tâm nuôi trẻ mồ côi, thấy rất thương các cháu nên tôi cũng xác định không lấy chồng giống như các chị để chăm sóc những đứa trẻ này” - chị Yên kể. Thế nhưng vì nhiều người nói ra nói vào, bố mẹ cũng buồn lòng, nên năm 2013 khi gặp anh Hợp là người tốt bụng, chân thành, chịu thương chịu khó nên chị đã rung động và hai người nên vợ nên chồng.

Một thời gian sau chị Yên mang thai, nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Chị kể: “Lúc mang thai tôi rất hay bị chảy máu cam, đi khám bác sĩ nói bị xoang. Đến khi đã có thai được 5 tháng, một lần đang làm việc ở xưởng may tôi bị chảy máu mũi không sao cầm được máu nên tôi xin nghỉ đến bệnh viện khám. Lần này không như những lần khác, chồng tôi rất lạ, anh buồn, cơm cũng không ăn, hỏi gì cũng không nói, anh gọi điện cho cả gia đình nội ngoại. Khi có kết quả xét nghiệm, anh lặng thinh, mặt biến sắc dù vẫn nói với tôi chỉ là bệnh nhẹ. Rồi tôi cũng linh cảm chuyện không lành, vì nếu bệnh nhẹ sao bố tôi già cả đường sá xa xôi mà vẫn lọ mọ từ quê ra thăm. Gặng hỏi mãi, cuối cùng tôi mới biết mình bị ung thư vòm họng”.


Dù chết cũng không bỏ con

Đó là câu nói mà chị Yên nhắc đi nhắc lại mỗi khi có ai khuyên chị nên bỏ thai để điều trị bệnh. Bác sĩ khuyên rằng với tình trạng bệnh của chị, nếu không điều trị ngay thì có thể chỉ sống được vài tháng chứ đừng nói đến lúc có thể sinh con. Mà không có loại thuốc trị ung thư nào có thể dùng được cho phụ nữ có thai, thế nên muốn điều trị thì chị buộc phải bỏ đứa con của mình.

Họ hàng cũng nhiều người khuyên chị nên bỏ thai để điều trị sớm, nhưng chị đều kiên quyết lắc đầu: “Ngay cả anh Hợp cũng khuyên tôi nên bỏ con để chữa, vì nếu để con không những tôi nguy hiểm mà con sinh ra cũng chịu ảnh hưởng, cũng khổ cả con. Tôi cũng suy nghĩ nhưng vẫn quyết định không bỏ con, tôi nói với anh rằng bố mẹ đã sinh ra em, cho em được sống thì em không có quyền gì tước đi mạng sống của con, dù có chết em cũng không bỏ con. Nếu em có được sống thì liệu có thanh thản được không khi mình con mình phải chết?”.

Thấy thái độ cương quyết của chị, mọi người không ai khuyên bỏ thai nữa mà động viên chị phải lạc quan để giữ sức khỏe sinh con. Bệnh viện thì không có phác đồ điều trị cho bệnh nhân mang thai nên chỉ kê thuốc giảm đau để uống 4 giờ một lần. Về nhà, một thời gian những cơn đau bắt đầu hành hạ chị. Khối u lan rộng, chèn vào dây thần kinh khiến một mắt chị mờ dần rồi mù hẳn, mặt tê, răng tê, những cơn đau triền miên khiến chị tưởng như không thể chịu được.

Sợ uống nhiều thuốc ảnh hưởng đến con nên chị cắn răng chịu đựng, không dám uống nhiều giảm đau. Anh Hợp chồng chị thì lặn lội khắp nơi, có khi đi xe máy cả hơn trăm cây số để tìm các loại thuốc đông y cho vợ. Uống thuốc thì đỡ đau, nhưng đi siêu âm thì thai nhi không tăng cân nên chị lại phải ngưng thuốc. Ngưng thuốc thì bệnh lại nặng thêm, lúc này ăn uống với chị là một cực hình, cứ ăn vào lại nôn ra, uống thuốc giảm đau vào lại nôn, nhiều khi máu từ mũi, miệng chị chảy ra không cầm lại được.

Thai được 32 tuần, sức khỏe đã cạn kiệt lại không ăn uống gì được nên chị đi khám và xin bác sĩ mổ lấy con. Nhưng lúc đó thai mới được 1,3kg, bác sĩ nói thai nhỏ quá có mổ cũng khó nuôi được, khuyên chị gắng để đến 36 tuần. Vì không ăn được, nên chị phải truyền nước để có chất dinh dưỡng nuôi con. “Một tháng trước khi sinh, tôi hầu như phải nằm trên giường cả ngày để truyền nước. Mỗi ngày truyền 3 chai, người khỏe truyền 1 tiếng hết một chai nhưng tôi sức khỏe yếu nên 3-4 tiếng mới hết một chai. Nằm cả ngày, đau đớn vật vã, lúc đó người tôi gần như không còn sức sống, nếu không có động lực là con thì chắc tôi cũng đã chết rồi. Mỗi một lần ăn, tôi đều cầu nguyện xin cho mình có nôn thì bớt lại một chút để nuôi con chứ đừng nôn hết. Quả nhiên, những ngày sắp sinh, tôi đỡ nôn hơn, khi 36 tuần đi siêu âm con đã được 2kg”.

Ngày đau đớn nhất, cũng là ngày hạnh phúc nhất

Sinh nở với một người bình thường đã khó khăn, với chị Yên thì đó đúng là một ngày đau đớn nhất, nhưng cũng mang lại cho chị hạnh phúc lớn lao nhất. Chị cười: “Tất cả những người nhìn thấy tôi những ngày trước sinh đều không nghĩ rằng tôi có thể sống đến khi sinh con, chứ đừng nói sống đến bây giờ”. 

36 tuần, chị đi khám thai, bác sĩ xem xét tình trạng của chị thì quyết định mổ còn kịp cứu con và chữa trị cho mẹ. Ngày lên bàn mổ cũng là ngày chị vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng nữa. “Bác sĩ nói vì tôi bị bệnh nên không gây mê được mà chỉ gây tê. Khi tiêm thuốc tê được một nửa thì bên mắt còn lại của tôi cũng tối sầm, tôi không nhìn thấy gì nữa. Một lúc sau tôi nghe thấy tiếng trẻ con khóc rất to, tôi không thể nhìn thấy con nữa nên hỏi bác sĩ xem con mình có khỏe không, được bao nhiêu cân. Bác sĩ nói con khóc to vậy là khỏe rồi. Cháu được 2,1kg. Lúc này người tôi nhẹ đi. Tôi nghĩ nếu có chết bây giờ cũng thanh thản được rồi”.

Sinh con được 3 ngày thì chị phải chuyển sang Bệnh viện Quân y 103 để điều trị ung thư. Chị điều trị ở đây 25 ngày mới được về nhà để gặp con. Lần đầu tiên được ôm con trong lòng, không hạnh phúc nào sánh được. Đó có lẽ là động lực lớn nhất để chị vượt qua bệnh tật, sống được đến ngày hôm nay.

Đến hôm nay, con gái chị Yên, cháu Lê Hoàng Cẩm Tú đã tròn 2 tuổi. Còn chị Yên, đôi mắt đã vĩnh viễn mất đi ánh sáng nhưng với chị còn được sống và có sức khỏe như thế này là điều chị chưa từng dám nghĩ tới, bởi đã có những lúc chị không còn chút sinh khí nào, đến việc há mồm nuốt một miếng cháo cũng không thể. Ấy thế mà nay, sức khỏe chị đã tạm ổn định, chị có thể ăn được và làm được những việc nhẹ nhàng. Chị Yên bảo, chị sống được đến ngày hôm nay, chị biết ơn rất nhiều tình thương, sự giúp đỡ của mọi người. Đó là người chị gái đã từ bỏ cả công việc của mình để ở nhà chăm sóc chị và con.

Là những người đã đóng góp tiền chia sẻ với chị khoản viện phí gần 100 triệu đồng. Là những người dù không quen biết nhưng có khi vượt mấy chục cây số đến cho mẹ con chị tiền và sữa. Là những bạn trẻ thương cảm hoàn cảnh của chị đã đến tận giường bệnh phát cháo, thăm hỏi và tặng quà cho chị… Và một người nữa chị luôn cảm ơn, đó là chồng chị, anh Lê Văn Hợp, dù trải qua nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn ở bên chăm lo, động viên mẹ con chị. 

Và với chị, động lực lớn nhất chắc chắn là con gái: “Người bệnh ung thư quan trọng nhất là tinh thần lạc quan, nếu tôi bỏ con để điều trị, thì có khi mình buồn rầu, suy nghĩ mà chết rồi. Nhưng có con, tôi hạnh phúc và thấy mình khỏe lên rất nhiều. Nhiều người nói câu chuyện của tôi là cổ tích giữa đời thường, nhưng tôi nghĩ đó là bản năng của người phụ nữ. Dù có hy sinh đôi mắt hay hy sinh tính mạng của mình để cứu con thì người phụ nữ nào cũng sẽ làm như vậy”. Chị bảo bệnh tật thì không nói trước được điều gì, có thể hôm nay chị thế này, mai chị đã không còn, nhưng có đứa con là hạnh phúc không gì đánh đổi được.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]