Người thay đổi cách ăn mặc của phụ nữ

Đó là Yves Saint Laurent, nhà tạo mẫu thời trang vĩ đại của nước Pháp. Ông được tổng thống Nicolas Sarkozy ca ngợi: “Yves Saint Laurent đã in đậm dấu thương hiệu của mình lên nửa thế kỷ sáng tạo, trong thời trang tráng lệ cũng như thời trang may sẵn, vì ông ấy tin rằng cái đẹp là một sự xa xỉ cần thiết cho tất cả đàn ông và phụ nữ”

15.6042
Yves Saint Laurent, một huyền thoại lớn trong ngành công nghiệp thời trang cao cấp của thế giới, đã qua đời đêm 1-6 vì chứng ung thư não, hưởng thọ 72 tuổi. Đám tang ông đã được cử hành trọng thể từ 15 giờ 00 đến 16 giờ 30 ngày 5-6 tại nhà thờ Saint Roch trong tiếng nhạc dìu dặt. Vì nhà thờ nhỏ, chỉ có 800 khách được mời đến dự, trong đó có nhiều chính khách quan trọng như Tổng thống Sarkozy và phu nhân, cùng nhiều tên tuổi lớn trong ngành thời trang như Christian Lacroix, Natalie Kyriel, Valentino, Kenzo Takada, Riccardo Tisci (Givenchy)... Trong khi đó, tất cả những cửa hàng Yves Saint Laurent trên thế giới đều đóng cửa từ 15 giờ 30 đến 17 giờ 30 cùng ngày để tưởng niệm người quá cố. Lễ hỏa thiêu đã được tiến hành sau đó và tro cốt được đem về cất giữ trong mộ phần đặt trong vườn thực vật bao quanh biệt thự Majorelle ở thành phố Marakech (Morocco) mà ông và Pierre Bergé - bạn đời của ông - mua năm 1980. Nâng thời trang lên hàng nghệ thuật Yves Henri Donat Amathieu-Saint Laurent - người mà cả thế giới biết đến với cái tên Yves Saint Laurent (YSL) – sinh ngày 1-8-1936 tại thành phố Oran, Algérie. 18 tuổi, ông đến Paris, kinh đô thời trang thế giới, học vẽ tại phòng nghiệp đoàn thời trang cao cấp 3 tháng. Ngay lúc đó, ông đã tin như đinh đóng cột rằng cuộc đời mình sẽ thuộc về thời trang. Năm 1956, ông được nhà may Christian Dior lừng danh nhận làm trợ lý khâu tạo mẫu. Một năm sau, Christian Dior bất ngờ qua đời, YSL thay chủ cầm trịch nhà may Dior, đường Montaigne. Lúc đó, ông mới 21 tuổi nhưng sức sáng tạo đã bắt đầu tỏa sáng. Nhưng ông chỉ trụ được một năm vì phải thi hành nghĩa vụ quân sự. Quân đội không hợp với ông. Đi lính 20 ngày, ông được giải ngũ vì chứng suy nhược thần kinh phải vào bệnh viện tâm thần. Ông lành bệnh trở về Paris thì Dior đã có ông chủ mới. Năm 1961, được tỉ phú Mỹ J. Marck Robinson tài trợ, YSL cùng với Pierre Bergé – một người bạn tri kỷ trong nghề nghiệp lẫn trong tình cảm riêng tư – thành lập “nhà may Yves Saint Laurent”. Bergé giữ vai trò giám đốc tài chính.
Bộ smoking dành cho nữ, một trong những sáng tạo tuyệt nhất của YSL
Năm 1962, YSL trình làng bộ sưu tập thời trang đầu tiên. Bốn năm sau, ông tạo ra bộ smoking phụ nữ đầu tiên trên thế giới. Cũng trong năm 1966, cùng với Yvonne Nepp, ông sáng tạo nên bộ sưu tập âu phục nữ cao cấp may sẵn mang tên Saint Laurent Rive Gauche bán rất chạy nhờ một công thức mang tính cách mạng thời bấy giờ: Các mẫu thời trang của ông được một nhà may công nghiệp bên ngoài thực hiện và bán lẻ trong một chuỗi cửa hàng YSL ở khắp năm châu. Với sáng tạo này, YSL muốn dân chủ hóa thời trang ngay cả khi ông “nâng thời trang lên hàng nghệ thuật” – như lời Tổng thống Sarkozy. Năm 1969, ông mới bắt đầu tạo mẫu thời trang nam. Ngày 7-1-2002, sau 40 năm tung hoành, YSL tuyên bố chia tay thời trang cao cấp ở tuổi 66: “Tôi chọn ngày này để nói lời giã biệt với một nghề mà tôi từng yêu quý rất nhiều”. Thật ra, nhà tạo mẫu tài ba này đã có một số vấn đề về sức khỏe từ thập niên 1980. Ông sống xa bạn bè, không đọc báo, không nghe đài hay xem tivi. Người trao quyền lực cho phụ nữ Theo Bergé, YSL có một cuộc sống hai mặt. Về mặt cộng đồng, ai cũng biết tên ông. Về mặt riêng tư, ít ai biết ông là một người nhút nhát, sống nội tâm, có rất ít bạn bè, hầu như muốn trốn mọi người. YSL không phải là một người hạnh phúc. Ông luôn luôn khắc khoải, không bao giờ bằng lòng với mình. Ông thường nói: “Thời trang là một căn bệnh nan y”. Tóm lại, ông là một người cầu toàn. Tài năng của YSL được các đồng nghiệp Pháp và quốc tế ca ngợi hết lời. Pierre Bergé cho rằng: “Nếu Coco Chanel giải phóng phụ nữ thì Saint Laurent trao quyền lực cho họ. Chanel là biểu tượng của nửa đầu thế kỷ XX còn YSL là biểu tượng của phần còn lại của thế kỷ XX”.

Tom Ford, người thiết kế thời trang YSL từ năm 2000 đến 2004 sau khi YSL bán nhà may của mình cho Tập đoàn Gucci, nhận định: “Yves là nhà tạo mẫu có ảnh hưởng lớn nhất trong ngành thiết kế thời trang thập niên 1960 và 1970. Ông ấy không chỉ có trực giác mạnh mẽ về thời trang mà còn là một nhà kinh doanh lớn”.

HỒNG NGỌC
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]