Người thầy nổi tiếng không bao giờ dạy thêm

(VietQ.vn) – Thầy Đào Thiện Hải là thầy giáo dạy Toán giỏi nổi tiếng của trường Chu Văn An và Hà Nội – Amstecdam. Nhưng không bao giờ dạy thêm...

0

Thầy Đào Thiện Khải là thầy giáo dạy lứa học sinh chuyên toán chúng tôi tại trường cấp III Chu Văn An suốt những năm bao cấp trước 1975, rồi những năm cực kỳ khó khăn sau chiến tranh. Đến những năm "đổi mới", thầy là hiệu trưởng trường Hà Nội - Amsterdam, mãi đến năm 2003 thầy mới về hưu.

Thầy Đào Thiện Khải (trái) và nhà giáo Bùi Việt Hà (người viết SGK Tin học).

Thầy là tấm gương mẫu mực của tất cả chúng tôi, thầy cương quyết không bao giờ dạy thêm. Thầy nói lương tâm người thầy không cho phép làm như vậy. Những năm 1990, giáo viên trường chuyên Hà Nội Amsrerdam có lẽ đi đầu trong việc dạy thêm.

Họ giàu lên nhanh chóng, nhưng thầy của chúng tôi vẫn chỉ 1 chiếc xe đạp và không đi dạy thêm.

Thấy ít nói, thực sự yêu quí học sinh. Thầy có lẽ là người đầu tiên kết nối với các trường học tại Châu Âu và Hoa kỳ để giới thiệu cho học sinh Hà Nội có học bổng tại các trường này.

Tất cả chúng tôi đều coi thầy như người cha của mình và thầy đã có ảnh hướng lớn đến tất cả chúng tôi.

Ví dụ bản thân tôi đã kiên quyết không bao giờ nhận lời đi luyện thi đại học mặc dù có rất nhiều lời mời.

Mong rằng nhân ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, các nhà giáo, các nhà trường và Bộ GD&ĐT hãy một lần nữa tìm mọi cách để làm hạn chế và tiêu diệt tận gốc vấn nạn học thêm, dạy thêm tràn lan như hiện nay. Chừng nào còn vấn nạn này, đất nước chúng ta còn lạc hậu, trì trệ và không có bất cứ dự án đổi mới, cải cách GD nào có thể thành công được.

Nhà giáo Bùi Việt Hà

 

Chất lượng Việt Nam xin giới thiệu đoạn trò chuyện của học sinh trường chuyên Hà Nội – Amstecdam với thầy Đào Thiện Khải:

 

Thầy từng là người thầy, người hiệu trưởng được rất nhiều học sinh yêu quí, thầy có thể nói qua đôi chút về sự nghiệp dạy học của mình được không ạ ?


Thầy ra trường năm 1958, thầy cùng thầy Hoãn trong đoàn giáo viên Chu Văn An sang xây dựng trường Hà Nội - Amsterdam từ năm đầu tiên. Lúc đầu thầy làm hiệu phó, sau thầy Hoãn nghỉ, thầy lên thay. Thầy dạy Toán, từng dạy đội tuyển Toán của trường nhưng sau công việc bận quá nên cũng thôi. Thầy từng dạy Toán bằng tiếng Pháp ở trường Quốc Tế Pháp, bằng tiếng Anh ở trường Liên Hiệp Quốc. Đến năm 2000 thầy nghỉ.


Thầy biết bao nhiêu thứ tiếng ạ ?

Thầy biết tiếng Pháp và tiếng Anh, ngoài ra thầy đọc được tiếng Nga và tiếng Trung. Hồi trước đi dạy cho trẻ em nước ngoài nên tiếng Pháp, Anh được bồi bổ nhiều. Tiếng Nga thì hồi đại học thầy phải học bằng sách Nga, giống như bao nhiêu sinh viên thời đó.


Thầy suy nghĩ thế nào về việc dạy học và việc quản lý ?

Quản lý là một công việc khó, cũng là cả một môn khoa học đòi hỏi người thực hiện phải có trình độ và tâm huyết. Thầy cho rằng mình không có khả năng quản lý tốt, thầy thích hợp với công việc nghiên cứu hơn. Vì vậy thầy cũng chỉ làm hiệu trưởng 4, 5 năm rồi thôi.


Từng có nhiều bài báo viết về thầy, là "người đi săn tìm học bổng", có phải thầy rất khuyến khích việc đi du học ?

Trước đây trường mình có nhận được một vài học bổng do nước ngoài đầu tư, thầy cũng mạnh dạn đưa vào trường mình. Sau đó nhà nước mình mở cửa, học sinh đi du học theo học bổng và tự túc ngày càng nhiều hơn. Đi nước ngoài khiến người ta mở mang, học hỏi được nhiều điều, về tri thức và cả quan niệm sống nữa. Tuy nhiên thầy nghĩ, không chỉ có học sinh nên đi du học mà các thầy cô giáo cũng nên được cử đi học, như vậy sẽ tốt hơn trong công tác dạy và học của nhà trường. 


Nhiều người nói rằng học sinh trường Ams có xu hướng đi nước ngoài sớm, ý kiến của thầy về vấn đề này ra sao ạ ?

Nhìn lại vào những năm 90, nước mình còn nghèo, điều kiện học tập còn nhiều hạn chế, học sinh chúng ta được đi du học là một việc rất tốt. Còn bây giờ, mọi thứ đã khác, thầy cho rằng việc học trong nước cũng là rất tốt. Nếu như các em đi quá sớm, ngoài những khó khăn về tài chính ra, các em còn vấp phải nhiều vấn đề khi một mình phải sống cuộc sống độc lập. Ở nhiều nước, có những trường đặt ra nhiều luật lệ hà khắc, những khác biệt về văn hoá, tôn giáo ... cũng ảnh hưởng đến các em, có những chương trình học không thích hợp với học sinh Việt Nam...


Từng  có chủ đề "nóng" về việc trường Ams ngày càng ít giải Quốc tế, nhiều người cho rằng vì học sinh tập trung đi du học nhiều hơn, thầy nghĩ sao ạ ?

Trường mình là ngôi trường có truyền thống đi thi Quốc tế từ khi mới thành lập, vì thế được Sở, Bộ đặt nhiều niềm tin, nhưng đó cũng là trách nhiệm nặng nề. Tuy vậy, việc đi thi Quốc tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà có lẽ chỉ những người trong ngành mới hiểu được. Học sinh còn phải đi thi đại học, còn có cuộc sống, tương lai riêng, có những em mang tâm lý sợ học lệch, sợ ảnh hưởng đến kì thi đại học, vì vậy việc vào đội tuyển chỉ là khuyến khích chứ không ép buộc. Giải quốc tế đem lại vinh dự cho nước nhà, nhưng trên thế giới có những nước rất ít giải mà nền giáo dục của họ vẫn rất mạnh, rất tốt, ví dụ như Nhật Bản. 

Chương trình học ở mình khá là nặng, thầy nghĩ chỉ nên để những học sinh thực sự có khả năng học chuyên sâu, còn lại với đa số nên dạy cơ bản, học cơ bản. Điều quan trọng là phải nắm bắt được cơ bản, tính toán có thể trên máy móc, cần biết ứng dụng những gì mình học được vào thực tế thế nào. Thầy từng dạy trẻ em nước ngoài, nếu đem chương trình của mình mà dạy cho họ thì phần lớn họ sẽ không học được. Hơn nữa xã hội cần đánh giá con người theo đúng khả năng tự học, năng lực bản thân, không quan trọng bằng cấp. Như vậy thì cho dù học ở đâu, mà nếu thực sự có trình độ năng lực và ý thức rèn luyện thì đều thành người có ích.


Thầy có cho rằng học sinh thời nay không được như xưa ?

Trong đời dạy học thầy đã gặp những học sinh hư, thậm chí cả những học sinh nghiện... Tuy nhiên đó không phải là tất cả. Nhà trường và gia đình cần có trách nhiệm giáo dục học sinh, ý thức và nhân cách của học sinh phản ánh điều đó. Các thầy cô giáo cần biết quan tâm, có sự đối xử công bằng với học sinh. Chính người thầy sẽ để lại rất nhiều ảnh hưởng tới cuộc đời học sinh của trò, nếu mình sống, làm việc thật sự tốt thì sẽ được học sinh yêu quí và noi theo. Có những em học sinh bình thường rất nghịch ngợm, ham chơi, nhưng đó là tuổi trẻ, nếu khiến cho các em nhận thấy niềm vui trong việc học tập, trách nhiệm học tập thì các em sẽ học tốt. 

 Hà Chi 

Thích và chia sẻ bài viết:
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]