Người Việt và những phát minh nổi tiếng thế giới

Phát minh ra máy ATM, công nghệ nano loại bỏ độc khỏi nước hay bộ tiết kiệm xăng cho xe máy…

0

Phát minh ra máy ATM

Ông Đỗ Đức Cường chia sẻ kinh nghiệm quản lý ngân hàng 
trong chương trình Người đương thời

Cha đẻ phát minh ra máy ATM trong hệ thống ngân hàng là người Việt Nam, đó là ông Đỗ Đức Cường. Ông là tác giả của trên 50 phát minh sáng chế, 20 năm làm việc tại ngân hàng Citibank - Mỹ, chuyên viên cao cấp cho ngành ngân hàng Hoa Kỳ. Sau khi trở về Việt Nam năm 2003, ông là cố vấn cao cấp cho ngân hàng Đông Á.

Ông quê ở Quảng Ngãi, là một người hiếu học, trong kỳ kiểm tra của một phái đoàn của Nhật nghiên cứu về trí thông minh người Việt Nam, ông là người có chỉ số thông minh cao nhất. Được cấp học bổng sang Nhật học tại Đại học Osaka, tại đây ông vừa đi học vừa làm thêm cho công ty Toshiba. Sau đó nhờ một phát minh bất ngờ đã đưa ông đến với nước Mỹ.

Ông được mời đến Citibank (Mỹ) làm việc cùng đề nghị: “Dùng kĩ thuật để kiếm cho ngân hàng 1 tỉ khách hàng”. Mục tiêu của ông lúc này là “bình dân hóa dịch vụ ngân hàng” để cô bán cà phê, anh lái xe ôm cũng có thể giao dịch với ngân hàng. Sau đó ông phát minh ra máy ATM, đây chính là bước tiến lớn của nhân loại trong lĩnh vực ngân hàng.

Công nghệ nano loại bỏ độc chất khỏi nước

Thạc sĩ Nguyễn Thành Đồng và kỹ sư Hoàng Diệu Hưng (từ phải sang trái)

Với phát minh dùng công nghệ nano loại bỏ hoàn toàn độc chất arsen ra khỏi nước, đã giúp cho Cộng Hòa Séc cải thiện những địa danh có mặt nước bị nhiễm arsen là vùng Nam Séc, Karlovy Vary, Bắc Séc, và Trung Séc mà nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là bụi than từ các nhà máy nhiệt điện, mỏ than.

Với phát minh này, Thạc sỹ Nguyễn Thành Đồng và kỹ sư Hoàng Diệu Hưng đã giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc thi Giải pháp thông minh cho môi trường do Bộ Môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học Tổng hợp Cộng hoà Séc tổ chức vào ngày 17/3/2011.

CH Séc đã đánh giá rất cao về đề tài này, với phát minh của hai nhà khoa học trẻ và phát minh này có khả năng ứng dụng rộng rãi tại các nước Châu Âu và trên thế giới.

Phát minh ra bộ tiết kiệm xăng cho xe máy

Đặng Hoàng Sơn cùng bộ tiết kiệm xăng xe máy

Đó là một phát minh ra bộ tiết kiệm xăng cho xe máy rất hiệu quả, an toàn của anh Đặng Hoàng Sơn - thành phố Vĩnh Long. Năm 2008 ông Wieger D. Otter, giám sát cao cấp về chất lượng thuộc tổ chức Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng quốc tế – Vương quốc Anh, qua khảo sát người tiêu dùng đã cấp giấy chứng nhận “Nhà cung cấp đáng tin cậy ” cho anh Hoàng Sơn.

Theo đánh giá của người dùng, khi lắp bộ tiết kiệm nhiên liệu này có thể đi được 65-70km mỗi lít xăng, thậm chí gần 80km mà chỉ hao một lít xăng... Trong khi đó, với xe máy bình thường một lít xăng chỉ chạy được 45-50km. Bộ tiết kiệm này giúp giảm được 20 – 30% xăng, nhiên liệu được đốt cháy hoàn toàn, tăng công suất của động cơ và tuổi thọ của xe.

Công nghệ “xe lăn thông minh” điều khiển bằng ý nghĩ

Ông Hùng Nguyễn

Cuối tháng 8 vừa qua, trên website news.com.au cho biết Giáo sư – Tiến sĩ gốc Việt - Hùng Nguyễn (tên thật là Nguyễn Tấn Hùng, định cư, sinh sống ở Castle Hill từ năm 1979), Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật và Công nghệ Thông tin của ĐH Sydney (Australia) và các cộng sự vừa công bố đã chế tạo thành công chiếc xe lăn thông minh.

Chiếc xe lăn được thiết kế có chức năng như một robot có thể di chuyển né tránh chướng ngại vật mà nó nhìn thấy qua hệ thống camera được lắp trên xe. Chiếc xe có thể di chuyển theo mệnh lệnh từ cái lắc đầu, ánh mắt, thậm chí là suy nghĩ của chủ nhân. Ông Hùng và công sự tin rằng phát minh này sẽ tạo ra cuộc cách mạng lớn cho thế giới nhất là trong sinh hoạt của những người bị chứng bại liệt.

Phát minh y tế này đã được tạp chí sáng tạo kinh doanh Australian Anthill xếp thứ 3 trong danh sách "100 phát minh hàng đầu Australia”.

Mô hình lưu lượng dòng chảy, đo lường nước trong sản xuất nông nghiệp

Tiến sĩ Chu Hoàng Long

Tiến sĩ Chu Hoàng Long là đồng tác giả người Việt duy nhất được nhận giải thưởng Eureka 2011. Đây là giải thưởng khoa học uy tín và danh giá nhất Australia được trao cho công trình nghiên cứu “Mô hình lưu lượng dòng chảy đo lường lượng nước có thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp và lượng nước cần dự trữ để bảo vệ môi trường” của TS Long (ĐHQG Australia) và GS GS Michael Stewardson (ĐH Melbourne).

Theo mô hình nghiên cứu này, ngành nông nghiệp có thể đo được lượng nước tối ưu sử dụng cho tưới tiêu và lượng nước tối ưu dành để bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra các dòng chảy có lợi cho môi trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu trong giai đoạn 2001 – 2009 phân bổ ít nước hơn cho tưới tiêu nông nghiệp và nhiều hơn cho môi trường thì có thể tạo ra lợi ích kinh tế từ 500 triệu đến 3 tỷ USD.

Theo chia sẻ của TS Chu Hoàng Long, anh sẽ trở về Việt Nam để tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu, ứng dụng khoa học ở Việt Nam.

Như vậy, một lần nữa tài năng và trí tuệ của người Việt lại được vinh danh trong nền khoa học thế giới. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý Việt Nam, câu hỏi làm thế nào để sử dụng và phát huy nhân tài phục vụ cho quá trình phát triển của đất nước.

Theo SONG AN
Zing/Infonet

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]