Nguy cơ bỏ trốn cao

Do không bị ràng buộc về tài chính, tu nghiệp sinh VN tại Nhật Bản có nguy cơ bỏ trốn cao. Ông Trần Quốc Ninh, Giám đốc Công ty Suleco, đã nhận định như trên sau chuyến làm việc tại Nhật Bản mới đây

15.5977

- Phóng viên: Ông đánh giá ra sao về tình hình việc làm của tu nghiệp sinh (TNS) VN tại Nhật Bản, nhất là đối với những người được đưa đi theo luật mới?

- Ông Trần Quốc Ninh: Luật Quản lý xuất nhập cảnh và Công nhận tị nạn của Nhật Bản có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010. Theo luật này, một số nội dung ở chương trình TNS trước đây (hiện nay là thực tập kỹ năng) được điều chỉnh có lợi hơn cho người lao động (NLĐ), nhất là điều chỉnh về tư cách tu nghiệp: Được công nhận tư cách lao động,  hợp đồng lao động và làm thêm giờ ngay trong năm đầu tiên nên thu nhập tăng lên. Đến nay, Suleco đã đưa được khoảng 150 TNS sang Nhật Bản theo luật mới. Nhìn chung, tình hình việc làm của họ khá tốt, đa số có lương bình quân từ 70.000 – 80.000 yen/tháng trong năm đầu tiên; chưa kể tiền làm thêm giờ (cao hơn so với mức trợ cấp tu nghiệp bình quân 60.000 yen/tháng trước đây).  
 
- Ngoài việc làm, theo ông, có sự khác biệt nào giữa những người  sang Nhật Bản theo luật mới so với trước đây?
 
- Kể từ ngày 1-7-2010, luật mới nghiêm cấm tổ chức phái cử TNS thu tiền bảo lãnh, buộc NLĐ phải nộp tiền thế chấp tài sản hoặc lợi dụng áp dụng các khoản thu bất hợp pháp, thực hiện các hợp đồng có điều khoản tiền phạt đối với NLĐ. Tất cả các doanh nghiệp (DN) phái cử TNS của nước ngoài phải tuân thủ quy định này, nếu không, cơ quan chức năng Nhật Bản thẳng thừng từ chối hồ sơ cấp visa cho NLĐ.
 
Do quy định như thế, các DN phái cử TNS VN không thể ràng buộc về tài chính đối với NLĐ như trước. Điều này dẫn đến sự khác biệt rất lớn về ý thức của NLĐ đi theo chương trình TNS trước đây và hiện tại. Chúng tôi cảm nhận được anh em lao động không còn “nghe” cán bộ quản lý của DN mình như trước.
 

Lao động do Suleco tuyển chọn, đang được huấn luyện tay nghề trước khi sang Nhật Bản. Ảnh: NGuyễn duy

 
- Điều này sẽ dẫn đến hậu quả thế nào?
 
- Thời gian gần đây, tình trạng lao động VN vào các cửa hàng, siêu thị ăn cắp đồ có chiều hướng gia tăng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tình trạng này chủ yếu rơi vào nhóm sang Nhật Bản theo luật mới. Đã có nhiều trường hợp trộm cắp bị bắt giữ, trục xuất về nước. Rõ ràng, vì không còn bị ràng buộc về tài chính nên  NLĐ không còn thấy nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ hợp đồng như trước, từ đó dễ phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật.
 

Ngoài trộm cắp, điều mà chúng tôi  lo lắng hơn là  nguy cơ phá vỡ hợp đồng rất cao từ số này. Tỉ lệ lao động phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ở lại Nhật Bản hiện đã giảm xuống còn dưới 2% nhưng dự báo sẽ tăng cao trong hơn 2 năm tới, là thời điểm nhiều lao động sang Nhật theo luật mới kết thúc hợp đồng 3 năm.

 
- Theo ông, để hạn chế nguy cơ lao động bỏ trốn, cần có biện pháp gì?
 
- Trước mắt, chúng tôi chỉ có một cách là làm đúng quy định, chứ không tìm được giải pháp nào. Nếu làm khác đi, lách luật, thu ngầm, thu ngoài hợp đồng thì không ổn, bởi một khi bị phát hiện thì hậu quả, thiệt hại đối với DN là rất lớn.
 
Theo tôi, ký quỹ, thế chấp sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người nghèo, thu hẹp cơ hội, sự lựa chọn của số đông lao động có nhu cầu sang Nhật Bản. Dù luật pháp hiện hành về xuất khẩu lao động của VN cho phép thu các khoản này nhưng nó không phù hợp với luật pháp Nhật Bản nên cơ quan chức năng phải tìm ra cách giải quyết phù hợp. Suleco cũng như các DN phái cử TNS sang Nhật Bản đang trông chờ hướng dẫn để có cách làm thống nhất. Hiện tại, mỗi DN đưa ra mỗi biện pháp khác nhau nhưng không ràng buộc được trách nhiệm, nghĩa vụ của NLĐ mà chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của họ là chính.
 

Theo ông Trần Quốc Ninh, việc bãi bỏ quy định thu tiền ký quỹ, thế chấp giúp NLĐ có thêm sự lựa chọn, cơ hội việc làm. Hiện tại, cùng với nhu cầu tiếp nhận TNS nước ngoài vào Nhật Bản tăng lên, NLĐ đến các DN đăng ký sang Nhật Bản cũng nhiều hơn trước. Tại Suleco, bình quân mỗi tuần có khoảng 100 người đến tìm hiểu thông tin, đăng ký hồ sơ sang Nhật Bản.

DUY QUỐC thực hiện
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]