Nguy cơ giảm thính lực do thuốc

Tác dụng phụ là một trong những nguy cơ tiềm ẩn khi dùng thuốc. Loại thuốc nào cũng có những tác dụng không mong muốn nhất định. Một số thuốc có thể gây độc cho tai, làm giảm khả năng nghe, thậm chí dẫn đến điếc vĩnh viễn.

0


Suy giảm thính lực do thuốc có thể khó phục hồi nếu đến bác sĩ chậm trễ.

Đột nhiên bạn bị ù tai, nghe kém, chóng mặt rồi dần dần nặng tai... sau đó đi khám, bác sĩ chẩn đoán bạn bị suy giảm thính lực. Tác nhân gây suy giảm thính lực có thể do dùng một số thuốc điều trị bệnh hoặc hoá chất gây suy kém chức năng và tổn thương tế bào tai trong, đặc biệt sau ốc tai và các tế bào thần kinh thính giác. Suy giảm thính lực gặp phải do tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra khi đang dùng thuốc hoặc sau vài tuần, thậm chí vài tháng khi đã ngưng sử dụng. Dấu hiệu của suy giảm thính lực thường không xảy ra đột ngột mà có diễn biến từ từ, nên người bệnh thường dễ bỏ qua. Triệu chứng điển hình của suy giảm thính lực do tác dụng phụ của thuốc là ù một bên hoặc cả hai tai. Có trường hợp không ù tai mà chỉ thấy chóng mặt, mất thăng bằng, nghe kém... Các triệu chứng này có thể xuất hiện tạm thời, không liên tục nên nhiều người lại nghĩ do mệt mỏi hay bị rối loạn tiền đình và cứ thế chịu đựng. Dần dần, biến chứng suy giảm thính lực càng trở nên nặng nề hơn nếu người bệnh không đi khám bác sĩ. Có trường hợp chỉ phát hiện ra khi ngưỡng nghe đã ở mức rất cao và nguy cơ điếc không hồi phục đang cận kề.

Những loại thuốc gây suy giảm thính lực

Có một số loại thuốc gây suy giảm thính lực, có thể dẫn đến điếc. Đứng đầu trong nhóm nguy cơ này là kháng sinh, đặc biệt là nhóm aminoglycosid.

Nhóm kháng sinh aminoglycosid:

Neomycin là kháng sinh gây hại nhất cho tai. Khi dùng bằng đường uống với liều cao để diệt khuẩn đường ruột hoặc dùng liều cao để bôi vết thương là đã có thể gây điếc. Kanamycin và amikacin cũng gây độc hại mạnh như neomycin. Streptomycin gây tổn hại nhanh chóng cho bộ phận tiền đình, dẫn đến chóng mặt, mất cân bằng, loạng choạng, khó bước đi ở nơi thiếu ánh sáng. Nếu sử dụng 1g/ngày thì sau 7-10 ngày, bệnh nhân sẽ suy giảm sức nghe. Nếu tiếp tục điều trị sẽ dẫn tới điếc nặng, vĩnh viễn không phục hồi được. Đã có trường hợp dùng streptomycin điều trị viêm phổi cho trẻ rồi dẫn tới hậu quả trẻ bị câm điếc. Gentamycin cũng gây độc cho tai như streptomycin nhưng nhẹ hơn. Có tới 10% trường hợp bị ngộ độc tai, suy giảm thính lực do dùng nhóm kháng sinh aminoglycosid. Nguy cơ bị ngộ độc tai, suy giảm thính lực do aminoglycoside tăng nếu bệnh nhân có trước một trong những yếu tố sau: suy yếu chức năng thận, tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn, tuổi cao, đã từng dùng aminoglycoside.

Những kháng sinh khác cũng có thể gây hại cho tai:

Trước tiên là erythromycin. Nếu tiêm tĩnh mạch liều cao 4g/ngày (để điều trị viêm phổi cho bệnh nhân cao tuổi, suy gan, thận) thì có thể gây điếc và chóng mặt. Triệu chứng này sẽ giảm và hết nếu ngưng thuốc kịp thời. Ampicillin khi dùng liều cao điều trị viêm màng não do Hemophillus influenzae có thể làm suy giảm thính lực. Chloramphenicol cũng giống như ampicillin, khi dùng điều trị viêm màng não cũng làm giảm sút sức nghe. Các kháng sinh như viomycin, vancomycin, capreomycin cũng có nguy cơ làm suy giảm thính lực, gây điếc. Triệu chứng suy giảm thính lực do các kháng sinh này gây ra cũng tùy từng trường hợp mà bị nghe kém, ù tai tiếng thổi, thỉnh thoảng chóng mặt, nếu dùng quá liều lâu ngày có thể gây điếc thần kinh giác quan không phục hồi, gây hư hại cả ốc tai và tiền đình.

Thuốc chống viêm

Các thuốc chống viêm salicylat thường gây ù tai và giảm thính lực, nhưng có khả năng hồi phục. Aspirin liều cao cũng gây ù tai và giảm thính lực nhưng ngưỡng nghe có thể phục hồi sau khi ngừng thuốc. Các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, indomethacin, piroxicam... cũng có tác dụng phụ làm suy giảm sức nghe, gây điếc.

Thuốc lợi tiểu tác động ở quai Henlé

Đây là một nhóm thuốc gây hại nặng nhất cho tai, bao gồm acid ethacrynic, furosemid, bumetanid. Thuốc gây độc mạnh nhất ở người cao tuổi, người suy gan, suy thận. Độc tính tăng thêm khi dùng đồng thời với kháng sinh nhóm aminoglycosid.

Ngoài ra, một số loại thuốc trị sốt rét, thuốc chống ung thư cũng có thể gây suy giảm thính lực ở các mức độ khác nhau.

Lời khuyên của thầy thuốc

An toàn khi dùng thuốc là mong ước lớn nhất của cả thầy thuốc và bệnh nhân. Do vậy, người bệnh không nên tự dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Cần thông báo cho bác sĩ những loại thuốc mình đang dùng và tiền sử bệnh để bác sĩ có hướng điều trị. Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc lên thính lực, người bệnh nên tham khảo sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Với bệnh nhân cao tuổi, phụ nữ có thai, người bị suy gan thận không được dùng các thuốc có khả năng gây độc cho tai, mà phải thay thế bằng các thuốc khác có cùng tác dụng. Nếu bắt buộc phải dùng, bệnh nhân cần được đo thính lực và theo dõi thường xuyên trong suốt quá trình dùng thuốc (đặc biệt là các kháng sinh). Trong và sau thời gian dùng thuốc nếu thấy biểu hiện ù tai, nghe kém nên đến ngay bác sĩ kiểm tra để được điều trị kịp thời.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]