Nguy cơ nhãn tiền

ANTĐ - Sự tồn vong của các quốc đảo Thái Bình Dương tiếp tục thu hút được sự chú ý của dư luận khi Hiệp ước mới của khu vực này kêu gọi tích cực hành động đối phó biến đổi khí hậu nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế.

15.5986

Nhiều hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương sẽ bị nhấn chìm dưới nước do biến đổi khí hậu

Hiệp ước này (hay còn gọi là Tuyên bố Majuro) do Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) thông qua tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra cuối tuần trước tại quần đảo Marshall, bao gồm những cam kết cụ thể về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguồn gốc đe dọa đối với nhiều quốc đảo trong khu vực. Dự kiến, Tuyên bố Majuro sẽ được trình lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon trong phiên họp thường kỳ của Đại Hội đồng LHQ khai mạc vào cuối tháng này.

Có thể nói chưa bao giờ các quốc đảo Thái Bình Dương lại đứng trước thách thức lớn đến như vậy. Mặc dù diện tích đất đai rất nhỏ, song các quốc đảo Thái Bình Dương (chủ yếu là phía Nam Thái Bình Dương) lại có lãnh hải vô cùng rộng lớn, chiếm tới 10% diện tích các đại dương. Chính vì thế mà nguồn sống của khu vực này phụ thuộc rất lớn vào đại dương. 

Thế nhưng ngoại trừ Australia, New Zealand và Papua New Guinea giàu có, phần lớn các nước khác trong khu vực này đều là những hòn đảo nhỏ chỉ nhô cao trên mặt nước biển vài mét và có nguy cơ bị xóa sổ nếu tình trạng nóng lên toàn cầu làm tan chảy băng ở hai cực khiến nước biển dâng lên. Nghiên cứu gần đây cho thấy mực nước biển đã tăng thêm 3cm kể từ năm 1993, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trung bình của thế kỷ 20. Như vậy đến năm 2100, mực nước các đại dương trên thế giới có thể dâng cao thêm từ 0,9 mét đến 1,6 mét.

Nếu điều đó xảy ra, nhiều đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương sẽ bị nhấn chìm. Chẳng hạn, quốc đảo Kiribati đã phải cân nhắc một kế hoạch di cư dân tới một nơi khác. Tổng thống Kiribati A. Tong cho biết nội các của ông đã lên kế hoạch mua khoảng 2.400 hécta đất trên hòn đảo Viti Levu của Fiji cách nước này hơn 2000 km. Khu đất màu mỡ này, do một nhóm nhà thờ rao bán với giá 9,6 triệu USD, có thể là một đảm bảo cho tổng dân số 103.000 người của Kiribati.

Còn hiện tại, do mực nước biển dâng, các nước này phải đối phó với tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngọt, bờ biển xói lở, nước biển bị nhiễm axít ảnh hưởng tới các rặng san hô. Nhiều ngôi làng trên các hòn đảo trong khu vực đã phải di dời và nước biển ngày càng xâm lấn nguồn nước ngầm của quốc đảo, vốn có ý nghĩa sống còn đối với cây cối và mùa màng. Sự gia tăng nhiệt độ nước bề mặt, lớn hơn trong đại dương phía tây, sẽ dẫn đến sự di cư của cá ngừ về phía đông Polynesia, dẫn đến các khu vực đánh bắt di chuyển ra khỏi bờ biển Melanesian, quần đảo Salomon và Papua New Guinea. Nghề khai thác cá ngừ vằn chiếm 90% sản lượng khai thác cá của khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân.

Hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, các quốc đảo Nam Thái Bình Dương nhận thức rõ nguy cơ nước biển dâng lên đối với họ và sự cần thiết phải hành động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đáng mừng là Tuyên bố Majuro mà Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương đưa ra tuần trước đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Pháp, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia. 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]