Nguy cơ nhiễm độc từ vật dụng làm bằng nhựa

(VietQ.vn) – Trước thông tin bát nhựa Trung Quốc có chứa chất độc hại, dường như người tiêu dùng trong nước khá thờ ơ với sức khỏe của chính mình, điều này thể hiện rõ ở việc các vật dùng bằng nhựa bày bán tràn lan trong chợ, ngoài hè đường vẫn rất được ưa chuộng.

15.5948

Đa phần dùng đồ nhựa

Trên thị trường hiện nay, các vật dụng làm bằng nhựa vô cùng đa dạng, mẫu mã phong phú. Các sản phẩm như bát, đĩa nhựa được các bà nội trợ rất ưa chuộng. Một lí do giải thích cho việc đồ nhựa “chiếm lĩnh” thị trường đó là giá thành khá rẻ, dùng lại bền, tiện lợi.

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, tại các siêu thị, các vật dụng làm từ nhựa có rất nhiều mẫu mã khác nhau, từ bát, đĩa, cốc cho tới các hộp đựng thức ăn. So với đồ sứ hay thủy tinh thì đồ nhựa có giá rẻ hơn khá nhiều.

Rất nhiều dụng cụ được làm bằng nhựa

Trung bình, mỗi chiếc cốc nhựa có giá dao động từ 5.000 - 10.000 đồng, hộp đựng thức ăn có giá từ 30.000 - 70.000 đồng/hộp.

Các dụng cụ bằng nhựa bán tại chợ, vỉa hè có giá “mềm” hơn so với trong cửa hàng, siêu thị. Các loại hộp nhỏ có nắp, có thể đựng muối, bột ngọt... giá từ 2.000 – 6.000 đồng, hộp to hơn dao động trong khoảng 30.000 - 40.000 đồng/bộ 3 chiếc.

Vì giá thành rẻ nên các vật dụng bằng nhựa vẫn luôn đắt khách. Chị Nguyễn Thị Hương (ngõ 79, Cầu Giấy) chọn mua hộp nhựa tại chợ Nghĩa Tân cho biết: “Tôi mua mấy hộp nhựa về đựng bột canh, mì chính cho tiện. Nhà tôi có con bé nên mua thêm mấy cái cốc cho cháu uống nước, chứ dùng cốc sứ sợ vỡ lắm”.

Không chỉ các hộ gia đình dùng vật dụng làm từ nhựa, các cửa hàng bán đồ ăn, đồ uống đa phần cũng sử dụng đồ nhựa. Theo quan sát, phần lớn quán ăn hay các quán nước vỉa hè, loại cốc được sử dụng cho khách đều là cốc nhựa. Chị Thanh, chủ quán trà đá cạnh trường Thương Mại, Hà Nội cho biết: “Hầu hết người bán hàng chúng tôi đều sử dụng đồ nhựa cho khách, lí do đơn giản là vì nó nhẹ, bưng bê cũng dễ dàng. Nếu dùng cốc bằng thủy tinh hay sứ thì công vận chuyển đi lại sẽ khó hơn nhiều, vừa nặng lại dễ vỡ. Mà tôi đựng nước lạnh chứ có đựng đồ ăn nóng gì đâu mà lo”.

Phát hiện chất độc trong đồ dùng bằng nhựa

Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo rất nhiều về đồ ăn, thức uống độc hại nhưng dường như người dân vẫn “tặc lưỡi” cho qua vì “bây giờ ăn gì cũng độc, nếu sợ độc tốt nhất là không ăn uống gì nữa”! Nhưng không nên vì thế mà mọi người có thể chủ quan với chính sức khỏe bản thân.

Các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc vừa cảnh báo, những người chuyên ăn sáng bằng bát đĩa làm từ melamine có nồng độ nhiễm melamine cao gấp 8 lần so với nhóm người dùng đồ sứ.

Cốc nhựa được hầu hết các cửa hàng sử dụng

Melamine là một loại hóa chất hữu cơ được dùng rộng rãi trong sản xuất đồ nhựa như bát, đĩa hay cốc, hộp đựng thức ăn bằng nhựa… Các chuyên gia đã cảnh báo, các vật dụng bằng nhựa khi đựng thức ăn nóng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.

Ông Vũ Minh Dương - Đại học Y dược Cao Hùng, Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc, cho biết: “Nếu một người ăn nhiều hơn hai bát mỗi ngày, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm tối thiểu là 0,0083mg melamine. Mặc dù con số này là khá nhỏ nhưng lại đáng lưu tâm đối với những người yếu thận như trẻ em và phụ nữ mang thai”.

Cho đến nay, việc sản xuất bao bì chất dẻo dùng trong thực phẩm ở nước ta vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đa số đều do các cơ sở tư nhân sản xuất từ nhựa tái sinh trên những thiết bị thô sơ, không đủ yêu cầu kỹ thuật, do đó thường có chứa các yếu tố độc hại với cơ thể. Bên cạnh đó, trên các đồ dùng nhựa của nước ta cũng chưa ghi rõ thành phần và những khuyến cáo, nên người tiêu dùng nhiều khi chưa biết cách sử dụng sao cho hợp lý và an toàn nhất.

Do vậy, để đảm bảo sức khỏe của chính mình và người thân, người tiêu dùng nên hết sức thận trọng khi chọn mua đồ đạc hàng ngày, nhất là những vật dụng tiếp xúc trực tiếp đến thức ăn và đồ uống cho gia đình.

Vân Nhi

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]