Nguy cơ ở “rốn” nước

Giadinh.net - Đến ngày 11/ 11, tại 12 huyện ngoại thành Hà Nội vẫn còn gần 50 điểm ngập nặng, nước ở các sông nội đồng rút chậm, nhiều khu dân cư vẫn ngập mênh mông. Thậm chí, có nơi nước đang có xu hướng dâng lên, nhà cửa, trang trại có nguy cơ bị nhấn chìm thêm một lần nữa.

15.6084
Nước trắng ruộng đồng, ao cá...
 
Xã Liên Châu nằm ở điểm cuối cùng của huyện Thanh Oai, cùng chung cảnh bị ngập nặng nhất với 3 xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Thanh Thùy. Sáng 11/11, chúng tôi có mặt ở đầu con đường làng, nơi bắt đầu địa phận xã Liên Châu, đã thấy mênh mông nước. Nước ngập trắng đồng ruộng, trang trại nuôi lợn, đầm nuôi cá.
 
Trước đó, toàn bộ trạm bơm tiêu của Thanh Oai phải ngừng hoạt động để ưu tiên thoát nước cho nội đô, nước ngập ứ lại, nước các nơi chảy dồn về vùng trũng Liên Châu. Hiện chỉ có 6 máy bơm được vận hành bơm tiêu nước với công suất vài nghìn mét khối/giờ, không thấm tháp gì bởi nơi đây mênh mông biển nước, số máy bơm còn lại vẫn bị chìm trong nước. Gần 10 ngày nay, giao thông ở Liên Châu bị tê liệt, chủ yếu đi lại bằng thuyền. Hiện 800 hộ dân nơi đây đang bị ngập nặng, phải sơ tán nhà cửa. 
 

Phương tiện đi lại của người dân thôn Châu Mai, huyện Thanh Oai chủ yếu vẫn là thuyền và bè. Ảnh: L.X.

 
“Rốn” nước tại Lại Yên, huyện Hoài Đức hiện vẫn còn xóm 1, xóm 2 bị ngập sâu tới hơn nửa mét. Nhiều ruộng đồng, ao cá, trang trại ngập trắng trong nước. Rác nổi lềnh bềnh dọc trục đường liên thôn, đường làng. Trạm bơm Đào Nguyên với 20 máy bắt đầu bơm nước ra sông Đáy từ ngày 8/11 nhưng mực nước tại xã rút rất chậm. Với tốc độ này, sớm nhất là một tuần nữa, Lại Yên mới hết ngập úng. Hàng loạt xã khác của Hoài Đức như Sơn Đồng, Yên Sở, Kim Chung, Di Trạch, Vân Canh, La Phù, Đông La cũng cùng chung cảnh ngộ. Huyện Từ Liêm còn “rốn” nước Tây Tựu, Tây Mỗ. Huyện Chương Mỹ  hiện còn tới 36.000 người dân đang sống chung với cảnh ngập sâu... Huyện Thường Tín còn gần 900 hộ bị ngập. Huyện Mỹ Đức cũng có tới 3 xã Hợp Thanh, Hợp Tiến, An Phú với hơn 2.000 hộ chịu cảnh ngập...
 

Sau trận "Đại hồng thủy", nhiều ngôi nhà ở nơi "rốn" nước vẫn bị ngập. Ảnh: L.X

 
Tiền tỉ vèo bay
 
Cánh đồng gieo trồng vụ Đông 230 ha (chủ yếu là cây đậu tương đang ra hoa), 88 trang trại nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm (diện tích 110 ha) của xã Liên Châu đang bị ngập sâu 3m. Hoạt động sản xuất nông nghiệp với nghề ấp trứng vịt lộn của xã bị đình lại, gần 100.000 con vịt đẻ nhưng do mưa úng thiếu thức ăn, chuồng trại bị hỏng nên số trứng thu được mỗi ngày chỉ bằng 1/5 ngày thường, giá trứng vịt lộn xuất lò cũng giảm hơn 2/3. Sơ bộ, đợt mưa vừa qua khiến người dân Liên Châu thiệt hại 500 tấn cá (hơn 10 tỷ đồng), 230 ha đậu tương, cùng vài chục tỷ đồng thất thu từ gia súc, gia cầm.
 
Cho phép huyện chỉ định thầu
 
Thành phố chỉ đạo tập trung bơm nước ra sông Nhuệ, sông Đáy và quyết định mua thêm 75 máy bơm, lắp đặt các điểm bơm dã chiến và bơm cơ động để nhanh chóng đổ nước ra sông. Ngày 11/11, các điểm bơm bổ sung phải hoàn thành việc lắp đặt và đi vào hoạt động. Thành phố cho phép các huyện được chỉ định thầu các công trình cải tạo kênh mương, trạm bơm để giải quyết, khắc phục ngay hậu quả úng ngập.
 
Ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Chủ trang trại nuôi trồng thủy sản, gia cầm rộng 7ha, Lê Văn Trắng cho biết: “Đầu tư vào trang trại gần 3 tỷ đồng, đang vay ngân hàng 150 triệu đồng, nay bị mất trắng do mưa úng, chuồng trại, tường bao cũng bị hư hỏng nặng, tôi không biết trả ngân hàng thế nào”.
 
Chị Đào Thị Kiểm, chủ một đầm cá than thở: “Nhà tôi mất hơn 200 triệu đồng tiền cá, dù đã chăng lưới cao gần 2m. Hiện còn 2 máy ấp trứng trị giá gần 100 triệu nhưng không có điện để hoạt động. Chỉ tính riêng tiền dây điện để cứu máy trứng đã mất 10 triệu đồng, mỗi ngày phải mất 400.000 đồng nữa để chạy máy phát điện cho máy trứng. Số tiền vay ngân hàng vài trăm triệu đồng giờ không biết xoay xở thế nào”. Hơn 80 chủ trang trại khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
 
Chị Dương Thị Sơn (xóm 1, Lại Yên, Hoài Đức) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng: “Hơn một tấn thóc mới thu hoạch bị ướt nảy mầm hết, vườn bưởi Diễn 1,5 sào với gần 2.000 quả cũng ngập thối cả. Đầm cá 5 hộ gia đình chung nhau bị ngập, mất trắng hơn 400 triệu đồng”. Chủ tịch xã Lại Yên, ông Vũ Tiến Hành cho biết, toàn xã có 1.925/2.101 hộ bị ngập úng nặng, 15 ha thủy sản bị mất trắng, 12 ha cây ăn quả bị chết úng, mấy chục hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn bị vỡ, ngập chuồng trại. Nguồn thu nhập chính trong những tháng cuối năm của người dân trong xã đã không còn. “Còn 2 xóm ngập sâu chưa biết đến khi nào nước mới rút. Nếu người dân phải sống chung với ngập úng khoảng một tuần nữa chắc chắn dịch bệnh sẽ bùng phát”, ông Hành lo lắng.
 
Kiên quyết không để xảy ra dịch bệnh tại vùng lụt
 
Ngày 11/11, Sở Y tế Hà Nội tổ chức kiểm tra vệ sinh phòng bệnh tại huyện Thanh Oai. Theo ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Thanh Oai, đã có 2 trường hợp tử vong do đuối nước, 89 bệnh nhân tiêu chảy, 1057 bệnh nhân mắc các bệnh ngoài da, chủ yếu loét các kẽ ngón chân, 38 ca đau mắt đỏ, rải rác ở các xã trên toàn huyện.
 
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Ngày 12/11, 5 máy phun khử khuẩn sẽ được Trung tâm Y tế dự phòng thành phố tăng cường cho huyện Thanh Oai. Các trường hợp tiêu chảy và đau mắt sẽ phải lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra nguyên nhân mắc bệnh, chủ động đối phó nếu có dịch xảy ra. Hiện tại, Hà Nội có đủ cơ số thuốc để phục vụ những vùng bị ngập lụt. Công việc trước mắt là vệ sinh môi trường, thu gom rác, xác súc vật, trước khi chuyển rác đi cần phun thuốc sát khuẩn.
 
Hạnh Quỳnh

Lã Xưa

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]