Nguy cơ tiếp tục lỗi hẹn

Sau nhiều lần phải dời mốc tiến độ, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đang quyết tâm phấn đấu hoàn thành công trình đường dây (ĐZ) 220 kV Vân Trì - Chèm vào tháng 11/2014. Tuy nhiên, kế hoạch này lại đang đứng trước nguy cơ tiếp tục lỗi hẹn vì đến nay tất cả những tồn tại vẫn chưa được giải quyết do vướng giải phóng mặt bằng.

15.6023

Nhiều khoảng cột chưa kéo được dây do người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng.

CôngThương - Ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng  giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) - cho biết: ĐZ 220 kV Vân Trì - Chèm được khởi công tháng 12/2012 và dự kiến đóng điện tháng 12/2013. Với khả năng truyền tải 400 - 600 MW, tương đương 25% công suất điện của Hà Nội trong thời gian tới, mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm cung cấp điện cho khu vực Bắc sông Hồng, TP.Hà Nội, một phần tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời tăng cường độ tin cậy của lưới truyền tải phía Bắc. Đến nay, mặc dù toàn bộ cột của dự án đã được dựng xong (44/44 vị trí cột), nhưng phần kéo dây vẫn vướng ở 5 khoảng néo đi qua đất ở và đất doanh nghiệp vì đang vường bồi thường giải phóng mặt bằng phần hành lang tuyến. Những khoảng néo này thuộc đoạn tuyến phía bờ Bắc sông Hồng trên địa phận huyện Đông Anh (TP. Hà Nội) do chưa bàn giao được mặt bằng cho đơn vị thi công. Cụ thể, vị trí 6-7 vướng đất ở thổ cư có 18 hộ chưa được đền bù và Nhà máy Vinaxuki; vị trí 7-8 vướng Nhà máy Vinaxuki và Nhà máy may Vĩnh Phúc. Hiện EVNNPT đã gửi phương án vượt các nhà máy của các doanh nghiệp này nhưng các doanh nghiệp này chưa có ý kiến trả lời. Các vị trí 32-33 vướng 8 hộ đất ở chưa có phương án bồi thường được duyệt nên chưa thể chi trả; các vị trí 34-35; 35-37 vướng 9 hộ đất ở chưa được đền bù và 15 nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp, còn lại tài sản trên đất chủ yếu là hoa màu và cây ăn quả.

Dự án ĐZ 220 kV Vân Trì-Chèm do EVN NPT làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 574,6 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm quốc gia với mục đích chống quá tải và cung cấp điện cho TP. Hà Nội. Theo kế hoạch ban đầu, dự án phải hoàn thành từ tháng 12/2013 nhưng đến nay, dự án vẫn tiếp tục lỗi hẹn.

Ông Lẫm cho biết, UBND TP.  Hà Nội đã giao cho huyện Đông Anh phê duyệt phương án đền bù. Nếu mọi việc được giải quyết sớm, trong tháng 11/2014 sẽ hoàn thành dự án này. Huyện cũng đã tuyên truyền sâu rộng đến người dân về tầm quan trọng của dự án cũng như các quy định pháp luật về công tác đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, các hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng vì cho rằng giá đền bù không sát với thực tế. Hiện nay, Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc (AMB) đang phối hợp với địa phương thành lập các tổ, nhóm đến vận động từng hộ dân. Giải pháp cuối cùng là nếu người dân vẫn cố tình không đồng ý thì buộc phải tổ chức cưỡng chế để Ban AMB có thể thi công. Tuy nhiên, biện pháp cưỡng chế là bất đắc dĩ.

Được biết, từ nhiều năm nay, Hà Nội luôn đứng trước nguy cơ thiếu điện do lưới điện thường xuyên trong tình trạng đầy tải và quá tải. Để bảo đảm việc cấp điện ổn định cho TP.Hà Nội thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu sử dụng tối đa công suất các trạm biến áp 220 kV đang vận hành. Thậm chí, Hà Nội là địa phương duy nhất có TBA 220 kV phải sử dụng cùng lúc 3 máy biến áp để cấp điện. Vì vậy, việc đưa dự án ĐZ 220 kV Vân Trì – Chèm đi vào hoạt động là hết sức cần thiết. Thực tế cho thấy, những khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng nói chung và các dự án lưới điện nói riêng không thể hoàn thành nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức doanh nghiệp và người dân. 

Ngọc Loan

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]