Nguy cơ từ đá bẩn

GiadinhNet - Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản cấm dùng đá cây trong giải khát từ năm 2008 (do lo ngại về việc sản xuất không đảm bảo vệ sinh), nhưng với tình trạng nắng nóng kéo dài hiện nay, nhiều điểm kinh doanh vẫn cố tình làm liều.

0
 
Trong khi đó, các chuyên gia y tế cảnh báo, khuẩn tả có thể tồn tại hàng tháng trong môi trường đá đông.
 
Dùng nước đá bẩn không chỉ bị nhiễm khuẩn mà còn nhiễm những hóa chất độc hại có trong nước đá. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên rất nhiều chứng bệnh nguy hiểm như tả, lỵ, thương hàn...
 
Điều đáng lo ngại, nhiều người tưởng rằng đá cây chỉ dùng trong giải khát tại các quán “cóc”, quán ăn uống nhỏ lẻ, nhưng trên thực tế, không ít quán bar khá sang trọng cũng sử dụng loại đá này cho “thượng đế”.
 
Tại phố Trần Đăng Ninh, Trần Huy Liệu (Hà Nội), nhân viên một số quán cà phê, quán bar khuyên: “Cứ vô tư uống đi, nước đá lạnh cóng người bỏ vào còn chết, huống gì vi khuẩn”. Không chỉ nhân viên các quán trên có ý nghĩ đá lạnh sẽ giết chết vi trùng, vi khuẩn mà nhiều “thượng đế” cũng nghĩ vậy. Họ cho rằng cứ lạnh tới mức nước đông thành đá là vi khuẩn sẽ chết. Tuy nhiên đây là một ý nghĩ vô cùng sai lầm.
 
“Đá cây, đá viên sạch” được bán ở vỉa hè đường Thụy Khuê.
nh minh họa
 
Ngày 10/7, tại Nam Định, cơ quan chức năng đã xét nghiệm và kết luận: mẫu nước đá lấy tại xã Trực Phú, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định xét nghiệm cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tại xã Trực Thái. Đợt dịch này Trực Thái đã có 26 người mắc bệnh, trong đó có 7 trường hợp mắc phẩy khuẩn tả. Phần lớn bệnh nhân cho biết đã sử dụng nước đá. Dù tỉnh Nam Định đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá song cũng không khiến người ta hết lo ngại.
 
Sự kiện tại Nam Định là minh chứng rõ ràng nhất cho việc vi khuẩn có chết khi nước đông thành đá hay không!
 
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay trên địa bàn có khoảng hơn 200 cơ sở sản xuất nước đá, nhưng trong đó chỉ có khoảng 30 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. 170 cơ sở còn lại hằng ngày cho xuất xưởng bao nhiêu tấn đá? Có bao nhiêu cây đá mát lạnh trong số đó mang trong mình mầm bệnh?
 
Đó là những câu hỏi không dễ đưa ra số liệu cụ thể, bởi sản xuất của rất nhiều cơ sở khá “kín”, khó kiểm soát. Tuy chưa có số liệu cụ thể nhưng một điều chắc chắn, đó là nguy cơ của rất nhiều loại bệnh từ đá cây mất vệ sinh đang treo lơ lửng trong những cốc trà, cốc cà phê mát lạnh...
 
Mai Hạnh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]