Nguy cơ từ việc coi thường bạn đời

Người xưa có câu “vợ chồng trọng nhau như khách”, nhưng trong cuộc sống vợ chồng đã có không ít người luôn bới móc, bắt bẻ đối phương, luôn phê bình, chỉ trích bất cứ hành động và tư duy nào của bạn đời trước mặt người ngoài… khiến vợ (chồng) không thể chịu nổi.

0

Hắt nước đổ đi

“Cô phúc tổ 70 đời mới cưới được tôi” – anh Hồng Sơn (Đông Anh, Hà Nội) thường mở đầu liên khúc “chê vợ” bằng một câu như vậy.

Theo lời anh, vợ anh vừa đen, vừa xấu, “môi cong vếu, mặt nặng như cái bánh chưng”, gia đình đông con, nghèo hèn, có mỗi một người là vợ anh đi học đến đại học, nhưng mà chắc cũng học dốt nên không có anh xin việc cho thì đừng hòng có ai nhận, đã thế trước khi cưới cũng đã yêu chán chê rồi, chẳng còn “nguyên vẹn” gì, may mà anh thương tình.

Còn anh con nhà cán bộ, học hành thông minh, làm ở một Cty ty lớn, có ô tô. Đã thế, bố mẹ còn có mảnh đất hơn 500m2, giờ xây nhà to như biệt thự. “Cô ta đúng là đớp phải ruồi. Chứ không giờ vẫn chân đất mắt toét ở xứ chó ăn đá, gà ăn sỏi”.

Bất cứ ai buột miệng khen vợ anh Sơn sướng vì có người chồng tài giỏi, giàu có là anh lại “buột miệng” như vậy. Chỉ có điều không ai hiểu tại sao anh chê vợ như vậy mà vẫn cưới làm vợ. Anh lại bảo: “Được cái đần đần nên đố dám cãi chồng, không dám đòi hỏi bao giờ. Cho gì nhận nấy, bảo gì làm vậy thôi”.

Những người hiểu chuyện, nghe thế đã thấy cám cảnh cho nỗi niềm của chị Hà, vợ anh Sơn. Do anh em đông, bố mẹ nghèo khó, lại ở vùng quê thường xuyên bão tố, lũ lụt nên chị vẫn thường xin chồng biếu bố mẹ ít tiền, giúp anh em xin việc, xây nhà. Chính vì điều đó nên chồng chị vừa giúp, vừa ra sức rêu rao, miệt thị vợ.

Chị học hành không đến nỗi tệ nhưng vì vừa ra trường đã lấy chồng, sinh con, liền một hơi 2 đứa, con hơn 1 tuổi, chị muốn đi làm thì chồng lại khí: “Đi làm kiếm được mấy đồng, ở nhà chăm con vừa tiết kiệm tiền thuê ô sin, lại an tâm”. Loanh quanh là mất 7 năm, lúc đó chị đi xin việc thì đã quá tuổi, lại lạc hậu với thời cuộc. Cuối cùng đành nhờ chồng xin cho một chân văn phòng. Chị lại thêm một lần “mất điểm”.

Không ít người đàn ông cho rằng nếu “hạ bệ” được vợ thì sẽ “đôn” mình lên. Vì thế, cứ mở miệng ra là chê vợ để thiên hạ thấy sự vĩ đại và giỏi giang của mình. Nhưng anh ta không hiểu rằng, làm như vậy chẳng khác nào “tự tát vào mặt”. Bởi vợ – bạn đời – người yêu thương – mẹ của con mình, tư cách của cô ấy cũng là tư cách của mình, mình đã lựa chọn, đã yêu thương. Nếu cô ấy thực sự xấu như anh ta nghĩ thì rõ ràng không “xứng đôi vừa lứa” và anh ta thực sự kém cỏi vì sai lầm như vậy.

Chan tương đổ mẻ

Chị Quỳnh Anh (KTT Kim Liên, Hà Nội) cũng có tật mở miệng ra là chê chồng. Anh Cảnh- chồng chị được tiếng hiền lành, cả xóm quý. Nhưng theo lời chị, anh ấy chẳng biết kiếm tiền, vụng thối vụng nát, đụng đâu đổ đấy, đã thế còn không biết giao tiếp. Cô phàn nàn với mẹ chồng: “Mẹ không giáo dục anh ấy cách xã giao, đi với bạn bè vợ mà cứ như người cấm khẩu”.

Mẹ anh Cảnh là người nhà quê đôn hậu nên chỉ ngượng ngiụ bảo: “Thì mẹ cũng chẳng khéo léo, chỉ biết nuôi dạy nó thành người tử tế thôi”. Còn anh Cảnh bực bội: “Làm sao vui vẻ, thoải mái được khi cô ấy cứ liên miệng chê chồng trước mặt bạn.

Nghe cô bạn kể gia đình giàu có thì lại xuýt xoa: “Sao chồng bạn giỏi thế, còn lão chồng tôi cù lần, cả đời chỉ há miệng chờ sung, vợ con chẳng được nhờ”, làm việc nhà cũng vô tích sự, công việc cũng đần, đụt không biết cách lấy lòng sếp nên chậm tiến. Việc nhà lười biếng, đụng đâu hỏng đấy, không có vợ thì chết ngập trong đống rác”.

Đến nỗi cô bạn cũng thấy xấu hổ, cứ liếc nhìn tôi ra chiều thông cảm. Thế nhưng vợ anh vẫn vô tư bôi bác chồng: “Lôi thôi, luộm thuộm, bẩn thỉu, nếu muốn sạch thì tớ phải lôi kỳ cho mới đỡ” rồi cười ha ha. Anh Cảnh từ mặt đỏ chuyển sang trắng bệch.

Bênh chê chồng của một số người vợ hầu như lại không hề có ác ý mà chỉ để xả stress và nâng cao vai trò làm vợ đảm, mẹ hiền của họ. Cũng có thể nhiều phụ nữ cầu toàn, yêu cầu mọi việc phải răm rắp theo ý mình, việc gì chồng làm cũng chướng tai gai mắt.

Lại có người thích “mượn gió bẻ măng”, “giận cá chém thớt”, trong lòng có bực tức, ấm ức với chồng nhưng không nói trực diện vẫn đề mà chỉ thích bới móc, tỉa tót vòng vo. Lại có người lấy việc chỉ trích chồng con “làm vui”, giống như hát bài “truyền thống” của gia đình mỗi khi có cơ hội sum họp…

Cho dù là cách gì thì việc đổ vào tai chồng đống “rác” ngôn từ như vậy không thể khiến chồng sợ, chồng yêu và chồng thay đổi. Có ông lì ra, có ông “xấu” cho bõ tiếng oan, có ông từ hiền lành đổi sang hung tợn cho vợ “chừa thói điêu ngoa”… Tình cảm vợ chồng chẳng được vun đắp mà rơi rụng theo những lời cay nghiệt, miệt thị lẫn nhau…

Hôn nhân là một cái giỏ đựng những điều mà vợ chồng đối xử hàng ngày với nhau. Nếu bạn cho vào đó lời hay ý đẹp, sự quan tâm săn sóc thì cái giỏ sẽ ngày càng nặng, hạnh phúc thêm bền chặt. Nếu chỉ tích tụ sự chê bai, miệt thị, coi thường thì cái giỏ không chỉ nhẹ mà còn mục ruỗng và tan vỡ.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]