Nguy cơ virus cúm H7N9 truyền từ người sang người

15.5897
Chủng virus cúm chết người H7N9, biến thể mới nhất của virus cúm gia cầm, có nguy cơ cao lây truyền từ người sang người.

Cảnh báo trên đã được công bố trên Tạp chí Y học Anh (BMJ) số ra ngày 6/8 sau khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc tìm thấy những bằng chứng rõ rệt nhất về nguy cơ virus H7N9 có thể truyền từ người sang người.

Sau khi phân tích trường hợp lây nhiễm H7N9 của những người bệnh trong cùng một gia đình ở miền Đông Trung Quốc, các nhà khoa học đã phát hiện rằng rất có thể virus này đã truyền trực tiếp từ một bệnh nhân nam (60 tuổi) sang con gái của ông.

Theo báo cáo, hồi tháng Ba, người đàn ông này thường đến các chợ gia cầm sống và bắt đầu có những triệu chứng nhiễm H7N9 khoảng sáu ngày sau lần đi chợ cuối cùng.

Sau đó, con gái ông (32 tuổi) tuy không tiếp xúc với gia cầm sống nhưng thường xuyên chăm nom cha mình trong quá trình ông ốm, đã nhiễm virus H7N9. Các triệu chứng bệnh phát triển 6 ngày sau lần tiếp xúc cuối cùng với người cha, và cô đã tử vong khi nhiều cơ quan nội tạng bị tổn thương.

Điều đặc biệt là chủng virus trong các mẫu bệnh phẩm lấy từ hai bệnh nhân trên hầu như "đồng nhất về gen," và phát hiện này là một bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy virus chết người H7N9 có thể đã lây trực tiếp từ người cha sang cô con gái.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đánh giá rằng dù chưa đến mức phải công bố H7N9 sẽ trở thành đại dịch cúm tiếp theo của con người, song đây là hồi chuông cảnh báo toàn thế giới rằng cần tăng cường đề phòng tối đa với chủng cúm mới này.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng hiện virus này chưa thể truyền từ người sang người dễ dàng theo cơ chế lây lan, chính vì thế nguy cơ H7N9 trở thành đại dịch vẫn còn thấp.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ khi dịch cúm H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc hồi tháng 2/2013 đến nay, đã có ít nhất 133 ca nhiễm bệnh ở Đại lục và Đài Loan, trong đó 43 trường hợp đã tử vong. Hầu hết những người nhiễm bệnh đều có mặt tại chợ gia cầm từ 7-10 ngày trước khi phát bệnh./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]